Ươm mầm tài năng bóng chuyền
Là “cái nôi” đào tạo, cung cấp nguồn, bổ sung lực lượng cho tuyến trên, đội bóng chuyền nữ năng khiếu Đắk Lắk từ lâu trở thành điểm đến, nơi hội tụ của những tài năng triển vọng của bóng chuyền tỉnh nhà…
Ấn tượng ban đầu của bất cứ ai khi tiếp xúc với những nữ sinh ở độ tuổi THCS đang tập luyện tại đội là tất cả đều sở hữu một chiều cao “khủng” so với bạn bè cùng trang lứa. Huấn luyện viên trưởng Võ Văn Hải cho biết, xuất phát từ đặc thù của môn bóng chuyền nên tiêu chí, điều kiện bắt buộc khi tuyển các em vào đội là cần có chiều cao, tất cả các thành viên đang sinh hoạt trong đội đều cao từ 1m65 trở lên, có cháu mới sinh năm 2007 như Phan Nguyễn Trà My đã cao 1m67, còn cháu H’Zu Êban (SN 2004) thì cao đến 1m71. Đang trong độ tuổi phát triển, kết hợp với những bài tập chuyên môn phù hợp, chế độ ăn uống hợp lý nên có nhiều khả năng trong tương lai chiều cao trung bình toàn đội sẽ đạt được trên 1,75 - 1,78m.
Buổi tập luyện của các thành viên đội bóng chuyền nữ năng khiếu tỉnh. |
Hiện đội bóng chuyền nữ năng khiếu Đắk Lắk đang đào tạo, huấn luyện cho 13 em được tuyển chọn từ các địa phương trong toàn tỉnh, có em vừa mới vào được một năm, em có thâm niên lâu nhất là bốn năm. Với phương châm “chú trọng chất lượng hơn số lượng” nên quy trình tuyển chọn, đào tạo được Ban huấn luyện thực hiện hết sức nghiêm túc, chuyên nghiệp. Em Nguyễn Phan Hoài An mới gia nhập vào đội chia sẻ: “Trước khi được vào đội, em được các thầy phân tích, chỉ rõ những khó khăn, thử thách đang chờ đợi phía trước như phải sống tự lập, xa gia đình, phải chịu khó, siêng năng chăm chỉ cả trong học văn hóa và chuyên môn để tự quyết định có theo đuổi nghiệp thể thao hay không. Sau đó mới từng bước được làm quen, tiếp xúc, tập luyện với bóng chuyền”.
Huấn luyện viên trưởng đội bóng chuyền nữ năng khiếu Đắk Lắk Võ Văn Hải
|
Đây được đánh giá là giai đoạn khó khăn nhất, bởi ngoài việc dạy các em những bài học vỡ lòng, biết yêu thương bạn bè, kính trọng thầy cô, hòa nhập với lối sống tập thể thì vấn đề là làm thế nào nuôi dưỡng, hun đúc tình yêu, lòng đam mê với bóng chuyền để các em quyết tâm theo đuổi luyện tập, phát triển năng khiếu. Chính vì vậy ban đầu các em được chơi những trò chơi vận động, xây dựng tinh thần đoàn kết, tính tập thể, sau đó mới học những kỹ thuật cơ bản của môn bóng chuyền, từ đơn giản đến nâng cao. Quá trình này kéo dài đúng bốn năm, từ khi các em bước vào lớp sáu đến khi kết thúc năm lớp chín. Thời gian biểu học tập của toàn đội hầu như khép kín: sáng học văn hóa trên trường; chiều tập chuyên môn; tối lại chuẩn bị bài vở cho ngày mai. Dẫu vất vả, song tất cả các em đều quyết tâm khổ luyện, phấn đấu đạt đến trình độ chuyên môn nhất định để được tuyển lên đội tuyển bóng chuyền nữ đang chơi ở giải đấu cao nhất của bóng chuyền - giải vô địch quốc gia. "Cơn sốt" mà các cô gái của đội tuyển bóng chuyền nữ Đắk Lắk tạo nên thời gian qua đã tiếp thêm động lực, quyết tâm cho thế hệ đàn em noi theo. Chủ công của đội, em H’Zu Êban bộc bạch, em rất hâm mộ cầu thủ H’Mia Niê, bởi chị thi đấu xuất sắc, tấn công hiệu quả. Được đứng cùng chị trong đội hình thi đấu là ước mơ của em. Hiện tại em đang tập trung tất cả cho việc tập luyện chuyên môn để biến ước mơ trên thành hiện thực.
Những cầu thủ năng khiếu trẻ tập bài chuyền bóng tường. |
Năm 2010, đội bóng chuyền nữ năng khiếu Đắk Lắk được thành lập. Đây là một trong những quyết định táo bạo, mạnh dạn của những nhà quản lý thể dục thể thao tỉnh, hướng đến mục tiêu đưa Đắk Lắk trở thành đội bóng Tây Nguyên đầu tiên góp mặt ở Giải bóng chuyền vô địch quốc gia. Phải đến năm 2017, ước mơ đó mới thành hiện thực, các cô gái phố núi Ban Mê lần đầu tiên góp mặt ở giải đấu đỉnh cao này đã lập nên kỳ tích khi xếp vị trí thứ tư đầy thuyết phục.
Các tài năng được đào tạo sau 6 năm, với 100% là lực lượng tại chỗ, như: phụ công Nguyễn Thị Duyên, Nguyễn Thị Mai Ly; chuyền 2 Nguyễn Thị Kim Thoa; chủ công Lê Thị Nga, H’Mia Niê; libero Nguyễn Thị Phước… trở thành trụ cột của đội tuyển bóng chuyền nữ Đắk Lắk hiện tại. Sau màn trình làng thành công của thế hệ đầu tiên, nơi ươm mầm những năng khiếu tiếp tục công việc đào tạo thế hệ tiếp nối, bổ sung hằng năm để đội tuyển không bị khủng hoảng về mặt lực lượng. Năm 2019, đội bóng chuyền nữ năng khiếu đã tăng cường thêm cho đội tuyển 4 gương mặt trẻ, triển vọng, gồm Trương Anh Thư, Nguyễn Thị Kiều Diễm, Trần Thị Hoài Anh và Đinh Thị Linh. Sau “mẻ” ra lò thứ hai này, đội bóng chuyền nữ năng khiếu Đắk Lắk vừa tập trung đào tạo cho các em hiện tại vừa tiếp tục hành trình “đãi cát tìm vàng”, tìm kiếm tài năng bóng chuyền cho Đắk Lắk.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc