Titanic và Costa Concordia: Hai vụ đắm tàu gây tốn kém nhất trong lịch sử
Theo nguồn tin nước ngoài, ngày 17-9-2013, liên doanh Mỹ-Ý Titan - Micoperi đã bắt tay trục vớt tàu du lịch 5 sao Costa Concordia của Italia gặp nạn "đổ nghiêng" ở ngoài khơi đảo Giglio, làm trên 4.000 người phải sơ tán, 32 người tử vong, 2 người còn mắc kẹt trong tàu. Theo giới quan sát thì đây là phi vụ tốn kém nhất trong lịch sử hàng hải nhân loại xưa và nay. Nhân sự kiện này, hãng tin CNN (Mỹ) thống kê những con số đáng suy ngẫm giữa 2 vụ đắm tàu Titanic và Costa Concordia.
Thảm họa Titanic - Costa Concordia. |
Costa Concordia là tàu du lịch lớp Concordia, trị giá 570 triệu USD, sở hữu và điều hành bởi Tập đoàn Costa Cruises của Italia. Tàu dài 290m, có 4 hồ bơi, 5 nhà hàng và 13 quán bar. Con tàu đã thu hút sự chú ý của dư luận kể từ tháng 1-2012 khi bị mắc cạn ngoài khơi Isola del Giglio, cách bờ biển phía tây Italia chừng 25 km do đâm phải dải đá ngầm có tên Le Scole, cách bờ khoảng vài trăm mét. Cú va chạm mạnh đến nỗi tạo nên một lỗ thủng khổng lồ rộng chừng 50m ở mạn trái, kéo theo hàng loạt sự cố mất điện trước khi tàu bị đổ nghiêng và chìm dần. Điểm đến dự kiến của Costa Concordia là Savona trong khuôn khổ chuyến du lịch dài 7 ngày trên Địa Trung Hải và sau đó tham quan Marseille, Barcelona, Palma, Tunis, và Palermo. Trong lúc gặp nạn, một số hành khách đã nhảy xuống nước để bơi vào bờ, một số sẵn sàng sơ tán khỏi con tàu nhưng lại bị các thành viên phi hành đoàn không cho phép hạ thủy phao cứu sinh.
Hai con tàu định mệnh và những con số đáng suy ngẫm
- Ngẫu nhiên hay lời nguyền: Ngay sau khi diễn ra tai nạn, các nạn nhân người Thụy Sĩ đã tiết lộ với tờ La Tribune de Genève, rằng trong phòng ăn họ đang được nghe ca khúc My Heart Will Go On, bài hát làm nền cho phim huyền thoại Titanic, chưa kịp nghe hết bài hát thì tai nạn đã ập đến.
Costa Concordia sau khi gặp nạn. |
- Ngày gặp nạn: Titanic chìm ngày 15-4-1912 còn tàu Costa Concordia bị chìm ngày 13-1-2012.
- Kích thước: Titanic dài 268m, nặng 46.000 tấn. Costa Concordia nặng 114.500tấn, dài 290m. Tàu Titanic rộng 28 m, còn Costa Concordia rộng 36 m. Với kích thước này, Titanic được xem là chiếc tàu vĩ đại nhất những năm đầu thế kỷ XX, "lớn quá nên không thể chìm được", còn Costa Concordia lại được mệnh danh là trung tâm spa di động nổi lớn nhất đầu thế kỷ XXI.
- Số lượng hành khách trên tàu: Titanic khi khi bị chìm có 2.201 người, còn Costa Concordia 4.200 hành khách.
- Nguyên nhân tai nạn: Titanic bị va vào một tảng băng trôi ở mạn phía trước khi đang ở giữa Bắc Đại Tây Dương, trong khi khi đó Costa Concordia lại đâm vào một tảng đá khi gần đến đảo Tuscan Giglio thuộc biển Trung Hải.
- Khả năng phao cứu sinh: Pháo cứu sinh của Titanic chỉ đủ cho 1.178 người. Ngày nay, theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế, tàu đi biển phải được trang bị phao cứu treo ở phía ngoài đủ cho một nửa hành khách, còn một nửa phao treo ở những nơi phù hợp khác. Ngoài ra còn có các thiết bị bơm hơi dự phòng đủ dùng cho 25% số hành khách đi trên tàu. Costa Concordia có đủ khoảng không để chứa pháo cứu sinh. Theo ông Charles Weeks, giáo sư ở Học viện Hàng hải Maine và là thành viên Hiệp hội Quốc tế Titanic, không giống Titanic, Costa Concordia lại có đội ngũ phi hành đoàn không thạo việc, chậm trễ trong việc xử lý sự cố, hạ phao cứu sinh, thậm chí sau 45 phút tàu va vào đá mới làm được công việc đơn giản này. Sự chậm trễ nói trên rất nguy hiểm nếu tàu bị sự cố ngoài khơi.
- Thời gian tàu chìm: Titanic chìm trong thời gian 2 giờ 40 phút. Costa Concordia bắt đầu nghiêng sau 20 phút va vào đá và nghiêng hoàn toàn sau 3 giờ.
- Độ sâu tàu chìm: Titanic chìm sâu khoảng 3.798 m dưới lòng đại dương còn Costa Concordia bị mắc cạn và bán chìm. Thực tế tàu không thể nổi được trong nước có độ sâu 8m.
- Nhiệt độ nước: Hành khách Titanic kém may mắn, và chỉ có thể sống trong vòng vài phút do nhiệt độ nước biển lạnh tới -2 độ C. Theo cơ quan dự báo thời tiết của Italia Accuweather, nhiệt độ không khí khi tàu Costa Concordia gặp sự cố là 40 độ F (khoảng 4,4 độ C) trong khi đó nhiệt độ nước vào khoảng 10 độ C. Với mức nhiệt độ này thì mức hạ thân nhiệt của cơ thể tụt rất nhanh, nếu không có phao cứu sinh hạ xuống kịp thời thì con số tử vong sẽ tăng lên rất nhanh.
- Số lượng người được cứu thoát: Theo Ủy viên điều trần tàu đắm của Anh thì chỉ có 711 hành khách của Titanic được cứu sống và 1.514 người tử vong. Tính đến trung tuần tháng 9-2013, tức trên 20 tháng xảy ra tại nạn, Costa Concordia đã được xác nhận có trên 4.000 người phải sơ tán, 32 người tử vong, 2 người còn mắc kẹt trong tàu chưa tìm thấy xác.
- Số phận của đội trưởng: Edward J. Smith, thuyền trưởng tàu Titanic đã bị tử nạn cùng với con tàu, thi thể của ông mãi mãi không bao giờ được tìm thấy. Trong khi đó thuyền trưởng tàu Costa Concordia, Francesco Schettino lại bị cáo buộc rời bỏ tàu khi bị nạn, trong khi hành khách vẫn còn ở trên tàu. Theo Francesco Schettino, trong khi chỉ đạo việc di tản ông bị trượt chân và tình cờ rơi vào một xuồng cứu sinh nên không có mặt trên tàu. Theo nhật ký của tàu thì các nhân viên dưới quyền đề nghị Schettino quay lại tàu nhưng đã bị từ chối. Schettino hiện bị quản chế và bị điều tra tội ngộ sát. Khác với thảm họa Titanic do bị tai nạn về đêm, thiếu phao cứu sinh, trời lạnh, tàu Costa Concordia lại chỉ bị nghiêng không chìm, có sẵn phao cứu sinh nhưng mọi người từ thuyền trưởng chỉ biết lo cho bản thân, nhiều thành viên thuộc phi hành đoàn còn hoảng sợ, chạy vội xuống xuồng cứu sinh trước cả hành khách. Điều này trái ngược với tên gọi của Costa Concordia, tên gọi này chuyển tải thông điệp hòa hợp, đoàn kết và hòa bình giữa các quốc gia châu Âu.
Trục vớt Costa Concordia tốn hết bao nhiêu tiền ?
Theo CNN, việc trục vớt Costa Concordia được liên doanh Titan-Micoperi thực hiện bắt đầu vào ngày 17-9-2013 với chi phí ước khoảng 800 triệu USD. Phát sinh có thể tăng lên bởi khối lượng công việc cực lớn, nhất là khi khí hậu lại không thuận lợi, riêng số nhân viên cứu hộ cũng lên tới 500 người. Theo hãng Titan - Micoperi, người ta phải bốc hàng nghìn tấn xi măng đựng trong bao tải đặt dưới thân tàu để tránh lún chìm và sử dụng thiết bị nổi để kéo tàu trở lại vị trí cân bằng. Theo ông Franco Gabrielli, người đứng đầu Cơ quan bảo vệ dân sự Italia, sau 19 giờ làm việc, lực lượng trục vớt của Titan- Micoperi đã kéo được Costa Concordia dựng đứng thẳng trở lại, công việc hoàn tất vào lúc 4 giờ sáng (giờ địa phương).
Duy Hùng
(Theo CNN- 9-2013)
Ý kiến bạn đọc