Tạo môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện để đẩy lùi bạo lực học đường
Báo Đắk Lắk số ra ngày 16-3 vừa qua đã phản ánh, tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Vấn nạn bạo lực học đường đã trở thành “điểm nóng” nhức nhối của ngành giáo dục và toàn xã hội.
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT PHẠM ĐĂNG KHOA chung quanh vấn đề này.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa. |
°Thưa ông, chưa đầy một tháng (từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3-2021) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ bạo lực học đường, nguyên nhân là do đâu?
Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân; trong đó nguyên nhân chủ yếu do tác động của các tệ nạn xã hội hiện nay như tình trạng ma túy, tình trạng bạo lực ngoài xã hội, mặt trái của mạng xã hội… đã tác động đến học sinh. Hoặc có những em sống trong gia đình mà vấn đề quan tâm giáo dục của cha mẹ chưa được thường xuyên, chưa được hiệu quả, còn buông lỏng, thậm chí có những trường hợp buông lỏng trong công tác phối hợp quản lý con em mình nên dẫn đến các em bị những tác động tiêu cực ngoài xã hội tác động vào. Về phía nhà trường, ngoài trách nhiệm giáo dục các em, tôi nghĩ rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ với trách nhiệm của gia đình, của xã hội đối với việc giáo dục thế hệ trẻ đang còn trong độ tuổi ngồi trên ghế nhà trường để sau này các em trưởng thành trở thành những công dân tốt, phục vụ tốt cho xã hội, cho đất nước.
°Có ý kiến cho rằng, bạo lực học đường gia tăng cho thấy sự bất lực của nhà trường, gia đình trước vấn nạn này, trong đó có nguyên nhân là do các hình thức kỷ luật có mức độ răn đe thấp, dẫn đến nhiều học sinh xem thường kỷ luật nhà trường. Ông nghĩ sao về điều này?
Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có một số thay đổi trong Thông tư hướng dẫn về hình thức khen thưởng, kỷ luật học sinh trong trường học; đặc biệt vấn đề kỷ luật sẽ theo hướng tích cực, rèn luyện, nhằm thúc đẩy học sinh phấn đấu vươn lên; phòng ngừa và ngăn chặn học sinh vi phạm nội quy, quy định của nhà trường; phòng, chống bạo lực học đường và xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn và bình đẳng. Nhiều nhà giáo dục cho rằng điều này phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp cá biệt, với việc xử lý kỷ luật học sinh theo hướng tích cực (chỉ sử dụng hình thức giáo dục là chính, giúp các em nhận rõ được những vi phạm của mình và không tiếp tục vi phạm), thì hình thức xử lý như thế cũng chưa đủ sức răn đe. Tất nhiên đấy chỉ là một số trường hợp cá biệt, nhà trường sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với gia đình và xã hội trong vấn đề giáo dục, không để các em vi phạm nữa.
Học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ea H’leo) tham gia hoạt động ngoại khóa tìm hiểu Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Như Quỳnh |
°Ngoài những vụ việc bạo lực diễn ra ngoài nhà trường, có những vụ việc diễn ra ngay trong trường học, vậy trách nhiệm của người đứng đầu các trường học này như thế nào, thưa ông?
Để xảy ra các vụ việc bạo lực học đường ngay trong nhà trường đấy là trách nhiệm của hiệu trưởng, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, trách nhiệm của bí thư Đoàn trường và cả những giáo viên liên quan. Bởi vì vụ việc xảy ra ngay trong nhà trường nên hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm. Do vậy, chúng tôi sẽ xem xét trách nhiệm của hiệu trưởng trong công tác quản lý, giáo dục học sinh. Đối với một số vụ việc đánh nhau trong nhà trường trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua là điều rất đáng tiếc. Chúng tôi cho rằng đấy là bài học trong công tác quản lý đối với hiệu trưởng các nhà trường: Không chỉ quan tâm đến vấn đề dạy chữ cho các em mà còn phải chú ý đến vấn đề đạo đức, lối sống, kỹ năng sống để làm sao ứng phó, giải quyết một cách hợp lý, phù hợp với các quy định của ngành cũng như quy định của pháp luật, để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc như trong thời gian vừa qua.
°Thưa ông, trước tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, Sở GD-ĐT đã có những giải pháp gì để đẩy lùi vấn nạn này?
Ngay từ đầu năm học 2020 - 2021, Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn cho các địa phương trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy, bạo lực học đường, xâm hại tình dục. Đối với Sở GD-ĐT, chúng tôi đã triển khai các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về vấn đề xây dựng môi trường trường học an toàn, lành mạnh để ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trong nhà trường, trong đó có vấn đề bạo lực học đường. Sở GD-ĐT cũng đã có văn bản yêu cầu các nhà trường tiếp tục tuyên truyền, tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức cho học sinh trong vấn đề phòng, chống tệ nạn xã hội; phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục học sinh; tổ chức việc ký kết quy chế phối hợp giữa công an địa phương với các tổ chức đoàn thể để làm sao có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác giáo dục học sinh hiện nay. Bên cạnh đó, chú trọng giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống; tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao để tạo ra một môi trường thực sự là an toàn, lành mạnh, thân thiện cho các em…
°Xin cảm ơn ông!
Lan Anh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc