Multimedia Đọc Báo in

Con tin bị hành quyết, Nhật Bản quyết không khuất phục khủng bố

10:44, 02/02/2015
Theo hãng AFP, Nhật Bản ngày 31-1 tuyên bố Tokyo phẫn nộ sau khi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) công bố một đoạn băng video trình chiếu cảnh chặt đầu con tin người Nhật Bản Kenji Goto.
 
Trước đó vào đêm 31-1, IS đã tung một đoạn băng hình lên mạng Internet quay cảnh hành quyết một người mà nhóm cực đoan này tuyên bố là con tin thứ 2 người Nhật Bản Kenji Goto. Đoạn video này cho thấy Goto mặc đồ màu da cam, đang quỳ bên cạnh một người đàn ông che mặt cầm một con dao tuyên bố chính Chính phủ Nhật Bản phải chịu trách nhiệm về vụ hành quyết này. Tên “đồ tể” với giọng nói của người Anh tuyên bố vụ xử tử Goto là hệ quả từ những quyết định “liều lĩnh” của Tokyo và sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho “cơn ác mộng của Nhật Bản”, ngụ ý sẽ tiếp tục thực hiện những vụ tấn công tiếp theo nhằm vào nước này. 
 
Chính phủ Nhật Bản sáng 1-2 đã triệu tập cuộc họp nội các và Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) tại Văn phòng Thủ tướng sau khi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Trung Đông tung đoạn băng ghi hình về vụ hành quyết con tin thứ hai Kenji Goto.
 
Phát biểu tại cuộc họp nội các, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh “Nhật Bản sẽ quyết tâm lãnh trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế chiến đấu với khủng bố”, đồng thời chỉ thị triệt để đảm bảo an toàn cho người Nhật ở trong và ngoài nước. Ông khẳng định Nhật Bản sẽ mở rộng hoạt động nhân đạo như cung cấp lương thực và thuốc men thông qua sự hợp tác với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố.
 
Tại cuộc họp nội các, một quan chức Cơ quan cảnh sát Nhật Bản cho biết “nạn nhân trong đoạn video (trình chiếu cảnh IS hành quyết con tin được tung lên mạng Internet) nhiều khả năng chính là ông Goto”. Còn Chủ tịch Ủy ban trị an quốc gia, bà Eriko Yamatani nói dựa trên những phân tích tại Trung tâm khoa học hình sự, “hiện chưa có thông tin nào phủ nhận việc ông Goto đã bị sát hại”.
 
Cũng trong ngày 1-2, ít nhất 200 người dân Nhật Bản đã tập trung trong im lặng trước văn phòng Thủ tướng ở thủ đô Tokyo để tưởng nhớ Kenji Goto, con tin thứ hai của nước này vừa bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hành quyết, chỉ một tuần sau khi giết hại con tin thứ nhất Haruna Yukawa.
 
Những người dân này nâng cao biểu ngữ “Chúng tôi không cần vũ lực”, qua đó cho rằng để ngăn chặn những vụ việc tương tự trong tương lai thì cần phải xóa bỏ mọi mầm mống của chủ nghĩa khủng bố, bao gồm các cuộc chiến tranh ở Trung Đông. Một người dân Nhật Bản chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng điều cần thiết hiện nay là ngăn chặn và không tham gia vào cuộc chiến đang mở rộng này. Tôi đến đây để kêu gọi hòa bình trong sự tưởng nhớ đến 2 người dân Nhật Bản đã mất”.
 
Lãnh đạo các nước trên thế giới cũng đã lên tiếng sau vụ việc này. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 31-1 đã lên án “vụ sát hại cực kỳ tàn ác” con tin người Nhật Bản Kenji Goto. Trong một tuyên bố, ông Obama nêu rõ: “Mỹ lên án vụ nhóm khủng bố IS sát hại dã man công dân và đồng thời là nhà báo Nhật Bản Kenji Goto… Sát cánh cùng một liên minh rộng rãi gồm các đồng minh và đối tác, Mỹ sẽ tiếp tục hành động quyết đoán để làm suy yếu và cuối cùng là tiêu diệt ISIL (tên gọi khác của IS)”.
 
Cùng ngày, Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh: “Vụ (hành quyết con tin Nhật Bản Kenji Goto) này đã một lần nữa nhắc nhở rằng IS là hiện thân của cái ác, không đếm xỉa đến tính mạng con người”. 
 
Từ Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã “kiên quyết” lên án vụ IS chặt đầu con tin Nhật Bản Kenji Goto. Ông Hollande khẳng định Pháp và Nhật Bản sẽ “tiếp tục hợp tác với nhau vì hòa bình ở Trung Đông và để diệt trừ các nhóm khủng bố”. 
ột người dân Nhật Bảncầm bức ảnh của nhà báo Kenji Goto trong một cuộc tuần hành phía trước dinh Thủ tướng tại Tokyo (Ảnh AP)
Một người dân Nhật Bản cầm bức ảnh của nhà báo Kenji Goto trong một cuộc tuần hành phía trước dinh Thủ tướng tại Tokyo (Ảnh AP)
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond và người đồng cấp Australia Julie Bishop ngày 1-2 cũng đã gửi lời chia buồn tới người dân Nhật Bản sau khi IS công bố video hành quyết con tin người Nhật Kenji Goto. Phát biểu trong cuộc họp báo chung tại Sydney, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói: “Chúng tôi sát cánh cùng người dân Nhật Bản và hơn hết là hợp tác với các đồng minh để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình ông Kenji Goto, cũng như người dân Nhật Bản”. Về phần mình, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cũng khẳng định: “Tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới từ người Australia tới người dân và chính phủ Nhật Bản. Việc hành quyết các công dân Nhật Bản là hành động tàn bạo không thể nói nên lời. Chúng ta phải đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố dưới mọi hình thức”.
 
Cộng đồng người Hồi giáo tại Nhật Bản đã cùng chia sẻ nỗi đau với gia đình các con tin Nhật Bản đã bị Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hành quyết. Họ cũng thể hiện sự bàng hoàng trước hành động tàn bạo này. Ông Haroon Qureshi, người đứng đầu nhà Thờ Hồi giáo Masjid Otsuka tại thủ đô Tokyo đã gọi vụ hành quyết mới nhất của IS với nạn nhân là nhà báo người Nhật Kenji Goto là vô nhân tính. Ông gửi lời chia buồn đến gia đình nạn nhân và cho biết nhà báo Nhật Bản Kenji Goto đã làm rất nhiều việc giúp đỡ người Hồi giáo khi ông có mặt tại một trại tỵ nạn ở Syria: “Vụ hành quyết không phải là hành động của con người. Sự tàn bạo này đi ngược lại với những gì mà người Hồi giáo chúng tôi được dạy”.
 
Nhiều nhà phân tích cho rằng, sau cuộc khoảng con tin lần này tại Nhật Bản, người dân Nhật Bản và một số đảng bảo thủ sẽ xem xét lại vấn đề về quyền phòng vệ tập thể đã được thông qua vào năm ngoái. Bởi tỷ lệ phản đối quyền này tương đối cao, nhiều ý kiến cho rằng việc quân đội Nhật có quyền tham gia vào hoạt động tại nước ngoài sẽ chỉ kích thích bạo lực, làm cho chiến tranh có nguy cơ phát triển. Tuy nhiên, sau sự kiện này thì quân đội tham gia với mức độ nào và với mục đích gì, khiến cho dư luận sẽ có những ý kiến tích cực hơn về quyền phòng vệ tập thể. Đây cũng có thể coi là một bước tiến trong chính sách của Thủ tướng Abe.
 
Không phải sau vụ việc này Nhật Bản mới quyết liệt trong việc đấu tranh chống khủng bố, mà trước đó Nhật Bản cũng đã tỏ rõ lập trường của mình rằng sẽ không bao giờ khuất phục trước khủng bố. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Suga trong buổi họp báo sáng 1-2 nhấn mạnh rằng dù trong hoàn cảnh nào Nhật Bản luôn luôn hết sức bảo vệ an toàn cho công dân tại nước ngoài, đồng thời Nhật Bản cũng sẽ không từ bỏ những hoạt động viện trợ nhân đạo góp phần ổn định khu vực Trung Đông. Trong buổi họp sáng 1-2 với Hội đồng an ninh Quốc gia Nhật Bản, Thủ tướng Abe cũng nhấn mạnh thêm rằng Nhật Bản có trách nhiệm lớn đối với cộng đồng quốc tế trong việc đấu tranh chống khủng bố. Nhật Bản vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động nhân đạo như cung cấp thực phẩm, thuốc men cho những người dân tị nạn tại Trung Đông.
 
Trong khi đó, giới chuyên gia phân tích Nhật Bản cảnh báo, vụ giết hại 2 công dân nước này cho thấy Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ trở thành mục tiêu lớn của khủng bố. Theo ông Isao Itabashi, chuyên gia về khủng bố quốc tế tại Hội đồng Chính sách công cộng tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã làm mọi điều có thể trong khả năng và quyền hạn của mình để giải quyết cuộc khủng hoảng con tin tồi tệ. Tuy nhiên, Nhật Bản đã không thể tiếp cận trực tiếp với những kẻ bắt cóc, vì chúng đã chuyển mục tiêu đàm phán sang chính phủ Jordan. Kẻ bắt cóc cũng đã chuyển đi thông điệp sẽ nhằm vào các mục tiêu Nhật Bản trong các vụ tấn công tương lai, do đó ông Itabashi kêu gọi chính phủ thực hiện mọi nỗ lực để giảm thiểu những mối đe dọa tiềm tàng nhằm vào công dân Nhật Bản. Theo đó, tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh cho công dân Nhật Bản ở nước ngoài và tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo tại các nước Trung Đông, cũng như xây dựng mối quan hệ hữu nghị với các nước này.
 
H.T ( tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc