Multimedia Đọc Báo in

Quan hệ Nga - Mỹ : Vẫn còn quá nhiều “vật cản”

16:35, 15/07/2011

Ngày 12-7, Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov bắt đầu chuyến công du đến thủ đô Washington (Mỹ). Bất chấp quan hệ hai bên thời gian qua có nhiều tiến triển tích cực, song sẽ không phải là bất ngờ khi trong chuyến thăm này, vấn đề hệ thống lá chắn tên lửa vẫn là vật ngáng trở lớn để hai cường quốc tiến gần đến sự hiểu biết lẫn nhau.

Lịch trình chuyến thăm 3 ngày của ông Lavrov dày kín các cuộc gặp, từ Tổng thống Mỹ Barak Obama, người đồng cấp Hillary Clinton đến các chính khách, đại diện các tổ chức xã hội với rất nhiều nội dung quan trọng. Dường như, chuyến thăm này đặt quá nhiều tham vọng để giải quyết nhiều vấn đề một lúc, từ cải thiện mối quan hệ song phương đến các vấn đề quốc tế nóng hiện nay.

Cho dù vậy, điều mà ai cũng có thể đoán được, quan hệ hai nước vẫn còn rất nhiều “vật cản’. Và một trong những “vật cản” đó là vấn đề hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu sẽ nóng lên trên bàn nghị sự. Tất nhiên, người đứng đầu ngoại giao Nga cũng không giấu diếm điều này khi ngày 12-7 đã phát biểu rằng, Moscow tin là các kế hoạch trên của Mỹ đe dọa tới an ninh Nga và có thể buộc Nga phải đáp trả quân sự.

Ngoại trưởng Nga, Mỹ ăn tối cùng Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và       	            đại diện một số nước khác.          (Nguồn: Internet)
Ngoại trưởng Nga, Mỹ ăn tối cùng Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và đại diện một số nước khác. (Nguồn: Internet)
Lời cảnh báo này đưa ra sau khi Tổng thư ký khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen đã bày tỏ sự không hài lòng về kế hoạch phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga hồi tháng trước. Quan hệ hai bên còn gia tăng khi Nga yêu cầu NATO không can thiệp vào công việc nội bộ của những quốc gia có chủ quyền. Đồng thời khẳng định Nga sẽ “đảm bảo khả năng phòng thủ của nước này bằng cách nào, nơi nào và thế nào là cần thiết”.

Những động thái này cho thấy, tương lai trong vấn đề hệ thống lá chắn tên lửa ở Châu Âu vẫn đang rất mờ mịt. Hai bên vẫn chưa thực sự xây dựng được lòng tin lẫn nhau. Hồi tháng 4-2010, những tưởng những bất đồng giữa Nga – Mỹ về vấn đề lá chắn tên lửa được hóa giải khi Tổng thống Mỹ Obama bác bỏ đề xuất của người tiền nhiệm George W. Bush trong việc tập trung vào phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Czech, gần biên giới Nga. Thế nhưng, thay vì từ bỏ, nước Mỹ lại sử dụng chính sách “bình cũ rượu mới” khi đưa ra kế hoạch mới, bao gồm các tên lửa đánh chặn đặt ở trên biển hoặc đất liền.

Rõ ràng hệ thống lá chắn tên lửa vẫn là “cái gai” gây nhức nhối nhất trong quan hệ giữa Nga và Mỹ, Nga – NATO. Nhưng đó sẽ chưa phải là tất cả. Nhiều nhà phân tích quốc tế đánh giá, chuyến thăm Mỹ lần này của ông Lavrov sẽ không hề dễ dàng khi đưa vấn đề gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Nga ra bàn thảo với các nhà lãnh đạo Mỹ. Quá trình gia nhập WTO của Nga đang có nguy cơ phải mất nhiều năm nữa nếu nước này không đạt được những thỏa thuận cơ bản với các nước thành viên.
Trên bình diện chính trị, các nước châu Âu và Mỹ là nhà chỉ đạo chính của WTO, vấn đề Nga gia nhập WTO là lá bài quan trọng trong trò chơi chính trị giữa Nga và phương Tây. Về bề ngoài, tuy Nga được kết nạp vào nhóm G8 và cùng các nước châu Âu – Mỹ thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược”, nhưng sự không tin cậy lẫn nhau giữa châu Âu – Mỹ và Nga trở thành trở ngại lớn nhất để Nga gia nhập WTO. Chính phủ Mỹ luôn luôn lấy việc ủng hộ Nga gia nhập WTO làm điều kiện trao đổi chính trị, cản trở Nga gia nhập WTO lại là những cân nhắc xuất phát từ kinh tế, chính trị và địa chiến lược.

Lợi ích chiến lược Nga – Mỹ trái ngược nhau, Mỹ luôn coi Nga là đối thủ chiến lược tiềm ẩn, coi vấn đề Chechnya, cải cách dân chủ, chính sách đối với Cộng đồng các quốc gia độc lập CIS, vấn đề Iran là cái cớ để “mặc cả” với Nga; các quốc gia châu Âu luôn dè chừng với nước Nga đang trỗi dậy trở lại, tháng 5-2004, Liên minh chấu Âu (EU) “khoan dung” kết nạp 10 nước Đông Âu, phạm vi thế lực dường như đã mở rộng tới cánh cửa phía tây nước Nga…

Cho dù ít có hy vọng, những vấn đề gai góc sẽ được giải quyết trong chuyến thăm này. Nhưng đàm phán thân thiện, từng bước tìm ra giải pháp hợp lý sẽ là điểm sáng để Nga và Mỹ tiếp tục cải thiện và phát triển quan hệ bình đẳng giữa hai nước.

Theo VOVNews

Ý kiến bạn đọc