Multimedia Đọc Báo in

Sôi nổi phong trào dân vũ ở Buôn Đôn

09:59, 27/10/2018

Với những động tác sôi động, vui tươi và dễ nhớ, nhảy dân vũ dần trở thành phong trào phát triển sâu rộng ở huyện Buôn Đôn, được nhiều bạn trẻ hưởng ứng nhiệt tình, góp phần tạo ra sân chơi bổ ích và thiết thực cho thanh thiếu niên trên địa bàn.

Chào mừng 62 năm thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15-10), mới đây, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Buôn Đôn phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện tổ chức Hội thi Vũ điệu thanh niên. Cuộc thi thu hút 220 thí sinh đến từ các đơn vị trường học và đoàn xã trên địa bàn. Mở đầu hội thi là tiết mục đồng diễn sôi động với ca khúc “Việt Nam ơi”. Những gương mặt vui tươi, tự tin cùng những động tác dân vũ nhịp nhàng, khỏe khoắn khiến ai theo dõi cũng hào hứng và muốn hòa mình nhún nhảy cùng những vũ điệu này.

Tiết mục nhảy dân vũ trong Hội thi Vũ điệu thanh niên huyện Buôn Đôn.
Tiết mục nhảy dân vũ trong Hội thi Vũ điệu thanh niên huyện Buôn Đôn.

Vừa biểu diễn xong tiết mục của mình, em Ngô Thị Thùy Trang (lớp 11A6, Trường THPT Buôn Đôn) hào hứng nói: “Khi mới tiếp xúc với dân vũ, em thấy rất bỡ ngỡ. Nhưng khi được tập luyện thường xuyên, em thấy dân vũ là một môn nghệ thuật có sức hấp dẫn và lôi cuốn, mang tính tập thể cao. Tham gia cuộc thi lần này giúp bản thân em năng động và tự tin hơn rất nhiều”.

Dân vũ là một loại hình nghệ thuật múa tập thể theo một số bản nhạc đặc trưng của các quốc gia. Các động tác dân vũ đơn giản, dễ nhớ, dễ tập ai cũng có thể nhảy theo được, không phân biệt độ tuổi, nghề nghiệp.

Anh Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Buôn Đôn, thành viên Ban Giám khảo Hội thi chia sẻ: “Đây là năm thứ hai cuộc thi nhảy dân vũ và nhảy hiện đại được tổ chức trên địa bàn huyện với mục đích tạo ra sân chơi lành mạnh, giúp các bạn trẻ thể hiện được năng khiếu nghệ thuật của bản thân. Không những thế, với những điệu nhảy mang tính kết nối, đồng điệu, dân vũ còn là cầu nối giúp gắn kết, tập hợp thanh niên một cách hiệu quả”.

Không chỉ xuất hiện trong các hội thi, tại nhiều địa điểm vui chơi giải trí, trường học ở Buôn Đôn đều có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ hăng say tập luyện dân vũ. Đặc biệt, trên địa bàn huyện hiện tất cả các trường học đã đưa dân vũ vào các buổi sinh hoạt 15 phút đầu giờ như một hoạt động định kỳ và dần thay thế cho các bài tập thể dục thông thường. Ngoài ra, trong các dịp lễ khai giảng, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hay tổng kết năm học, dân vũ được các nhóm học sinh biểu diễn, góp vui trong các chương trình.

Cô Nguyễn Thị Diễm Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ chia sẻ: Hiện nay, học sinh trong toàn trường đều thuộc các điệu dân vũ như “Trống cơm”, “Rửa tay”, “Té nước”, “Em đi bộ đội”... Những bài dân vũ với điệu nhạc sôi động, khỏe khoắn không chỉ giúp học sinh năng động, sức khỏe dẻo dai và tinh thần thoải mái hơn mà còn giúp các em phát huy năng khiếu nghệ thuật của bản thân". Phong trào luyện tập và biểu diễn dân vũ đã góp phần tạo môi trường học đường thân thiện, sinh hoạt ngoài giờ học lành mạnh, hữu ích; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác đoàn kết, tập hợp thanh thiếu niên...

 Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.