Multimedia Đọc Báo in

Quy định "Tiếng Hàn là môn học bắt buộc": Cần được hiểu thế nào cho đúng?

09:24, 21/03/2021

Ngày 9-2, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) môn tiếng Hàn và tiếng Đức - ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9-2-2021.

Theo quyết định này, môn tiếng Hàn, tiếng Đức sẽ được thí điểm là ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT. Trong phần “đặc điểm môn học”, Quyết định viết: “Môn tiếng Hàn - ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông, giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12”. Và chính cụm từ “môn học bắt buộc” nói trên đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Trước đó, Chương trình GDPT được ban hành năm 2006 cho phép học sinh được lựa chọn một trong 4 ngoại ngữ bắt buộc là tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung. Đến năm 2011, Bộ GD-ĐT bổ sung tiếng Nhật như ngoại ngữ 1 hoặc ngoại ngữ 2 tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học. Với quyết định chương trình tiếng Hàn và Đức hệ 10 năm thí điểm vừa được Bộ GD-ĐT ban hành, các trường sẽ được lựa chọn một trong 7 thứ tiếng là Anh, Nga, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Đức làm môn ngoại ngữ 1. Học sinh có thể chọn bất cứ môn học nào thuộc nhóm ngoại ngữ 1 chứ không bắt buộc phải học tiếng Hàn. Ngoài môn ngoại ngữ 1 ra, các trường có thể dạy môn ngoại ngữ 2 là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc, tùy thuộc nhu cầu của người học và điều kiện dạy học của từng trường.

Học sinh lớp 12 của tỉnh Đắk Lắk tìm hiểu quy định tuyển sinh đại hoch, cao đẳng và những chính sách ưu tiên liên quan đến
Học sinh lớp 12 của tỉnh Đắk Lắk tìm hiểu những quy định ưu tiên trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng. Ảnh: Nguyên Hoa 

Theo giải thích của Bộ GD-ĐT, trước khi trở thành ngoại ngữ 1 chính thức thì phải thực hiện thí điểm cả về chương trình và điều kiện triển khai, thực hiện. Việc thí điểm sẽ triển khai ở những nơi có nhu cầu và đảm bảo điều kiện thực hiện cả về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tính liên thông giữa các cấp học, có đăng ký với Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT sẽ giám sát quá trình thực hiện này để đảm bảo tính hiệu quả và quyền lợi cho người học. Sau thời gian dạy thí điểm là ngoại ngữ 1, Bộ GD-ĐT sẽ đánh giá tính hiệu quả và khả thi, qua đó xem xét việc đưa một ngôn ngữ nào đó trở thành ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT và thực hiện bình đẳng như các môn ngoại ngữ 1 khác. Bộ GD-ĐT cho biết thêm, việc đưa tiếng Đức, tiếng Hàn vào giảng dạy cũng là nội dung thỏa thuận khung giữa Việt Nam với Hàn Quốc, CHLB Đức về việc dạy tiếng Hàn, tiếng Đức ở trường phổ thông Việt Nam.

Mặc dù đã có giải thích chính thức từ Bộ GD-DT nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa thực sự yên tâm. Vì năm 2018, trong Chương GDPT mới được Bộ GD-ĐT ban hành, ở phần “đặc điểm môn học” chỉ có môn tiếng Anh được ghi là “môn bắt buộc”, còn tất cả các ngoại ngữ còn lại là tiếng Nhật, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc đều là “môn học tự chọn”. Và cũng chính từ khảo sát của Bộ GD-ĐT cho thấy có tới 99% các trường và học sinh phổ thông vẫn chọn học ngoại ngữ 1 là tiếng Anh. Số trường dạy ngoại ngữ 1 không phải tiếng Anh chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Một sự cố đã xảy ra trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 liên quan đến môn thi ngoại ngữ là việc 25 học sinh lớp 12 chuyên tiếng Hàn của Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) phải “cầu cứu” khi tiếng Hàn không phải là một trong 6 ngoại ngữ được thi trong quy chế thi tốt nghiệp THPT, dù trường này đã triển khai giảng dạy thí điểm tiếng Hàn từ năm 2017 sau khi được sự đồng ý của các cấp quản lý.

Bất cứ một quyết định nào của Bộ GD-ĐT cũng ảnh hưởng đến rất nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình có con đang ở tuổi học sinh. Vì vậy, thiết nghĩ trong các văn bản của Bộ, từ ngữ cần phải hết sức rõ ràng, đơn nghĩa, dễ hiểu, không cần phải có người giải thích mới có thể hiểu đúng để tránh gây thêm lo lắng cho phụ huynh và học sinh.

Bình An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.