Chủ tịch EC đề xuất thành lập quân đội chung của Liên minh châu Âu
15:39, 09/03/2015
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ngày 8-3 đã kêu gọi thành lập lực lượng quân đội Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh quan ngại an ninh gia tăng liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của tờ báo Đức Welt am Sonntag, Chủ tịch EC Juncker cho biết lực lượng này sẽ giúp ngăn chặn những mối đe dọa bên ngoài lãnh thổ của khối cũng như bảo vệ các "giá trị" châu Âu. Ông cũng khẳng định quân đội của EU không phải được xây dựng để sử dụng ngay lập tức mà để thể hiện quan điểm cứng rắn của EU trong việc bảo vệ các giá trị của liên minh.
Bên cạnh đó, theo ông Juncker, một lực lượng chung của các nước EU sẽ giúp việc chi tiêu ngân sách cho các thiết bị quân sự hiệu quả hơn và tăng cường sự thống nhất giữa 28 nước thành viên của khối. Chủ tịch EC nhận định có một lực lượng quân đội riêng sẽ giúp EU đưa ra các chính sách an ninh và đối ngoại chung, song nhấn mạnh lực lượng này sẽ không thách thức vai trò phòng vệ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Quân đội khối NATO tại châu Âu. (Ảnh: defence24.com) |
Dự kiến trong ngày 9-3, cựu Tổng Thư ký NATO Javier Solana sẽ công bố báo cáo mang tên "Thêm Thống nhất trong Quốc phòng châu Âu" tại Brussels, Bỉ, để kêu gọi một chiến lược an ninh châu Âu mới bao gồm năng lực quân sự để tham chiến bên ngoài lãnh thổ châu Âu.
Trước đề xuất thành lập quân đội riêng của Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, Ủy viên Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Franz Klintsevich cho rằng nếu đội quân chung của EU được thành lập, có thể sẽ đóng vai trò khiêu khích đối với hòa bình và an ninh khu vực.
Hãng tin ITAR-TASS ngày 9-3 dẫn lời ông Klintsevich nói: “Quân đội thống nhất của châu Âu sẽ cho thế giới thấy giữa các nước thành viên EU sẽ không bao giờ có chiến tranh. Một quân đội như vậy liệu có giúp chúng ta thực thi các chính sách đối ngoại và an ninh chung cũng như thực hiện các trách nhiệm của châu Âu trên thế giới”.
Theo ông Klintsevich, trong kỷ nguyên hạt nhân hiện nay, những đội quân bổ sung không giúp đảm bảo an ninh mà chỉ có thể “đóng vai trò khiêu khích”. Ông cũng lấy làm tiếc vì việc đề xuất này nhận được sự ủng hộ.
H.T (tổng hợp từ VOV, SGGP)
Ý kiến bạn đọc