Trung Đông - Bắc Phi tiếp tục chìm trong bất ổn
Khu vực Trung Đông-Bắc Phi vẫn tiếp tục chìm trong bất ổn. Bạo loạn ở Ai Cập, bạo lực ở Syria cho đến các giải pháp hòa bình cho Palestine-Israel đều chưa có lối thoát. Nhìn lại các điểm nóng tại khu vực trên có thể nhận thấy điểm chung là cùng có sự can thiệp từ bên ngoài.
Sau nhiều thập kỷ đàm phán vô vọng với Israel, Palestine quyết định chọn lối đi riêng cho mình. Cuối tháng 11, Đại hội đồng Liên hiệp quốc bỏ phiếu chính thức thông qua nghị quyết nâng cấp quy chế cho Palestine từ thực thể quan sát viên lên nhà nước quan sát viên. Đây là bước đi quan trọng trong quá trình tiến tới một Palestine độc lập. Bất chấp việc đông đảo các nước công nhận nghị quyết trên, Mỹ tiếp tục bỏ phiếu chống.
Bước chân vào Nhà Trắng năm 2008, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ thay đổi cách tiếp cận về vấn đề Trung Đông, ủng hộ chính sách 2 nhà nước độc lập. Tuy nhiên, một bài viết vừa đăng trên tạp chí Chính sách đối ngoại của Mỹ cho rằng hành động bỏ phiếu chống của Mỹ đi ngược lại những tuyên bố của Washington. Trên hết, nó chứng tỏ Mỹ sẽ tiếp tục hậu thuẫn cho đồng minh Israel và chỉ thực sự ủng hộ các cuộc hòa đàm khi Palestine chấp nhận điều kiện về một đường biên giới trước năm 1967 mà Israel đưa ra.
Tại Syria, trong khi cộng đồng quốc tế vẫn đang nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trị thỏa đáng thì không ít các quốc gia phương Tây cố lái tình hình Syria theo sự sắp đặt của họ. Sau khi công nhận phe đối lập Syria là đại diện hợp pháp duy nhất cho Syria, Pháp cho biết sẽ cân nhắc đến việc cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy. Theo Thủ tướng Nga Dimitry Medvedev, việc ủng hộ một thế lực chính trị đang chống lại chính phủ đã được công nhận chính thức của một nước khác là hoàn toàn không thể chấp nhận. Hơn nữa, luật pháp quốc tế cũng quy định rõ: không một quốc gia hoặc chính phủ nào được tiến hành các hoạt động nhằm ép buộc thay đổi chế độ chính trị của một nước khác.
Những ngày qua, Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) càng đổ thêm dầu vào lửa khi lên kế hoạch đặt các hệ thống tên lửa Patriot tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria với lý do tăng cường khả năng phòng vệ cho Thổ Nhĩ Kỳ trước đe dọa từ tên lửa và vũ khí hóa học của Syria. Tuy nhiên, Christopher Harmer, chuyên gia Viện nghiên cứu chiến tranh của Mỹ cho rằng chẳng có mối đe dọa nào từ phía Syria đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi mà quân đội Syria đang phải căng sức chống lại lực lượng chống đối. Theo ông Harmer, hệ thống tên lửa này chỉ hoạt động khi vùng cấm bay được thiết lập ở Bắc Syria.
Chính trường Ai Cập đang trải qua thời gian không hề êm ả mặc dù đã có một vị Tổng thống đầu tiên được dân bầu trong vài thập niên qua. Khi lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak, Mỹ và phương Tây ca ngợi đó là chiến thắng của cái mà họ gọi là dân chủ, đáp ứng nguyện vọng của người dân Ai Cập.
Nhưng giờ đây, Ai Cập đang tiếp tục chìm đắm trong hỗn loạn. Sự rối loạn ở Trung Đông-Bắc Phi cho thấy một bài học rằng mỗi quốc gia đều có những đặc thù phát triển về lịch sử, văn hóa, bất kỳ một vấn đề của nước nào đều phải do nội bộ đất nước đó giải quyết, không có chỗ cho sự can thiệp từ bên ngoài. Không am hiểu về một đất nước, cộng thêm những mưu đồ, toan tính riêng thì sự can dự từ bên ngoài chỉ là nhân tố làm tăng thêm sự rối loạn.
Nguồn SGGP
Ý kiến bạn đọc