1.001 cách trốn thuế của giới công nghệ Mỹ
Lợi nhuận của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Mỹ rất lớn. Thay vì làm nghĩa vụ đóng thuế theo luật định, các công ty này đã sử dụng những kỹ xảo tinh vi để trốn thuế, như: giấu ở nước ngoài, đầu tư vòng vo hay chuyển sang các “thiên đường thuế”...
Cất giấu ở nước ngoài
Theo Bloomberg, Mỹ là quốc gia có nhiều công ty công nghệ đa quốc gia, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, địa bàn khác nhau. Hiện có khoảng trên 2.000 tỷ USD lợi nhuận của các tập đoàn như tập đoàn Silicon, Microsoft, Apple, Google… được cất giấu ở nước ngoài nhằm trốn thuế, làm cho nhà nước thất thu một khoản tiền khổng lồ. Theo một tài liệu mật của chính phủ, hiện tại Mỹ có trên 300 tập đoàn lớn nhỏ nắm giữ một khoản tiền khổng lồ ở nước ngoài, đặc biệt là ở các quốc gia có mức thuế thấp, tỷ lệ tăng trưởng hằng năm ước khoảng 8%. Theo tính toán của ngành thuế vụ Mỹ, nếu 7 công ty Microsoft, Apple, Oracle, Citigroup, JPMorgan, Goldman Sachs và Ngân hành Bank of America đóng thuế đầy đủ thì chính phủ sẽ có thêm 90 tỷ USD, có thể giúp một vài cơ quan chính phủ hoạt động được 1 năm.
Trốn thuế cả ở nước ngoài
Theo trang tin skynews của Australia, đầu tháng 4-2015 ba tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ là Apple, Google và Microsoft đã bị Văn phòng Sở Thuế Australa (ATO) kiểm toán để phục vụ cho cuộc điều trần của Thượng viện nước này. Qua đó phát hiện thấy năm 2014, ba hãng này đạt khoản lợi nhuận rất cao tại Australia, nhưng lại từ chối công bố cụ thể số tiền chuyển ra nước ngoài. Ví dụ, năm 2014 doanh thu chi nhánh Apple Australia đạt 6 tỷ đôla Australia (Aus$), lợi nhuận ròng 250 triệu Aus$, đóng thuế 80 triệu Aus$ (khoảng 61, 741 triệu USD). Liên quan đến vấn đề trên, ông Tony Kinh, Giám đốc điều hành của Apple Australia và New Zealand khẳng định công ty không chuyển lợi nhuận ra nước ngoài và nộp thuế đầy đủ theo luật pháp sở tại, làm ăn rất minh bạch và bác bỏ cáo buộc trốn thuế và chuyển tiền sang các khu vực có mức thuế suất thấp hơn. Trước khi bị điều trần, Apple đã bị cáo buộc chuyển gần 8,1 tỷ USD lợi nhuận trước thuế từ các hoạt động tại Australia vào Ireland trong suốt một thập kỷ vì Ireland được xem là “thiên đường thuế”, tại đây công ty chỉ phải đóng 0,7% trên tổng mức doanh thu và không bắt buộc phải công khai các khoản thu nhập.
Cùng với Apple, Google và Microsoft cũng từ chối không tiết lộ doanh thu của họ tại Australia cũng như số tiền chuyển ra nước ngoài. Tại cuộc điều trần của Thượng viện Australia tổ chức hồi đầu tháng 4 tại Sydney, ông Bill Sample, Phó Chủ tịch phụ trách thuế toàn cầu của Microsoft đã được triệu tập, khẳng định năm 2014 Microsoft đã đạt khoản doanh thu 2 tỷ USD, số tiền này đã được chi tiêu cho các chi nhánh của Microsoft ở Singapore. Còn Giám đốc điều hành của Google Australia, bà Maile Carnegie lại có vẻ hài hước hơn, cho biết lý do Google Australia đóng thuế khiêm tốn tại Australia là do việc làm ăn của công ty mẹ ở Mỹ đang gặp khó khăn, lợi nhuận sụt giảm.
Theo kiểm toán, năm 2013, hai chi nhánh của Google Australia và New Zealand đạt doanh thu 358 triệu USD, lợi nhuận 46 triệu USD, công ty đã đóng 7,1 triệu USD tiền thuế nhưng bà Carnegie lại giải trình các loại thuế của công ty đều được công ty mẹ ở Mỹ đảm nhận. Cách giải thích vòng vo của bà Carnegie đã làm cho các chuyên gia thuế Australia cũng như những người tham gia cuộc điều trần trở nên khó hiểu. Theo các chuyên gia Văn phòng Sở Thuế Australia thì có tới 60 tỷ USD mỗi năm được chuyển tới các “thiên đường thuế”, con số này cho thấy số tiền thất thoát do trốn thuế không hề nhỏ, cả ở Mỹ lẫn nước ngoài, nơi các doanh nghiệp này đăng ký đầu tư. Đôi khi của các công ty này còn dùng chiến thuật “chuyển giá” rất tinh vi, thực chất là các giao dịch trên giấy giữa các công ty con để phân bổ thu nhập tới các “thiên đường thuế”, còn các chi phí lại rơi vào các nước có thuế suất cao hơn.
Người Mỹ sẽ có giải pháp?
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dù biện hộ đến đâu, những khoản lợi nhuận thuế từ thu nhập ở nước ngoài đang trở nên hấp dẫn đối với các nhà làm luật, nhất là sức ép cải tổ hệ thống thuế vụ Mỹ. Đối với các công ty còn nợ đọng thuế, tỷ lệ thuế doanh nghiệp là 35% trên lợi nhuận thực mà họ kiếm được trên quy mô toàn cầu. Họ có được các khoản tín dụng thuế để thanh toán cho các chính phủ nước ngoài và không phải nộp thuế tại Mỹ cho đến khi họ mang tiền về nước.
Vấn đề giảm bớt thiệt hại do trốn thuế đã được đưa vào chương trình nghị sự của G20 nhóm họp gần đây, còn ở Mỹ, Tổng thống Obama gợi ý nên áp dụng giải pháp khuyến khích và đề nghị các nhà làm luật nên điều chỉnh lại bộ luật thuế, sử dụng mức thuế suất 14% bắt buộc cho những khoản lợi nhuận dự trữ và 19% tối thiểu dành cho các khoản lợi nhuận nước ngoài. Nếu làm được điều này thì trong 6 năm có thể tăng thêm 268 tỷ USD cho quốc khố. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất và sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội Mỹ. Phản ứng về vấn đề này, các tập đoàn công nghệ phản pháo cho rằng họ sẽ không đưa số tiền khổng lồ về nước và cũng chưa khẳng định sẽ nộp thuế hay không trừ khi Quốc hội sửa đổi luật, tạo ra sân chơi bình đẳng.
K.N
(Theo Net/BBC/DM/SMH- 5-2015)
Ý kiến bạn đọc