Multimedia Đọc Báo in

Nghị viện châu Âu công nhận trên nguyên tắc Nhà nước Palestine

08:23, 18/12/2014

Với 498 phiếu ủng hộ và 88 phiếu chống, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết công nhận trên nguyên tắc Nhà nước Palestine.

Trước đó, cuộc họp của Nghị viện châu Âu ngày 16-12 đã không thể quyết định vấn đề này và kéo dài thảo luận thêm một ngày. Nghị viện châu Âu ủng hộ trên nguyên tắc Nhà nước Palestine và giải pháp 2 nước, đồng thời tin tưởng hành động này sẽ thúc đẩy tiến triển của tiến trình hòa bình Trung Đông.

Nghị viện châu Âu một lần nữa nhấn mạnh sự ủng hộ giải pháp 2 nhà nước, dựa trên đường biên giới năm 1967 và sự chung sống hòa bình, an ninh giữa Israel và Palestine cùng với sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, không phải tất các các nước châu Âu sẵn sàng với hành động công nhận Nhà nước Palestine này, dù nó chỉ mang tính biểu tượng. Tại cuộc bỏ phiếu ở Nghị viện châu Âu, đã có 111 phiếu trắng cho nghị quyết này.

Vụ bạo lực giữa cảnh sát Israel với người Palestine sáng 10-12 (ảnh: Reuters)
Vụ bạo lực giữa cảnh sát Israel với người Palestine sáng 10-12 (ảnh: Reuters)

Thụy Điển cuối tháng 10 vừa qua đã trở thành quốc gia Liên minh châu Âu đầu tiên ở Tây Âu chính thức công nhận Nhà nước Palestine. Đến nay, các nước như Pháp, Anh và Tây Ban Nha…đã thông qua một nghị quyết không mang tính ràng buộc, với hy vọng có thể tạo ra một "cú hích" trong đàm phán hòa bình giữa Israel-Palestine.

Trước đó, Quốc vương Jordan Abdullah II và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đang ở thăm Jordan cũng đã lên tiếng kêu gọi khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Trong một tuyên bố chung sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã kêu gọi loại bỏ các trở ngại đối với việc khôi phục tiến trình đàm phán hòa bình và tiến tới thực hiện giải pháp hai nhà nước.

Jordan đã thúc đẩy việc khởi động đàm phán với các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về các đề xuất của Palestine và châu Âu đối với một dự thảo nghị quyết về việc chấm dứt cuộc xung đột ở Trung Đông. Tháng trước, Jordan cũng đã chuyển một nghị quyết do Palestine dự thảo tới Hội đồng Bảo an gồm 15 nước ủy viên kêu gọi Israel rút về các đường biên giới trước năm 1967 vào tháng 11-2016.

Tuy nhiên, sau đó vào ngày 14-12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bác bỏ đàm phán về việc nước này rút khỏi Đông Jerusalem và Bờ Tây trong vòng 2 năm.

Trong một tuyên bố, ông Netanyahu nêu rõ: "Chúng ta đối phó với khả năng diễn ra một cuộc tấn công về ngoại giao, nhằm lợi dụng các quyết định của Liên hiệp quốc để buộc chúng ta rút khỏi các đường biên giới năm 1967 trong vòng 2 năm". Theo ông Netanyahu, việc rút lui này có thể sẽ đưa "các phần tử cực đoan Hồi giáo tới khu vực ngoại ô của Tel Aviv và trung tâm Jerusalem".

H.T (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc