Multimedia Đọc Báo in

Nghị lực của sinh viên dân tộc thiểu số

08:17, 09/06/2021

Dù còn gặp khó khăn trong cuộc sống, nhưng nhiều sinh viên người dân tộc thiểu số ở Trường Đại học Tây Nguyên đã nỗ lực vươn lên, đạt được những thành tích cao trong học tập và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Hiểu tầm quan trọng của nghề mình đã chọn liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con người, H'Phi La Niê (sinh viên năm thứ 6, Khoa Y - Dược) luôn nỗ lực, vượt khó vươn lên, đạt thành tích xuất sắc trong học tập.

Xác định theo ngành y là phải phấn đấu học tập suốt đời, nên trong các môn học, H’Phi La luôn tận dụng tối đa thời gian thực hành ở bệnh viện, xem bệnh nhân chính là người thầy tốt nhất, ân cần hỏi han, thăm khám và giúp đỡ.

Bên cạnh đó, em cũng thường xuyên tham gia hoạt động tình nguyện khám bệnh cho người dân ở vùng khó khăn, học hỏi thêm nhiều điều từ thế hệ đi trước, đồng thời rèn luyện cho bản thân cách ứng xử và tích lũy kiến thức xã hội.

Sinh viên H'Phi La Niê được kết nạp Đảng tại Chi bộ Khoa Y - Dược. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Sinh viên H'Phi La Niê được kết nạp Đảng tại Chi bộ Khoa Y - Dược. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Quá trình phấn đấu, H’Phi La luôn là sinh viên nằm trong top đầu của nhà trường, được nhận nhiều Bằng khen của Tỉnh Đoàn, Hội Sinh viên tỉnh. Năm 2020, H’Phi La Niê vinh dự được kết nạp Đảng và là đảng viên người Êđê đầu tiên của Chi bộ Khoa Y - Dược. H’Phi La chia sẻ: “Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của nhà trường, thầy cô giáo mà em có được vinh dự này. Đây là động lực to lớn để em tiếp tục vươn lên trong học tập và rèn luyện, nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đảng viên”.

“Với sự cố gắng nỗ lực trong học tập và rèn luyện, nhiều sinh viên dân tộc thiểu số không chỉ là cá nhân xuất sắc trong nhà trường mà còn tìm kiếm được việc làm ổn định, thu nhập cao, có nhiều đóng góp cho hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện”. 
Thầy Vũ Nhật Phương, Bí thư Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên

Sinh ra trong gia đình thuần nông tại buôn Êa Khít, xã Ea Bhốk, huyện Cư kuin, từ nhỏ H’Lic Êban đã rèn luyện cho mình ý thức tự giác học tập, nỗ lực trong cuộc sống.

Trong suốt quá trình học phổ thông, em luôn cố gắng phấn đấu để không phụ lòng bố mẹ và có những chuẩn bị tốt cho tương lai. Hiện tại, H’Lic ÊBan đang là sinh viên năm 4 của Khoa Lý luận chính trị.

Trong suốt những năm theo học tại trường, em luôn đạt thành tích học tập giỏi, rèn luyện xuất sắc. Năm 2020, H’Lic được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về bí quyết thành công trong học tập của mình, H’Lic cho hay: “Để học tập tốt, không chỉ cần siêng năng, chăm chú nghe giảng để tiếp thu được kiến thức một cách đầy đủ mà ngoài giờ học trên lớp, em lập riêng một thời gian biểu hợp lý để tận dụng hết quỹ thời gian cho việc học tập, đồng thời tích cực trao đổi kiến thức với bạn bè để dần hoàn thiện bản thân”.

Trường Đại học Tây Nguyên hiện có hơn 8.000 sinh viên, trong đó sinh viên là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 21%. Hầu hết các sinh viên dân tộc thiểu số ở trường đều xác định rõ mục tiêu phấn đấu, thái độ học tập đúng đắn, nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Trong đó, nhiều sinh viên tiêu biểu đã đạt được thành tích học tập xuất sắc, tích cực tham gia công tác đoàn, hội, các hoạt động xã hội, hoạt động sinh viên tình nguyện, công tác từ thiện… Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, toàn trường đã có 29 sinh viên dân tộc thiểu số được bồi dưỡng, kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

H'Lic Êban (bên phải) cùng các bạn học tập trên lớp. (Ảnh nhân vật cung cấp)
H'Lic Êban (bên phải) cùng các bạn học tập trên lớp. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Để động viên khuyến khích học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trong học tập, rèn luyện, thời gian qua cùng với việc thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Trường Đại học Tây Nguyên còn tạo điều kiện để các em tham gia các hoạt động phong trào do trường, đoàn, hội tổ chức; triển khai nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, từ đó giúp các em sau khi ra trường có thể mạnh dạn, tự tin để lập thân, lập nghiệp, trở thành công dân có ích đóng góp cho quê hương, đất nước.

Thầy Vũ Nhật Phương, Bí thư Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên cho biết: “Để hỗ trợ sinh viên, đặc biệt là sinh viên dân tộc thiểu số tại trường yên tâm học tập và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, thời gian qua, Đoàn trường đã triển khai rất nhiều phong trào, hoạt động cụ thể, thiết thực, ý nghĩa như: “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “3 trách nhiệm”, “Sáng tạo trẻ”, “Tiếp sức mùa thi” và duy trì hoạt động của các loại hình câu lạc bộ...

Thông qua đó, tạo môi trường lành mạnh, không khí vui tươi, sôi nổi, thu hút, tập hợp đông đảo sinh viên tham gia vào các hoạt động, từ đó phát hiện những đoàn viên ưu tú để bồi dưỡng, rèn luyện, giới thiệu kết nạp Đảng”.

Anh Phương


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.