Multimedia Đọc Báo in

Ngày hội thể thao của các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk

11:49, 21/10/2018

Là một trong những giải đấu quy mô, được tổ chức thường niên, Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk lần thứ XV năm 2018 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh vừa tổ chức đã trở thành sân chơi lành mạnh, bổ ích, nơi gặp gỡ giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.

Tham dự hội thi năm nay có trên 550 vận động viên đến từ 16 đoàn của 15 huyện, thị xã, thành phố và Trường Đại học Tây Nguyên. Các vận động viên tranh tài ở các môn: bóng chuyền (nam, nữ); bóng đá nam 5 người; chạy việt dã (nam 4 km, nữ 2 km); đẩy gậy (10 hạng cân nam, 8 hạng cân nữ); bắn nỏ - ná (cá nhân nam, cá nhân nữ); kéo co (nam, nữ) và cà kheo (cá nhân nam, cá nhân nữ). Hội thao năm nay tuy giảm về số đoàn, số vận động viên (giảm 1 đoàn và 70 vận động viên) so với năm 2017, song theo đánh giá của Ban tổ chức, chất lượng chuyên môn của hội thi được nâng lên, bởi các đoàn “siết” chặt công tác tuyển chọn vận động viên, không chạy theo số lượng mà chú trọng tập trung cho những môn thế mạnh, mũi nhọn của địa phương.

Một pha tấn công của cầu thủ đội bóng Ea Súp (bìa phải), đội đoạt huy chương Vàng môn bóng chuyền nam  trong trận gặp đội Krông Năng.
Một pha tấn công của cầu thủ đội bóng Ea Súp (bìa phải), đội đoạt huy chương Vàng môn bóng chuyền nam trong trận gặp đội Krông Năng.

Đến với ngày hội thể thao lớn nhất dành cho các dân tộc thiểu số, TP. Buôn Ma Thuột, địa phương có đến 44 dân tộc anh em cùng chung sống và là một trong những đơn vị có phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh khi liên tục xếp vị trí Nhất toàn đoàn ở các hội thi trước không giấu tham vọng tiếp tục bảo vệ "ngôi vương" đã cử một lực lượng hùng hậu nhất đến tranh tài: 128 vận động viên và tham gia ở cả 7 môn thi đấu. Các môn mà thành phố tự tin có khả năng tranh chấp huy chương cao là bóng đá, kéo co, việt dã, cà kheo…

Đến từ huyện biên giới, Ea Súp cũng có lực lượng vận động viên tham gia đông, chỉ xếp thứ 3 sau TP. Buôn Ma Thuột và huyện M’Đrắk. Trong đội hình tranh tài của Ea Súp, những gương mặt được kỳ vọng đem huy chương về cho địa phương là Vi Văn Nguyên (bắn nỏ) Y’Rai Mlô (đẩy gậy, hạng cân 72 kg), Y Dân Kpă (đẩy gậy hạng cân 75 kg). Bên cạnh đó, ở nội dung kéo co nam và bóng chuyền nam thì Ea Súp cũng là đối thủ đáng gờm của các đội khác.

Với sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng (60 vận động viên) tranh tài và lựa chọn môn vốn là thế mạnh, mũi nhọn của mình là kéo co, nội dung đồng đội nữ 560 kg và đẩy gậy, thị xã Buôn Hồ cũng thể hiện sự quyết tâm, phấn đấu lần đầu tiên góp mặt trong tốp 3 đơn vị dẫn đầu khi hội thi kết thúc. Với các địa phương khác còn nhiều khó khăn như Lắk, Buôn Đôn, Krông Bông… cũng cử vận động viên tham gia từ 3 môn trở lên.

Kết thúc hội thi, TP. Buôn Ma Thuột đã bảo vệ thành công vị trí Nhất toàn đoàn với 264 điểm, huyện Ea Súp và thị xã Buôn Hồ lần lượt xếp thứ Nhì và Ba với 248 điểm và 167 điểm.

Trong suốt thời gian diễn ra giải (từ ngày 12 đến 14 -10 tại TP. Buôn Ma Thuột), tại các điểm thi đấu, không khí tranh tài diễn ra sôi nổi, hào hứng, vui tươi, thắm tình đoàn kết. Nếu như ở các môn đòi hỏi có tính tập thể cao như: bóng đá, kéo co, bóng chuyền, các đội đã cống hiến cho khán giả nhiều pha bóng hay, kịch tính, các hiệp đấu giằng co thì ở các môn cá nhân, như đẩy gậy, bắn ná… các vận động viên cũng thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng, quyết tâm để mang thành tích cao nhất về cho địa phương. Vận động viên Y’Rai Mlô (huyện Ea Súp) hào hứng: “Đây là lần đầu tiên mình được tham gia thi đấu tại ngày hội thể thao lớn nhất giành cho các dân tộc thiểu số, được gặp gỡ, giao lưu với đông đảo bạn bè nên vui lắm. Mình hy vọng sẽ đoạt được tấm huy chương ở hạng cân 72 kg để có kỷ niệm đẹp về hội thi”. Về phía đội ngũ trọng tài, những người “Cầm cân nảy mực”, Ban tổ chức đã điều động hơn 30 người có chuyên môn tham gia điều hành các trận đấu, bảo đảm công bằng, công tâm, khách quan.

Vận động viên  thi đấu môn  đẩy gậy.
Vận động viên thi đấu môn đẩy gậy.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hà thì thời gian qua, phong trào thể dục thể thao trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có bước phát triển mạnh, Đắk Lắk liên tục xếp vị trí Nhất toàn đoàn tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2015 và 2017, khu vực II. Các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian được khôi phục, bảo tồn và tổ chức ngày càng nhiều; tỷ lệ bà con dân tộc thiểu số tham gia tập luyện thể thao ngày càng tăng. Từ các giải thể thao phong trào diễn ra sôi nổi và qua hội thi này, Ban tổ chức sẽ tuyển chọn lực lượng vận động viên, xác định những môn thế mạnh để đầu tư trọng điểm, duy trì vị thế mà thể thao các dân tộc thiểu số Đắk Lắk đã khẳng định được từ nhiều năm nay.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.