Multimedia Đọc Báo in

Võ sư Lê Tuấn – Người khai sinh ra võ thuật hiện đại Dak Lak

14:23, 05/05/2014
Quán cà phê Điểm hẹn Tây Nguyên ở cuối đường Phạm Hồng Thái, TP. Buôn Ma Thuột không có quá nhiều khách, thế nhưng những thực khách đến đây ngoài thưởng thức hương vị cà phê còn có thể đàm đạo với một vị võ sư già danh tiếng, trưởng môn phái Karate Nhân Tâm tại Việt Nam, Lê Tuấn.

Quê gốc tại Tây Sơn (Bình Định), lại được chân truyền võ học bởi người cha, một vị võ sư nức tiếng năm xưa, nên những tinh hoa võ học cổ truyền dường như đã thấm vào huyết quản của chàng trai đất võ Bình Định, Lê Tuấn. Sinh ra trong cái nôi võ cổ truyền nhưng Lê Tuấn lại bén duyên với môn Karate ngay từ thời còn là du học sinh tại Nhật Bản với chuyên ngành địa chất. Thời gian theo học ở Nhật, ban ngày ông đi học rồi ban đêm lại mày mò tìm hiểu và luyện tập môn Karate, một trong những môn võ đã gây dựng danh tiếng cho nền võ học Nhật Bản, chỉ với một mục đích là rèn luyện sức khỏe và tự vệ. Và trong 5 năm học tập tại Nhật, những tinh hoa của Không thủ đạo đã được ông tiếp thu và đạt được cảnh giới khá thượng thừa so với những người cùng lứa.

Ông cũng được xem là người đầu tiên mở lại các lò võ tại TP. Buôn Ma Thuột này. Sau năm 1975, sau khi về nước và lên Dak Lak lập nghiệp, võ sư Lê Tuấn đã bắt đầu thành lập các võ đường tại TP. Buôn Ma Thuột. Thời gian đầu, chỉ có khoảng gần 100 võ sinh tham gia, tính đến nay đã có hơn 12.000 võ sinh tại nhiều võ đường khác nhau. Năm 1982, ông được bầu là Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ võ thuật Dak Lak. Đến năm 1984, cũng chính từ đây Võ đường Karate Nhân Tâm Zinshin được chính thức thành lập và ông lại trở thành vị đường chủ của một chi nhánh Karate – Do tại Việt Nam, sau những vị võ sư danh tiếng là Suzuki và Hồ Cẩm Ngạc ở TP. Hồ Chí Minh. Năm 1990, ông cũng là người thành lập Câu lạc bộ võ sư tỉnh. Đến nay, học trò ông có nhiều người cũng theo nghiệp võ của ông; một số người đã đạt mức tứ đẳng, ngũ đẳng quốc tế và hiện đang công tác trong nhiều lĩnh vực của tỉnh; không ít người hiện đang công tác trong các lực lượng vũ trang, phát huy vốn võ nghệ mà ông đã truyền dạy trong nhiệm vụ của mình. 

Võ sư Lê Tuấn (giữa) đang hướng dẫn những động tác quyền cho các học trò.
Võ sư Lê Tuấn (giữa) đang hướng dẫn những động tác quyền cho các học trò.

Với thập đẳng huyền đai, đến nay tuổi cũng đã gần 70, thế nhưng tại võ đường của mình, hằng đêm ông vẫn tiếp tục đào tạo các thế hệ huấn luyện viên võ thuật tài năng, tạo nhân tố để phát triển nền võ thuật của tỉnh trong tương lai và đã thu được không ít thành công khi nhiều học trò đã về  mở võ đường, phát huy tinh hoa của Karate Nhân Tâm trên toàn tỉnh. Ông tâm sự, trong võ học thì dạy đúng người là điều quan trọng, người thầy dạy võ phải dạy cho “những người ăn cướp trở thành người lương thiện và những người lương thiện biết bảo vệ cho những người khác”, đó cũng chính là cái tâm, tôn chỉ của Nhân Tâm Karate nói riêng và của võ đạo nói chung: Học võ trước tiên là để rèn luyện cơ thể sau đó là giúp người và giữ nước. Ngoài ra chỉ khi có một thân thể cường tráng thì tinh thân mới minh mẫn được và cần nhất là phải giữ được cái đạo của người học võ. Võ sư Lê Tuấn cho biết: “Trong võ thuật có câu nói “Có võ thuật mà không có võ đạo” thì đó là một thực tài vô dụng, chính điều đó khi luyện võ thì tôi luôn ý thức là cần luyện tâm cho các võ sinh của mình”.

Hiện võ sư Lê Tuấn được xem là người có đẳng cấp cao nhất về Karate tại Dak Lak nói riêng, cả nước nói chung và là một trong những người có uy tín về Karate tại Việt Nam và cả thế giới. Ông đã đạt đẳng cấp 6 Dan Karate Goju vào năm 2005 và 6 Dan Karate Shito Ryo vào năm 2011 của Liên đoàn Karate Liên Mỹ - một trong những liên đoàn Karate quốc tế lớn nhất thế giới. Đây được xem là đẳng cấp về quốc tế của Karate đầu tiên tại Việt Nam và hiện ông đã có thể ký cấp bằng quốc tế về Dan cho các võ sinh tại các nước trong khu vực. Với uy tín của cá nhân võ sư Lê Tuấn và võ đường Karate ở Dak Lak, cuối tháng 3 vừa qua, Trung tâm UNESCO Văn hóa và Thông tin Truyền thông đã trao quyết định thành lập văn phòng và CLB Karate Nhân Tâm tại Quán cà phê Điểm hẹn Tây Nguyên đặt tại TP. Buôn Ma Thuột cho võ sư Lê Tuấn. Ông Phạm Đình Vương Giám đốc Trung tâm cho biết: “Tại Buôn Ma Thuột cũng có rất nhiều võ sư, võ sinh yêu thích võ thuật và tổ chức được rất nhiều hoạt động trong thời gian qua. Nhận thấy đây là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả, Ban giám đốc Trung tâm truyền thông văn hóa UNESCO quyết định thành lập văn phòng nhằm tạo mục đích cho phong trào võ thuật được phát triển tại đây”.

 Hoàng Gia

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.