Multimedia Đọc Báo in

Đơn vị chiến đấu cuối cùng của Mỹ rút khỏi Iraq, chưa phải là đã xong

09:19, 21/08/2010
Lữ đoàn tác chiến cuối cùng của Mỹ đã rời khỏi Iraq, việc rút quân của lữ đoàn này được cho là sự kết thúc sớm của sứ mệnh Mỹ tại Iraq sau hơn 7 năm. Tuy nhiên, ngày 19-8, các quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố quân Mỹ sẽ vẫn tiếp tục chiến đấu chống các phần tử khủng bố và nổi dậy tại Iraq.
Theo người phát ngôn lực lượng Mỹ tại Iraq, Stephen Lanza, sau khi Lữ đoàn chiến đấu Stryker 4 thuộc Sư đoàn Bộ binh số 2 ở Iraq vượt qua biên giới sang Kuwait ngày 19-8, quân số Mỹ tại Iraq hiện còn khoảng 56.000 người và đến ngày 1-9 sẽ giảm xuống còn 50.000, theo kế hoạch Tổng thống Barack Obama đề ra. Ông Lanza nhấn mạnh lực lượng Mỹ tại Iraq sẽ "chuyển từ hoạt động tác chiến sang ổn định tình hình."
Tổng thống Obama đã ấn định ngày 31-8 kết thúc sứ mệnh chiến đấu của các lực lượng Mỹ tại Iraq, sau đó số binh sĩ Mỹ tại Iraq còn khoảng 50.000 người để hỗ trợ và huấn luyện lực lượng Iraq. Số quân này thuộc sáu lữ đoàn Lục quân, gồm các Lữ đoàn 1, 2, 3 và 4 thuộc Sư đoàn bộ binh số 3, Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn bộ binh số 4, Lữ đoàn 2 thuộc Sư đoàn bộ binh số 25. Theo hiệp định an ninh giữa Washington và Baghdad, toàn bộ quân Mỹ sẽ rút khỏi Iraq vào cuối năm 2011. Các binh sĩ còn lại sẽ không còn đảm nhận sứ mệnh tác chiến chính thức, song vẫn được trang bị vũ khí đầy đủ tham gia các hoạt động truy quét các phần tử khủng bố và cực đoan theo yêu cầu của nhà chức trách Baghdad. Các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ và Iraq cùng nhận định rằng Iraq có thể sẽ vẫn cần sự trợ giúp của quân đội Mỹ sau năm 2011. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuần trước cho biết Iraq có thể cần sự giúp đỡ của quân đội Mỹ thêm một thập kỷ nữa.
Các đơn vị chiến đấu của Mỹ trên đường rời Iraq
Các đơn vị chiến đấu của Mỹ trên đường rời Iraq
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố kế hoạch tăng gấp đôi số nhà thầu an ninh tư nhân được Chính phủ Mỹ thuê tại Iraq, thay thế cho lực lượng quân đội Mỹ đang rút dần khỏi nước này. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ sẽ thành lập 4 cơ quan đại diện mới tại một số thành phố lớn của Iraq. Để đảm bảo an ninh cho những cơ quan này, đến tháng 10 sang năm, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ thuê tổng cộng 7.000 nhân viên an ninh tư nhân. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở của Mỹ tại Iraq, số nhân viên an ninh tư nhân này cũng tham gia huấn luyện cho các lực lượng an ninh Iraq.
Một người lính Mỹ trên đường phố Iraq
Một người lính Mỹ trên đường phố Iraq
Trong một diễn biến khác, ngày 20-8 nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq của lực lượng khủng bố al-Qaeda đã thừa nhận thực hiện vụ đánh bom liều chết tại trung tâm tuyển quân ở thủ đô Baghdad hôm 17-8. Vụ tấn công trên đã làm gần 60 người thiệt mạng và ít nhất 100 người bị thương. Vụ tấn công xảy ra chỉ một ngày sau khi hai chính đảng chủ chốt ở Iraq ngừng các cuộc thảo luận về việc thành lập chính phủ mới và trước thời điểm lữ đoàn chiến đấu cuối cùng của Mỹ rời Iraq đã đặt ra nhiều vấn đề cho đất nước này.
G.N (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc