Multimedia Đọc Báo in

78 ngân hàng Mỹ đóng cửa từ đầu năm đến nay

15:12, 31/05/2010
Tổng Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) của Mỹ cho biết trong năm tháng đầu năm nay đã có 78 ngân hàng bị đóng cửa khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi liên bang giảm 10,3 tỷ USD.
Nhiều ngân hàng lớn của Mỹ sụp đổ khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi liên bang bị sụt giảm.
Nhiều ngân hàng lớn của Mỹ sụp đổ khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi liên bang bị sụt giảm.
Gần đây nhất, ngày 28-5, FDIC đóng cửa ngân hàng Granite Community Bank tại bang California, ngân hàng Sun West Bank tại bang Nevada và ba ngân hàng trực thuộc tổ hợp ngân hàng Bank of Florida Corp tại bang Florida. Theo FDIC, cơ quan này có thể phải thanh toán 317 triệu USD tiền bảo hiểm tiền gửi do sự sụp đổ của năm ngân hàng này.
 
Ngân hàng Westernbank Puerto Rico bị đóng cửa vào ngày 30-4 là ngân hàng lớn nhất trong số 78 ngân hàng bị phá sản từ đầu năm tới nay. Ngân hàng này có tài sản trị giá 11,9 tỷ USD và tổng vốn vay trị giá 8,8 tỷ USD.  Trong cả năm 2009, FDIC phải thanh toán 30 tỷ USD tiền bảo hiểm cho khách hàng của 140 ngân hàng bị đóng cửa, đây là năm có số ngân hàng "sập tiệm" cao nhất tính từ cuộc khủng hoảng tiền tiết kiệm và tiền vay vào năm 1992. Thông báo mới đây của FDIC cho biết số thể chế tài chính được FDIC bảo hiểm giảm xuống còn 7.932 vào cuối quý 1-2010, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1933 khi FDIC được thành lập, con số này giảm xuống dưới mức 8.000 thể chế. Đến hết quý 1-2010, quỹ bảo hiểm của FDIC còn 20,7 tỷ USD. Hiện tại, FDIC đang bảo hiểm tối đa 250.000 USD cho mỗi tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng được FDIC bảo hiểm.
 
Theo FDIC, số lượng ngân hàng bị phá sản sẽ lên đỉnh điểm trong quý 3 năm nay. FDIC ước tính họ có thể phải thanh toán khoảng 100 tỷ USD tiền bảo hiểm do các ngân hàng đổ vỡ trong bốn năm, từ năm 2010 đến hết năm 2013.
Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc