Multimedia Đọc Báo in

Ấn tượng của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28

09:57, 20/06/2015
Sau hơn 10 ngày tranh tài sôi nổi và hấp dẫn, SEA Games 28 chính thức khép lại. Kết thúc SEA Games 28, Đoàn thể thao Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng khi cán đích ở vị trí thứ 3 chung cuộc với 73 HCV, 53 HCB và 60 HCĐ.

Không chỉ vượt xa chỉ tiêu đề ra, SEA Games 28 tại Singapore có thể nói là SEA Games thành công nhất với đoàn thể thao Việt Nam ở các môn thể thao cơ bản của Olympic. Trong số các môn thể thao cơ bản, Điền kinh đóng góp 11 HCV, Bơi lội 10 HCV và Thể dục dụng cụ 9 HCV. Chỉ riêng 3 môn thể thao này đã mang về gần một nửa số huy chương cho thể thao Việt Nam. Bên cạnh đó những môn thể thao cũng nằm trong hệ thống Olympic như Đấu kiếm, Rowing, Taekwondo, Bắn súng... cũng thi đấu thành công và nếu tính riêng các môn thể thao nằm trong hệ thống Olympic thì các môn này đã đóng góp hơn 85% tổng số huy chương của Việt Nam. Đặc biệt, các nội dung Đấu kiếm và Rowing đã trở thành niềm tự hào bất ngờ của đoàn Việt Nam khi các vận động viên đã giành 8 HCV ở mỗi bộ môn, thể hiện sự tiến bộ vượt bậc so với các kỳ SEA Games trước. Trong khi đó, Điền kinh được coi là "mỏ vàng" của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games lần này cũng đã mang về 11 HCV, 15 HCB và 8 HCĐ. Các VĐV điền kinh Việt Nam cũng góp phần trong việc phá những kỷ lục SEA Games mới.

Điền kinh Việt Nam phá kỷ lục 4x400m tiếp sức nữ tồn tại từ năm 1991.
Điền kinh Việt Nam phá kỷ lục 4x400m tiếp sức nữ tồn tại từ năm 1991.

Xét về phương diện cá nhân, tại SEA Games 28, ấn tượng nhất của đoàn thể thao Việt Nam chính là VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên ở bộ môn Bơi lội. Kình ngư 19 tuổi này đã đóng góp tới 8 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ, phá 8 kỷ lục SEA Games. Cô chính là VĐV giành nhiều huy chương nhất cho đoàn Việt Nam và cũng là VĐV giành nhiều HCV thứ hai tại SEA Games 28, chỉ kém Joseph Schooling của Singapore (9 HCV). Ngoài Ánh Viên, thì ở môn Điền kinh, Nguyễn Thị Huyền đã để lại dấu ấn rất lớn. Nguyễn Thị Huyền thi đấu nổi bật khi mang về 2 HCV cá nhân và 1 HCV trong nội dung tiếp sức 4x400m nữ. Cô cũng phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 400m rào nữ tồn tại suốt 20 năm qua với thời gian 56 giây 15, đồng thời cũng vượt chuẩn Olympic (56 giây 20) để trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên giành vé tham dự Olympic Rio 2016. Trong khi đó, ở môn Đua xe đạp, đã 14 năm kể từ sau chức vô địch của cựu tuyển thủ Vũ Hồng Thủy ở SEA Games 2001, xe đạp nữ Việt Nam mới đoạt lại được chiếc HCV ở nội dung xuất phát đồng hàng. Cần nói thêm, Nguyễn Thị Thật suýt nữa chỉ đoạt HCB nếu như Ban tổ chức không quyết định phế truất chức vô địch của Maneephan Jutatip (Thái Lan) vì hành vi cố ý ép xe của Thật trong cú tung nước rút tại đích đến. Ở môn Boxing, dù Trương Đình Hoàng chỉ mang về 1 HCV cho Boxing Việt Nam ở hạng cân 75 kg, nhưng để có được tấm huy chương cao quý ấy, anh đã vượt qua một loạt các võ sỹ “nặng ký”. Đáng nói nhất chính là việc hạ gục tay đấm Khakhokkhruea Aphisit – nhà vô địch Quyền anh thế giới năm 2013, tại trận chung kết. Còn với Lâm Quang Nhật ở môn Bơi lội, không sở hữu số lượng huy chương đồ sộ như đàn chị Ánh Viên nhưng Lâm Quang Nhật vẫn khiến người ta phải nhớ đến mình khi anh giành HCV nội dung bơi tự do 1.500m. Quang Nhật phá sâu kỷ lục SEA Games và trở thành người đầu tiên bảo vệ thành công HCV ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp tại nội dung này. Ngoài ra còn phải kể đến Phan Thị Hà Thanh và Đinh Phương Thành cũng là những VĐV xuất sắc với thành tích ấn tượng ở bộ môn Thể dục dụng cụ. Đinh Phương Thành giành tổng cộng 4 HCV ở các nội dung xà đơn, toàn năng, xà kép và đồng đội. Còn Phan Thị Hà Thanh giành 3 HCV ở các nội dung toàn năng nữ, cầu thăng bằng, nhảy chống và 1 HCĐ biểu diễn. Tổng cộng, đội tuyển thể dục dụng cụ đã mang về 9 HCV cho đoàn Việt Nam.

Không chỉ để lại dấu ấn mạnh mẽ mà có thể nói, những tiến bộ của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28, đặc biệt là ở những môn thể thao cơ bản của Olympic chắc chắn sẽ mở ra tương lai tốt đẹp cho thể thao Việt Nam trong thời gian đến.

Giang Nam

(Tổng hợp từ báo chí trong nước)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.