Tự hào đội tuyển cử tạ Đắk Lắk
Đội tuyển cử tạ Đắk Lắk đã khép lại một năm thành công khi gặt hái nhiều huy chương ở các giải đấu trong nước.
Năm 2017, đội tuyển cử tạ tham gia tranh tài ở 3 giải đấu quy mô quốc gia, gồm: Giải vô địch cử tạ trẻ quốc gia, Giải vô địch TP. Hồ Chí Minh mở rộng và Giải vô địch quốc gia. Kết quả, ở Giải vô địch cử tạ trẻ quốc gia, đội đoạt được 3 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc. Ở Giải vô địch TP. Hồ Chí Minh mở rộng, các lực sĩ cũng đã đem về 4 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng. Ở giải đấu quan trọng nhất, Giải vô địch quốc gia, các vận động viên tiếp tục bổ sung thêm vào bộ sưu tập 1 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 3 huy chương Đồng.
Trong số 8 huy chương Vàng đội tuyển đã đoạt được, 2 gương mặt chủ lực của cử tạ là Võ Thị Quỳnh Như và Marona Sắc Ly mỗi vận động viên đoạt được 4 huy chương Vàng. Riêng Marona Sắc Ly lần thứ 2 bảo vệ chức vô địch ở hạng cân 69 kg, nội dung cử giật và cử đẩy với thành tích lần lượt là 96 kg và 110 kg. Với tổng số 23 huy chương các loại sở hữu trong năm, đội tuyển Đắk Lắk khẳng định vị thế của bộ môn này tại đấu trường trong nước, đồng thời thiết lập kỷ lục là đội tuyển đoạt nhiều huy chương nhất từ trước đến nay của thể thao thành tích cao Đắk Lắk, khi đóng góp đến gần 1/4 tổng số huy chương mà thể thao đỉnh cao tỉnh nhà đạt được trong năm 2017.
Lực sĩ Võ Thị Quỳnh Như đã đoạt 4 huy chương Vàng trong năm 2017. |
Để gặt hái được những kết quả trên, thầy trò Huấn luyện viên Nay Tiểu Nam đã trải qua một quá trình khổ luyện, với sự kiên trì, quyết tâm cao nhất, bởi thông thường, để xác định thế mạnh, khả năng tranh chấp huy chương của 1 trong 16 hạng cân của môn này, cần có thời gian từ 5-7 năm đầu tư, chuẩn bị, thậm chí là lâu hơn. Đơn cử như vận động viên Marona Sắc Ly, năm nay mới 22 tuổi song đã có tuổi nghề tròn 10 năm và được huấn luyện chuyên ở nội dung 69 kg. Hay như lực sĩ Võ Thị Quỳnh Như (SN 1997), hạng cân 58 kg thì được phát hiện năng khiếu từ năm 2012 và trải qua 4 năm ròng luyện tập, đến năm 2017 mới có được thành tích đó.
Chứng kiến một buổi luyện tập của các vận động viên đội tuyển cử tạ mới có thể phần nào cảm nhận được quá trình khổ luyện, nhọc nhằn, không kém phần nguy hiểm mà các lực sĩ phải trải qua. Đều đặn buổi sáng từ 9 giờ đến 11 giờ, chiều từ 3 giờ đến 5 giờ, các vận động viên lại quần thảo cùng những quả tạ khô khan, với giáo án tập rất nặng. Theo Huấn luyện viên Nay Tiểu Nam, gọi là tập, song thật ra các vận động viên đang tập trung cao độ, xác định mình đang thi đấu chính thức, bởi thế tất cả các động tác kỹ thuật luôn được thực hiện một cách chính xác nhất, lực sĩ phải dốc toàn lực để nâng mức tạ cao nhất có thể đạt đến, nếu phân tâm, thiếu tập trung rất dễ xảy ra chấn thương. Môn thể thao đặc thù này đòi hỏi vận động viên cần có một ý chí kiên cường, nỗ lực cao nhất và phải luyện tập liên tục, không được gián đoạn, chính vì vậy mặc dù ngày Tết Nguyên đán đã cận kề, trong khi một số đội tuyển đã về địa phương nghỉ ngơi, song các vận động viên cử tạ vẫn miệt mài, nỗ lực luyện tập tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh.
Lực sĩ Y Trang Buôn Krông, gương mặt được kỳ vọng đạt nhiều thành tích năm 2018. |
Được biết năm 2018, đội tuyển cử tạ sẽ tham gia 3 giải đấu quan trọng: Giải thanh thiếu niên toàn quốc, Giải trẻ quốc gia và Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc. Mục tiêu mà thầy trò Huấn luyện viên Nay Tiểu Nam là bảo vệ thành công “ngôi vương” ở hạng cân 58 kg và 69 kg nữ. Ngoài ra ở nội dung nam, vận động viên trẻ, đầy triển vọng là Y Trang Buôn Krông cũng kỳ vọng có được thành tích cao ở nội dung 77 kg khi lực sĩ này đang bước vào thời kỳ đỉnh cao, “điểm rơi” của phong độ.
Đội tuyển cử tạ được thành lập năm 2006, hiện có 6 vận động viên, trong đó có 3 vận động viên nam, 3 vận động viên nữ có tuổi đời rất trẻ (lớn nhất sinh năm 1996 và nhỏ nhất sinh năm 2002). Bộ môn nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của Olympic này được xác định là môn thể thao mũi nhọn, ưu tiên đầu tư, phát triển nằm trong nhóm 1 của kế hoạch phát triển thể thao Đắk Lắk giai đoạn 2017-2020. |
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc