Multimedia Đọc Báo in

Vì sao "đế chế" của Tổng thống Kyrgyzstan bị lật đổ?

07:55, 18/04/2010

Kinh tế suy thoái, tham nhũng tràn lan… có thể là những nguyên nhân khiến người dân xuống đường biểu tình, lật đổ Chính phủ Kyrgyzstan của Tổng thống Kurmanbek Saliyevich Bakiyev.

Theo tờ Christian Science Monitor, tương tự ông Saakashvili ở Gruzia, Yushchenko ở Ukraine, ông Bakiev giành chính quyền nhờ Cách mạng hoa tulip năm 2005 trong sự kỳ vọng rất lớn của người dân. Tuy nhiên, 5 năm trôi qua, kinh tế nước này tiếp tục xuống dốc…trong khi gia đình, bạn bè Tổng thống Bakiyev giàu lên nhờ việc “rút ruột” hàng trăm triệu USD tiền viện trợ quốc tế, tiền Mỹ thuê căn cứ Manas…
Nhà phân tích quan hệ quốc tế và an ninh Roman Muzalevsky khẳng định, tham nhũng lan tràn khắp Kyrzystan và việc tăng giá điện là giọt nước làm tràn ly, khiến người dân tức giận xuống đường. Ông Roman nêu rõ: “Một trong những nguyên nhân chính khiến biểu tình nổ ra là giá hàng tiêu dùng cao, người dân bất mãn”.
Theo Time, nhiều thành viên trong Chính phủ của Tổng thống bị lật đổ Bakiyev ở Kyrgyzstan nghi ngờ Nga kích động bạo lực, dẫn tới tình hình rối loạn tại quốc gia này. Mới đây, trước khi bị phế truất, ông Bakiyev còn khiến Nga "tức hơn" khi lên kế hoạch cho Mỹ xây thêm trung tâm huấn luyện nhân viên chống khủng bố trị giá 5,5 tỷ USD tại tỉnh Batken, Kyrgyzstan.
Chưa rõ những cáo buộc trên chính xác tới đâu nhưng sau khi tạm thời kiểm soát được Kyrgyzstan, lãnh đạo phe đối lập điện đàm với ông Putin. Nội dung cuộc điện đàm không được tiết lộ nhưng phát ngôn viên của Thủ tướng Nga là ông Dmitry Peskov khẳng định: “Nga luôn sẵn lòng duy trì, cung cấp các khoản viện trợ nhân đạo cho người dân Kyrgyzstan”. Chưa thể biết chắc tuyên bố của Thủ tướng Putin có chính xác không nhưng có điều chắc chắn xảy ra là Nga thu nhiều lợi ích, còn Mỹ bị thiệt hại khi để xảy ra tình hình rối loạn như hiện nay.
Về phía Nga, nước này coi việc cho Mỹ thuê căn cứ quân sự Manas là biểu tượng của việc Mỹ xâm phạm vùng đệm, hay nói cách khác, Moscow không muốn Washington xuất hiện tại vùng đất được coi là “sân sau’ của mình. Họ đã đổ ra không ít sức lực, tiền bạc để ngăn Mỹ nhảy vào Kyrgyzstan nhưng không được.

Kinh tế suy thoái, tham nhũng tràn lan khiến người dân Kyrgyzstan xuống đường biểu tình
Kinh tế suy thoái, tham nhũng tràn lan khiến người dân Kyrgyzstan xuống đường biểu tình

Ngược lại với Nga, đảo chính ở Kyrgyzstan là tin buồn với Mỹ. Và nếu mất Manas, đó sẽ là thảm họa thực sự bởi đây là trạm trung chuyển hàng tối quan trọng sang chiến trường chính là Afghanistan, mặt trận chống khủng bố lớn nhất của Mỹ. Một quan chức cấp cao Mỹ cho rằng thuê được Manas là một thành công lớn. Vì thế, nếu mất Manas, Mỹ sẽ bị thiệt hại nặng.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 9-4 tuyên bố, Manas vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, chưa rõ là họ sẽ “bình thường được bao lâu” bởi tình hình Kyrgyzstan còn đang trong giai đoạn diễn biến phức tạp, chưa thể khẳng định điều gì. Trong lúc đó, giáo sư chính trị Alexander Cooley của ĐH Columbia, Mỹ dự đoán: “Người kế nhiệm ông Bakiyev sẽ không muốn phá hỏng quan hệ với Mỹ. Ông ta có thể trong sạch và khi đó, họ có thể sẽ thương lượng lại với Mỹ về tương lai Manas. Ngược lại, họ sẽ lại tiếp bước ông Bakiyev, cho Mỹ thuê và tiếp tục tham nhũng”. Cũng có khả năng Mỹ sẽ bị “trục xuất” khỏi Manas nhưng trường hợp này khó khả thi bởi Moscow cũng bị thiệt hại khi Mỹ mất Manas, bọn khủng bố ở Afghanistan càng có dịp lộng hành, mở rộng tấn công sang cả Moscow như thời gian vừa qua.

Theo Đất Việt

 


Ý kiến bạn đọc