Multimedia Đọc Báo in

Những điển hình gia đình hiếu học ở Ea Blang

10:17, 12/07/2020

Cùng với vun vén, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, nhiều gia đình ở xã Ea Blang (TX. Buôn Hồ) còn tích cực chăm lo, tạo điều kiện và động viên, khuyến khích con em nỗ lực học tập, trở thành người có ích cho xã hội...

Gia đình nhà giáo hiếu học

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, năm 1980 ông Vũ Mạnh Đà tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại biên giới Lạng Sơn. Rời quân ngũ, ông về giảng dạy ở huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) và lập gia đình với bà Hoàng Thị Vân, là giáo viên dạy cùng trường. Năm 1995, vợ chồng ông xin chuyển công tác vào Đắk Lắk lập nghiệp, định cư tại thôn Tân Hòa (xã Ea Blang).

Là gia đình có truyền thống hiếu học, ông Đà, bà Vân luôn định hướng, khuyến khích các con học hành ngay từ khi còn nhỏ. Những năm trước đây, khi cuộc sống còn thiếu thốn, vất vả nhưng ông bà luôn động viên nhau cùng cố gắng, gương mẫu trong công tác, cuộc sống để làm gương cho các con. Với đồng lương ít ỏi, để trang trải cuộc sống, tranh thủ ngày nghỉ, ngày lễ vợ chồng ông bà vẫn làm thêm kiếm tiền lo cho các con. Thương ba mẹ vất vả, các con của ông bà đều chăm ngoan học giỏi, tự giác rèn luyện, đạt được nhiều thành tích.

Vợ chồng ông Đà với niềm vui khi tuổi già.
Vợ chồng ông Đà với niềm vui khi tuổi già.

Giờ đây, niềm hạnh phúc của vợ chồng ông bà giáo già là hai cô con gái cũng nối nghiệp bố mẹ làm giáo viên, cậu con trai út hiện là sinh viên năm cuối Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; các cháu ngoại của ông bà đều đạt thành tích cao trong học tập, là học sinh giỏi cấp tỉnh.

Không chỉ gương mẫu trong xây dựng gia đình văn hóa, vợ chồng ông Đà còn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Ông Đà hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ea Blang, còn bà Vân Chủ tịch Hội Khuyến học tại địa phương.

Vợ chồng nông dân nuôi 6 con vào đại học

Người dân thôn Quyết Thắng ai cũng khâm phục vợ chồng ông Trần Lại, bà Hoàng Thị Kim Cúc là nông dân “chân lấm tay bùn” nuôi dạy 6 người con trưởng thành, giỏi giang.

Ông Lại bộc bạch, vợ chồng ông thời niên thiếu do cuộc sống khó khăn nên học hành dang dở. Bởi vậy, vợ chồng ông quyết chí dù chỉ rau cháo qua ngày cũng phải nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn. Ngay từ khi các con còn nhỏ, ông bà luôn răn dạy, bảo ban các con dù khó khổ thế nào cũng phải siêng năng học hành. Hiểu được tấm lòng ba mẹ, cả 6 người con của ông bà đều chăm ngoan, cố gắng, chịu khó học tập và luôn đạt thành tích cao.

Vợ chồng ông Lại tự hào với thành tích học tập của các con.
Vợ chồng ông Lại tự hào với thành tích học tập của các con.

Việc nuôi dạy 6 người con ăn học đối với một gia đình nông dân như ông Lại không hề dễ dàng. Có thời điểm 3 người con vào đại học cùng một lúc, vợ chồng ông quanh năm quần quật với ruộng vườn cũng không đủ trang trải, đành “bấm bụng” bán 2 sào đất, thậm chí vay mượn khắp nơi để lo cho con. Bù lại, 6 người con đều thương yêu đùm bọc lẫn nhau, anh chị dìu dắt, làm gương cho các em, khi chị lớn học xong lại lo cho đứa em kế. Hiện nay, 5 trong 6 người con của ông bà đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Cô con gái đầu là giáo viên tiếng Anh; cô con gái thứ hai hiện làm việc ở Chi cục Thuế TX. Buôn Hồ; cô thứ ba sau khi học xong kế toán đã chuyển hướng sang kinh doanh, xây dựng được thương hiệu thời trang Fo Fashion; cô con gái thứ tư hiện đang làm việc tại bộ phận tuyển dụng nhân sự của một công ty nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh; cậu con trai thứ năm đã tốt nghiệp ngành Luật, còn cậu con trai út đang học năm cuối ngành Công nghệ thông tin.

Mặc dù các con đều đã có cuộc sống khá giả, phụ giúp nhiều cho ba mẹ nhưng ở độ tuổi ngoài 50 ông Lại, bà Cúc vẫn chăm chỉ làm lao động làm gương cho con cháu. Hằng ngày, ông bà vẫn trực tiếp chăm sóc hơn 3 ha cà phê xen canh các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ, vải thiều... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm; trở thành điển hình nông dân sản xuất giỏi của địa phương.

Ninh Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.