Multimedia Đọc Báo in

Đừng chọn ngành học theo bạn bè

06:48, 09/05/2021

Từ ngày 27-4, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2021. Lựa chọn ngành học gì, trường nào, xếp thứ tự các nguyện vọng thế nào cho đúng để không phải điều chỉnh nguyện vọng hay hối tiếc vì lỡ chọn sai ngành là điều mỗi thí sinh cần cân nhắc trước khi viết hồ sơ.

Là giảng viên đại học, năm 2021 tôi được lên lớp với rất nhiều sinh viên năm thứ nhất thuộc nhiều ngành khác nhau. Trong giờ học kỹ năng mềm, tôi thường có một cuộc khảo sát nho nhỏ đối với sinh viên: Bạn chọn học ngành này vì lý do gì? Những câu trả lời nhận được khiến tôi phải suy ngẫm về công tác hướng nghiệp của nhà trường, gia đình và cả thái độ nghiêm túc với chính tương lai của bản thân các bạn sinh viên.

Học sinh huyện Ea H’leo tham gia Ngày hội “Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh THPT” đợt 1, năm 2021.  Ảnh: Vân Anh
Học sinh huyện Ea H’leo tham gia Ngày hội “Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh THPT” đợt 1, năm 2021. Ảnh: Vân Anh

Ở lớp Cử nhân xét nghiệm, khi được hỏi “Bạn nào chọn học ngành này vì mình thích?”, có chưa đến 10 cánh tay đưa lên trong tổng số hơn 50 sinh viên. Một số bạn trả lời vì thi rớt ngành y khoa nên đành… chuyển nguyện vọng sang ngành xét nghiệm, đợi năm sau thi lại. Nếu thi đỗ sẽ bỏ ngành này còn nếu rớt tiếp thì coi như học xét nghiệm là “định mệnh” cuộc đời! Ở lớp Cử nhân điều dưỡng, khi được hỏi “Công việc mơ ước trong tương lai của bạn là gì?”, có những câu trả lời làm tôi ngạc nhiên: giáo viên dạy sinh học, cô giáo mầm non. Bạn sinh viên có ước muốn làm giáo viên mầm non chia sẻ: Từ đầu năm lớp 12, em xác định mình sẽ đăng ký học ngành Sư phạm mầm non nhưng đến lúc làm hồ sơ, không hiểu sao thấy các bạn chọn ngành này thì em cũng… chọn theo!

Thực tế này cho thấy dù công tác hướng nghiệp những năm gần đây đã được các trường phổ thông quan tâm hơn, vẫn xảy ra tình trạng có không ít học sinh chọn ngành học theo… tâm lý đám đông, chọn theo bạn bè hoặc xếp sai thứ tự nguyện vọng dẫn đến trượt ngành học mà mình yêu thích. Chọn sai nghề khiến nhiều sinh viên dễ rơi vào trạng thái “chông chênh” ở năm đầu tiên đại học, không chuyên tâm cho việc học dẫn đến nợ nhiều môn, không theo kịp tiến độ đào tạo; trong đó không ít em thậm chí bỏ học, chuyển sang ngành khác rồi lại không hài lòng và chuyển tiếp. Tôi từng biết có bạn 3 năm liên tục đều là sinh viên năm thứ nhất của 3 trường khác nhau chỉ vì học rồi mới thấy ngành này không hợp với mình.

Vì vậy, làm thế nào để chọn đúng ngành mình thích, mình có khả năng (học lực, sức khỏe, tài chính…) thay vì bạn mình thích, bố mẹ mình muốn là điều mà những học sinh lớp 12 cần phải xác định và giữ vững lập trường. Bên cạnh đó, việc xếp thứ tự nguyện vọng sao cho đúng cũng là một điều cần lưu tâm. Từng có phụ huynh tự hào khoe: “Con tôi đỗ mấy trường đại học một lúc”, song trên thực tế hiện nay, điều này không thể xảy ra bởi số lượng nguyện vọng của thí sinh là không giới hạn nhưng thí sinh chỉ có thể trúng tuyển vào một nguyện vọng mà thôi. Phần mềm lọc ảo sẽ chạy theo nguyên tắc nếu đã đỗ vào một nguyện vọng thì các nguyện vọng sau sẽ bị loại ra, không xét nữa. Phần mềm sẽ chạy theo thứ tự ưu tiên do thí sinh đăng ký nên giả sử nguyện vọng 1 của thí sinh là trường A (20 điểm) trong khi điểm của thí sinh (22 điểm) cũng đủ để trúng tuyển vào trường B (21 điểm) – nguyện vọng 2 – thì thí sinh chỉ trúng tuyển duy nhất vào trường A mà thôi. Do đó, khi đăng ký ngành học, thí sinh cần xếp thứ tự nguyện vọng 1 là trường có điểm chuẩn có thể cao hơn trường nguyện vọng 2. Nếu xếp theo thứ tự ngược lại thì thí sinh có điểm cao có thể không trúng tuyển được vào ngành học yêu thích của mình. Điểm trúng tuyển của các ngành, thí sinh có thể tham khảo từ điểm của hai năm 2019, 2020 và mặt bằng chung điểm thi tốt nghiệp của năm 2021.

Bình An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.