Multimedia Đọc Báo in

Đội tuyển bóng đá nữ thiếu quân, lo tướng cho mùa Giải Asian Cup 2010

15:00, 08/04/2010

Từ thiếu quân...

Nhiều cầu thủ kỳ cựu tuyên bố rút lui đã để lại những khoảng trống khó lấp đầy cho tuyển Việt Nam. Không chỉ thế, việc HLV Trần Vân Phát trở về Trung Quốc cũng khiến nỗi lo nhân sự tăng thêm, bởi HLV Vũ Bá Đông vẫn chưa thực sự tạo được lòng tin với giới chuyên môn.

Trung vệ Bùi Thị Tuyết, tiền vệ trụ Mai Lan, tiền vệ Văn Thị Thanh tuyên bố giã từ đội tuyển Việt Nam. Trong khi đội trưởng Đào Thị Miện và chủ công Kim Chi cũng đang cân nhắc ý định này. Nếu Bùi Thị Tuyết, Mai Lan, Văn Thị Thanh, thêm Đào Thị Miện và Kim Chi đồng loạt rút lui, chắc chắn bộ khung của đội tuyển Việt Nam suốt vài năm qua sẽ bị phá vỡ.  

Tinh thần dũng cảm và sự bền bỉ của Kim Chi dù đã ở tuổi 30 vẫn góp công lớn cho thành tích của đội tuyển

Dù không còn xông xáo, nhưng Mai Lan, Đào Thị Miện và Kim Chi vẫn là xương sống của đội tuyển Việt Nam. Ở SEA Games 25, cả ba cầu thủ này đều đá chính và chơi ở những vị trí trọng yếu nhất. Đào Thị Miện đá thòng và là thủ lĩnh của hàng thủ, Mai Lan chơi tiền vệ thủ, trong khi Kim Chi lĩnh xướng tất cả các ý đồ tấn công. Vậy tuyển Việt Nam sẽ lấp khoảng trống này bằng cách nào?

Thực tế thì 2 năm trở lại đây, HLV Trần Vân Phát đã cho gọi khá nhiều cầu thủ trẻ như một sự chuẩn bị cho tương lai. Ở vị trí của Đào Thị Miện, ông Phát từng nhắm đến Hải Hòa (Thái Nguyên), trong khi thay thế cho Mai Lan là Lê Thị Thương. Lê Thị Thương đã chơi khá tốt, nhưng Hải Hòa còn khá non và cần thử thách nhiều hơn. Vị trí của Đào Thị Miện và Mai Lan đã có phương án dự phòng, còn với Kim Chi, ông Phát chưa tìm ra sự thay thế khả dĩ.

Ông Phát từng dùng Minh Nguyệt cho vị trí tiền vệ công, nhưng Minh Nguyệt lại không có kỹ thuật tốt, trong khi Nguyễn Thị Muôn hay Huyền Linh, Kim Tiến đều chưa một lần làm tròn vai trò của một tiền vệ vừa biết tổ chức tấn công, vừa biết ghi bàn như Kim Chi.

Rõ ràng, những khoảng trống mà Mai Lan, Bùi Thị Tuyết hoặc có thể là Kim Chi hay Đào Thị Miện để lại không dễ gì kiếm được sự thay thế hoàn hảo.

... Đến lo tướng

HLV Vũ Bá Đông đã được VFF tin dùng cho vị trí “thuyền trưởng” mà ông Trần Vân Phát để lại ngay ở Asian Cup 2010. Từ thời HLV Mai Đức Chung cho tới Trần Vân Phát, ông Đông luôn được chọn là trợ lý số 1. Điểm mạnh của ông Đông là thị phạm tốt, thân thiết và hiểu khá rõ điểm mạnh, yếu của từng cầu thủ. Thế nhưng, ông Đông chưa thực sự tạo được lòng tin, bởi chưa một lần chính thức dẫn dắt đội tuyển.

HLV Trần Vân Phát đã chia tay đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam

Một trong những lý do khiến HLV Trần Vân Phát thành công trong 2 năm dẫn dắt tuyển Việt Nam là nhờ biết cách thúc đẩy các học trò tập luyện vượt ngưỡng, chơi tốt hơn khả năng ở những thời điểm quyết định. Trong khi các HLV nội trước ông Phát như Trần Ngọc Thái Tuấn hay Ngô Lê Bằng đều không làm được điều này. Vậy nhưng, so với ông Ngô Lê Bằng và Trần Ngọc Thái Tuấn, ông Vũ Bá Đông vẫn không có nhiều ưu điểm hơn.

HLV Vũ Bá Đông đã được VFF tin dùng cho vị trí “thuyền trưởng” mà ông Trần Vân Phát để lại ngay ở Asian Cup 2010.

Vì thế, người ta lo HLV họ Vũ liệu có làm tốt hơn các đồng nghiệp, nhất là khi tuyển Việt Nam có thể đối diện với cuộc khủng hoảng nhân sự nếu các cựu binh kiên quyết rút lui. Xem ra, ông Đông đang đứng trước thử thách lớn nhất của đời HLV.

Ngày 10-4, tuyển Việt Nam sẽ tập trung. Ông Đông có gần 10 ngày để tìm ra đội hình tốt nhất, có thể chơi được ở Asian Cup 2010 với Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia - nhiệm vụ chẳng dễ dàng chút nào. 

Theo SGGP


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.