Khi giáo viên sinh học trồng cây ăn quả
Với mục tiêu tạo ra sản phẩm trái cây chất lượng phục vụ gia đình, người thân của mình bằng chính kiến thức sinh học có sẵn, gia đình cô Võ Thị Kim Khánh, giáo viên bộ môn sinh học một trường THPT ở thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) đã xây dựng thành công vườn cây ăn quả theo hướng hữu cơ.
Theo đó, vườn cây ăn quả có diện tích 0,5 ha được trồng tháng 9-2016, với hơn 400 cây cam xoàn, 100 cây quýt đường, 50 cây bưởi da xanh và hơn 70 cây sầu riêng. Sau 4 năm chăm sóc, năm 2020 vườn cây đã thu về hơn 3 tấn quýt đường, hơn 7 tấn cam xoàn. Điều đáng chú ý là toàn bộ giống cây được mua từ các tỉnh Tây Nam Bộ và được sản xuất theo hướng hữu cơ, không dùng thuốc diệt cỏ, thuốc hóa học, ưu tiên dùng thuốc sinh học khi thực sự cần thiết. Gia đình tự chế phân bón theo từng chu kỳ sinh trưởng của cây.
Cụ thể là sử dụng bộ chế phẩm sinh học Trichoderma, EM, mật rỉ đường để ủ phân gà bón cho cây khi trồng, sau thu hoạch nhằm bổ sung dinh dưỡng cho cây, cải tạo đất; ủ với bột đậu nành (mua đậu nành về xay thành bột) tưới định kỳ cho cây trước thời gian thu hoạch khoảng hai tháng để tăng độ ngọt cho cam, quýt; ủ với ruột, đầu cá nước ngọt trong thời gian 2,5 - 3 tháng để phun lên lá hoặc tưới vào gốc.
Chị Kim Khánh cho hay, trong cá chứa rất nhiều vitamin, protein, khoáng chất có nguồn gốc tự nhiên tốt cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, giúp cải tạo đất, làm tơi xốp lớp đất khô cằn, đất bạc màu, giải độc các chất nitrat, phèn, các chất nhiễm mặn có hại cho đất và cây, tăng sức đề kháng của cây với sâu, bệnh hại, thích nghi tốt với thời tiết khắc nghiệt, tăng khả năng giữ ẩm, giữ nước cho đất. Ngoài ra, phân đạm cá còn kích thích cây ra hoa, đậu trái, quả to, giúp cây khỏe và phục hồi nhanh sau mỗi mùa vụ thu hoạch. Điều đặc biệt là phân cá có thể dùng để phun lên lá hoặc tưới vào gốc cây.
Sản phẩm cam, quýt của gia đình chị Võ Thị Kim Khánh tham gia một hội chợ thương mại trên địa bàn huyện Krông Pắc. |
Để tiết kiệm chi phí đầu tư, trước khi ủ phân hữu cơ có thể trộn hỗn hợp các chế phẩm với mật rỉ đường nhằm tăng lượng vi sinh vật, rút ngắn thời gian ủ, tạo độ đồng đều về chất lượng phân bón mỗi lần ủ -
chị Kim Khánh
cho biết.
|
So với canh tác truyền thống, việc canh tác vườn cây ăn quả theo hướng hữu cơ vất vả hơn bởi bản thân người sản xuất phải có kiến thức nhất định về các loại cây trồng, điều kiện thời tiết, khí hậu, chất đất nơi canh tác để có hướng điều chỉnh chế độ chăm sóc, bón phân hợp lý nhằm tăng sức đề kháng trước các loại sâu bệnh hại. Mặt khác, các loại phân bón hữu cơ có đặc tính hiệu quả chậm nhưng dễ bị rửa trôi. Chị Kim Khánh cho biết thêm, đất trồng cam, quýt vốn là đất trồng cà phê nhiều năm nay nên rất cằn cỗi. Do đó gia đình sử dụng cỏ để tạo môi trường sinh thái cho các loại vi sinh vật, giữ nước vào mùa khô; tận dụng cỏ làm phân bón cải tạo đất bằng cách dùng máy cắt cỏ cắt sát gốc và sử dụng phân cá, phân đậu nành tưới lên lớp cỏ mới cắt giúp cỏ nhanh phân hủy thành chất dinh dưỡng nuôi cây. Chính vậy mà việc canh tác vườn cây ăn quả tuy vất vả nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người sản xuất lẫn người tiêu dùng; không gây ô nhiễm môi trường sinh thái; tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng sức đề kháng cho cây trồng; tạo ra các sản phẩm cam, quýt vỏ mỏng, đậm vị, thơm ngon được thị trường ưa chuộng…
Du khách tham quan vườn cây ăn quả của gia đình chị Võ Thị Kim Khánh. |
Hiện tại, vườn cây đang thời gian nghỉ sau thu hoạch. Theo kinh nghiệm của gia đình, sau Tết Nguyên đán (đầu mùa khô) là thời điểm sâu, bệnh thường tấn công cây ăn quả. Do đó, để phòng, điều trị sâu bệnh hiệu quả, gia đình đang tập trung vệ sinh vườn cây, quét nước vôi vào gốc cây với chiều cao 0,5 - 1 m. Gia đình sử dụng vòi nước áp lực để xịt định kỳ 2 tuần/lần, thời điểm rầy, rệp phát triển nhiều xịt tăng tần suất lên 2 - 3 lần/tuần; dùng bẫy treo xung quanh bờ rào để bẫy ruồi đực, dùng miếng dán và băng phiến treo giữa vườn để xua đuổi các loại côn trùng.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc