Multimedia Đọc Báo in

Tranh tài trên làn đua xanh

14:57, 15/10/2017

Các em học sinh yêu thích bộ môn bơi lội trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vừa có dịp hội tụ, cùng nhau tranh tài ở làn đua xanh tại Giải bơi học sinh tiểu học, THCS do Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh phối hợp với Phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Buôn Ma Thuột tổ chức.

Giải có sự góp mặt của 239 vận động viên (trong đó có 169 vận động viên nữ) đến từ 36 trường tiểu học và 18 trường THCS trên địa bàn thành phố. Các vận động viên chia thành 4 khối lớp tranh 19 bộ huy chương ở các nội dung: bơi ếch, bơi ngửa, bơi tự do thuộc cự ly 50 mét (đối với khối tiểu học) và 100 mét (đối với khối THCS). Tuy đây là lần đầu giải được tổ chức, song số lượng vận động viên tham gia tranh tài khá đông, một số trường có lực lượng vận động viên hùng hậu, như: Tiểu học Ngô Quyền (51 em), Tiểu học Võ Thị Sáu (39 em), THCS Phan Chu Trinh (29 em), THCS Đoàn Thị Điểm (26 em). Điều đó chứng tỏ sức hấp dẫn của môn thể thao này cũng như sự quan tâm, khuyến khích học sinh học bơi của các nhà trường. 

Vận động viên nữ khối 6,7 xuất phát ở nội dung 100 mét bơi ếch.
Vận động viên nữ khối 6,7 xuất phát ở nội dung 100 mét bơi ếch.

Hiện nay nhiều trường học trên địa bàn thành phố chưa tổ chức dạy bơi do thiếu cơ sở vật chất, các em phải đăng ký học bơi ở các hồ tư nhân. Vì vậy để tuyển chọn vận động viên, giáo viên thể dục các trường đã tổ chức rà soát, chọn những em biết bơi để bồi dưỡng, tập luyện thêm và đăng ký ở những nội dung thi thuộc sở trường, giúp các em phát huy hết khả năng trong quá trình tranh tài.

 
“Tuy là giải phong trào song giải có chất lượng chuyên môn khá cao, một số vận động viên có năng khiếu, tố chất, thể hình lý tưởng, rất triển vọng. Trong đó có vận động viên Nguyễn Vinh Bảo Duy (Trường Tiểu học, THCS, THPT Victory, đoạt 2 Huy chương Vàng ở nội dung bơi ếch và bơi tự do, khối 2, 3), Đinh Nguyễn Duy Đông (THCS Phan Chu Trinh, 2 Huy chương Vàng ở nội dung bơi ếch và bơi tự do), nếu được quan tâm đầu tư, các em sẽ trở thành những vận động viên rất tiềm năng”.
Ông Diệp Thế Mỹtrọng tài giải đánh giá

Thực tế diễn biến trên đường đua đã chứng minh điều đó khi các “kình ngư” tranh đua quyết liệt. Ấn tượng nhất phải kể đến các lượt đua ở khối học sinh THCS, bởi các em có một thể hình lý tưởng và nắm vững kỹ thuật, có khả năng bứt phá, tăng tốc, về đích khá tốt. Đơn cử như vận động viên Phạm Thị Ngọc Duyên (Trường THCS Nguyễn Văn Cừ), tuy chỉ mới học lớp 7, song cao đến 1,67 mét, có sải tay rộng, kỹ thuật xuất phát rất tốt, cán đích với thời gian hơn 1 phút… Ở khối tiểu học, các vận động viên nhí cũng thi đấu rất quyết tâm, nỗ lực, không có trường hợp bỏ cuộc giữa đường đua.

Chị Lê Thị Nữ, có con tham gia ở nội dung khối THCS cho biết, ban đầu chị chỉ cho con học bơi với mục đích để rèn luyện sức khỏe, phòng ngừa đuối nước, song phát hiện cháu có năng khiếu nên đăng ký cho học tại Nhà Văn hóa Thanh thiếu tỉnh để được đào tạo bài bản hơn, kết quả những nỗ lực tập luyện của cháu cũng đã được ghi nhận khi con chị đoạt Huy chương bạc ở khối 6,7.

Giải khép lại sau 128 lượt bơi, với việc xác định những chủ nhân của các giải nhất, nhì, ba. Những em đoạt giải được cấp Giấy chứng nhận học sinh giỏi bơi lội cấp thành phố và tuyển chọn vào đội tuyển bơi lội của Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố vào năm 2018. Được biết sau thành công của giải, Phòng Giáo dục - Đào tạo và Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức hằng năm để các em có một sân chơi lành mạnh, bổ ích, vừa thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao trong các trường học vừa góp phần phòng chống đuối nước ở lứa tuổi thanh, thiếu nhi.

Đăng Triều

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.