Multimedia Đọc Báo in

Nối lại hòa đàm về Ukraine

10:51, 24/12/2014

Sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko với các nhà lãnh đạo Nga, Đức và Pháp đêm 22-12, các bên đã đồng ý nối lại cuộc hòa đàm giải quyết khủng hoảng tại Ukraine. Cuộc hòa đàm sẽ diễn ra vào 2 ngày 24-12 và 26-12.

Ngày 23-12, Đại diện Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Heidi Tagliavini cho biết trong cuộc họp của Nhóm Tiếp xúc ba bên về Ukraine ở thủ đô Minsk (Belarus) dự kiến diễn ra ở Minsk từ ngày 24 đến 26-12, sẽ có bốn nhóm vấn đề được thảo luận. Cụ thể, đó là việc tất cả các bên ngừng bắn, rút pháo hạng nặng, trao đổi tù binh trên nguyên tắc tất cả đối lấy tất cả và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Donbass.

Theo cơ quan báo chí của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, thời điểm tham vấn đã được xác định trong cuộc điện đàm giữa ông Poroshenko với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi đó, đại diện của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng tham gia cuộc họp, ông Dennis Pushilin cùng ngày cho biết DPR sẽ đưa ra vấn đề về quy chế đặc biệt tại cuộc họp ở Minsk. Theo ông Pushilin, DPR muốn thực hiện nghị trình cũ của cuộc gặp, gồm 4 chủ đề: rút pháo và rocket ra khỏi khoảng an toàn cách đường giới tuyến, trao đổi tù binh, dỡ bỏ phong tỏa kinh tế đối với Donbass và luật của Ukraine về quy chế đặc biệt cho Donbass.

Quốc hội Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quốc hội Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bên cạnh đó, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng Igor Plotniskyi cho biết đại diện LPR, Vladislav Deinego đã bay tới Minsk.

Quốc hội Ukraine ngày 23-12 đã bỏ phiếu thông qua dự luật sửa đổi một số điều liên quan tới việc bãi bỏ quy chế không liên kết của Ukraine, mở đường cho nước này bắt đầu các chiến dịch vận động gia nhập Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Quyết định đưa ra chỉ một ngày trước khi các cuộc đàm phán khó khăn giữa chính quyền Ukraine và lực lượng đối lập tại miền Đông được nối lại. Văn kiện được thông qua rộng rãi với 303 phiếu ủng hộ và chỉ có 8 phiếu chống. Đây là một điều không gây bất ngờ khi các đảng thân phương Tây hiện chiếm đa số tại Quốc hội Ukraine.

Phát biểu trước Quốc hội hồi đầu tuần, Tổng thống Petro Porochenko đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thông qua dự luật này để chống lại điều mà ông cho là “sự tấn công quân sự” của Nga nhằm Ukraine.

Lâu nay, bất chấp việc Nga nhiều lần bác bỏ, chính quyền Ukraine, với sự hậu thuẫn của phương Tây vẫn khăng khăng cáo buộc Nga hỗ trợ quân sự lực lượng đối lập tại miền Đông. Tuy nhiên, con đường gia nhập NATO của Ukraine lại hoàn toàn không chắc chắn. Nếu như Tổng thống Porochenko đặt ra mục tiêu là vào năm 2020, thì triển vọng này lại vấp phải sự phản đối của nhiều nước thành viên. Trong khi chính phủ Pháp công khai tuyên bố phản đối Ukraine gia nhập NATO, thì chính phủ Đức cho rằng, việc thảo luận dành quy chế thành viên NATO cho Ukraine không nằm trong chương trình nghị sự của liên minh quân sự này.

Phát biểu bên lề cuộc họp thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) diễn ra hôm 23-12 ở thủ đô Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, việc Ukraine từ bỏ quy chế chính trị và quân sự trung lập là bước đi phản tác dụng và chỉ làm gia tăng căng thẳng tại khu vực miền Đông. Ngoại trưởng Nga nói: “Dự luật này tạo ra một ảo tưởng rằng nhờ vào nó, hay việc bãi bỏ quy chế “không liên kết” và hướng tới NATO, các nhà chính trị Ukraine đã đi đúng hướng và cuộc khủng hoảng sâu sắc của Ukraine có thể được giải quyết. Tuy nhiên, yếu tố sống còn lại là chấm dứt sự đối đầu leo thang, bắt đầu một cuộc đối thoại toàn diện tại Ukraine”.

H.T (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc