Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Nan giải tình trạng học sinh bỏ học

08:07, 26/04/2021

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp song hằng năm trên địa bàn huyện Krông Bông vẫn có hàng trăm học sinh bỏ học giữa chừng; trong đó, học sinh là người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 80%.

Theo thống kê, từ đầu năm học 2020 - 2021 đến nay, huyện Krông Bông đã có 114 học sinh cấp tiểu học và THCS bỏ học; trong đó có 92 em là người DTTS. Phần lớn số học sinh bỏ học ở cấp THCS với 99 em. Những trường có số lượng học sinh bỏ học nhiều là: Trường THCS Cư Pui (xã Cư Pui): 30 em; Trường THCS Dang Kang (xã Dang Kang): 12 em; Trường THCS Ea Trul (xã Ea Trul): 12 em; Trường Tiểu học Yang Reh (xã Yang Reh): 9 em; Trường THCS Hòa Phong (xã Hòa Phong): 8 em... Học sinh bỏ học chủ yếu vì lực học yếu, lười học, lớn tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn; cá biệt có em bỏ học đi lấy chồng.

Thầy cô giáo Trường Tiểu học Yang Mao đến nhà vận động học sinh bỏ học ra lớp.
Thầy cô giáo Trường Tiểu học Yang Mao đến nhà vận động học sinh bỏ học ra lớp.

Các trường đã báo cáo chính quyền địa phương, đồng thời phối hợp với các tổ chức, đoàn thể của địa phương, ban đại diện cha mẹ học sinh cùng cán bộ, giáo viên đến tận nhà học sinh bỏ học để vận động các em ra lớp.

Thậm chí, tại một số trường như: Trường THCS Cư Pui, Trường THCS Cư Drăm…, những học sinh có nguy cơ bỏ học, nhà ở cách xa trường học hàng chục cây số, đường đi lại rất khó khăn song ban giám hiệu, công đoàn, giáo viên chủ nhiệm vẫn đến từng nhà vận động các em ra lớp; một số giáo viên chủ nhiệm hằng ngày còn đến tận nhà chở các em đi học. Cùng với đó, các trường đều quan tâm cấp phát đầy đủ, kịp thời chế độ hỗ trợ học sinh; giáo viên chủ nhiệm tăng thời gian phụ đạo miễn phí cho các em học yếu và đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với điều kiện học sinh... Với những giải pháp như vậy, một số học sinh đã quay lại trường học song tỷ lệ này rất ít.

Như ở Trường THCS Cư Pui hằng năm có số học sinh bỏ học tương đối nhiều. Các em bỏ học chủ yếu là người dân tộc Mông, M’nông và Êđê, đa số hoàn cảnh rất khó khăn. Thầy Phan Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Cư Pui cho biết: “Các thầy cô giáo của trường dành nhiều thời gian, công sức thường xuyên đến tận nhà những học sinh có nguy cơ bỏ học để vận động các em đi học lại. Hiện nay đã có một số em trở lại trường, song vẫn còn đến 30 em dù đã được vận động, thuyết phục nhiều lần nhưng vẫn không đến lớp. Số học sinh này xem như đã chính thức bỏ học”.

Một băng rôn quảng cáo tuyển công nhân với mức lương hấp dẫn khiến không ít học sinh có ý định bỏ học đi làm.
Một băng rôn quảng cáo tuyển công nhân với mức lương hấp dẫn khiến không ít học sinh có ý định bỏ học đi làm.

Ngay cả những học sinh quay trở lại trường vẫn có tâm lý chán học và có nguy cơ bỏ học cao. Đáng lo ngại là gần đây, một số doanh nghiệp đã đến tận thôn, buôn để giới thiệu việc làm hoặc treo băng rôn quảng cáo tuyển lao động có độ tuổi từ 15 tuổi trở lên với mức lương hấp dẫn từ 9 - 12 triệu đồng/tháng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều học sinh lưu ban nhiều năm, lớn tuổi, hoàn cảnh khó khăn muốn nghỉ học để đi làm công nhân..

Tùng Lâm

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.