11:02, 04/05/2015
Theo thống kê mới nhất của Trung tâm ứng phó khẩn cấp quốc gia Nepal (NEOC) ngày 3-5, con số thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,8 độ Richter hôm 25-4 vừa qua đã tăng lên 7.056 người.
Cảnh sát Nepal đã tìm thấy thêm 51 thi thể, trong đó có 6 người nước ngoài, tại khu vực thung lũng Langtang thuộc quận Rasuwa. Như vậy tính đến nay, đã có 54 thi thể du khách nước ngoài được tìm thấy trên khắp Nepal. Trong khi đó, 8 ngày kể từ khi trận động đất mạnh nhất trong vòng 80 năm qua tại Nepal xảy ra, ít nhất 100 du khách nước ngoài khác vẫn được cho là mất tích.
Bộ trưởng Tài chính Nepal Ram Sharan Mahat nhận định số người thiệt mạng trong trận động đất tại Nepal sẽ còn tăng cao khi các nhân viên cứu hộ tiếp cận được những ngôi làng hẻo lánh, nơi toàn bộ các ngôi nhà đã bị phá huỷ trong khi tiếp tục xảy ra dư chấn.
|
Người dân ở tạm trong những lều bạt sau trận động đất kinh hoàng tại Kathmandu. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Theo báo cáo đánh giá sơ bộ của giới chức trách về khảo cổ học của Nepal, khoảng 60 ngôi đền trên khắp quốc gia thuộc vùng Himalaya này bị tàn phá bởi trận động đất kinh hoàng. Báo cáo của Cục Khảo cổ học thuộc Bộ Văn hóa, Du lịch và hàng không dân dụng Nepal đưa ra ngày 3-5 cho biết, hơn 200 di tích bị hư hỏng một phần. Giới chức trách Nepal đang nỗ lực để thu thập những tàn tích còn sót lại, trong đó bao gồm nhiều vật thể có giá trị tại những khu vực di tích.
Tiến trình thu thập và bảo tồn cũng đang được triển khai tại những địa điểm như quảng trường Basantapur Durbar, quảng trường Bhaktapur Durbar và quảng trường Patan Durbar vốn đều là Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Cư dân địa phương và các tình nguyện viên tích cực hỗ trợ lực lượng quân đội và cảnh sát Nepal tìm kiếm các dầm gỗ, thanh chống, tượng, các vật thể quý bằng bạc và đồng tại các địa điểm lịch sử nơi bị rung chuyển bởi động đất.
Liên quan tới công tác cứu trợ các nạn nhân trong trận động đất tại Nepal, ngày 3-5, lực lượng cứu hộ đã giải cứu thêm 3 người khỏi đống đổ nát ở Sindhupalchowk phía Đông Bắc thủ đô Kathmandu. Trước đó 1 ngày, một cụ ông 101 tuổi được phát hiện vẫn sống sót sau 7 ngày bị vùi dưới đống đổ nát.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Nepal Laxmi Prasad Dhakal nhấn mạnh mặc dù công tác cứu hộ vẫn đang được tiến hành, song trọng tâm đã chuyển sang việc cứu trợ. Trước đó, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hiệp quốc phụ trách vấn đề nhân đạo và viện trợ khẩn cấp Valerie Amos đã bày tỏ "vô cùng quan ngại" khi giới chức hải quan Nepal chậm chạp trong việc phân phát viện trợ cho các nạn nhân của trận động đất kinh hoàng này. Bà lo ngại các khoản viện trợ nước ngoài đổ vào Nepal đang bị dồn ứ lại do thủ tục rườm ra, đồng thời đề nghị Thủ tướng Nepal Sushil Koirala nhanh chóng dỡ bỏ các thủ tục hải quan đối với những mặt hàng viện trợ.
Cùng ngày, theo yêu cầu của Nepal, 160 nhân viên cảnh sát được vũ trang cùng 56 phương tiện máy móc của Trung Quốc đã rời Khu tự trị Tây Tạng (Tibet) để sang Nepal hỗ trợ công tác cứu hộ. Nhiệm vụ đầu tiên của lực lượng này là khai thông lại con đường biên giới nối Zham và thủ đô Kathmandu.
Trong một diễn biến khác, theo AP, bất chấp những nhu cầu lớn của hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi trận động đất, Nepal ngày 3-5 đã buộc phải đóng cửa sân bay quốc tế duy nhất dành cho các máy bay cỡ lớn chở hàng viện trợ và nhân viên cứu trợ do đường băng duy nhất của sân bay này không thể tải được lưu lượng lớn máy bay loại này. Tuy nhiên, các máy bay cỡ vừa và nhỏ sẽ vẫn được phép hạ cánh. Đây mới chỉ là khó khăn mới phát sinh đối với những nỗ lực của toàn cầu trong việc trợ giúp những người bị ảnh hưởng do động đất ở Nepal.
Birendra Shrestha, người quản lý của Sân bay quốc tế Tribhuwan ở ngoại ô thủ đô Kathmandu, cho biết các máy bay lớn hơn bị cấm vì đường băng của sân bay này đang bị hỏng. Đường băng này được thiết kế xây dựng chỉ để tiếp nhận các máy bay cỡ vừa và nhỏ chứ không phải dành cho những máy bay vận tải hay quân sự cỡ lớn.
Tuần trước, liên tiếp xuất hiện những máy bay cỡ lớn chở hàng hóa và nhân viên cứu trợ cũng như nhiều phóng viên tới Nepal song sân bay nhỏ bé này chỉ có diện tích cho 9 máy bay và có duy nhất một đường băng. Trước đó đã có báo cáo về những vết nứt trên đường băng cùng những vấn đề khác tại sân bay quốc tế duy nhất này ở Nepal.
|
Lực lượng cứu hộ và người dân Nepal làm việc tại khu vực đền cổ Mahadev Mandir ở quảng trường Durbar bị phá hủy sau trận động đất. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Cuộc sống cũng dần trở lại bình thường tại thủ đô Kathmandu, Nepal sau 8 ngày xảy ra trận động đất kinh hoàng hôm 25-4. Tại Quảng trường Durbar, nơi có đông các cửa hàng bán đồ cổ và quần áo, một số đã bắt đầu mở cửa trở lại, trong khi các máy ủi vẫn đang thu dọn đống đổ nát của trận động đất làm hơn 7.000 người chết và hơn 14.000 người khác bị thương. Ông Sunil Shreshtha, chủ một cửa hàng bán quần áo cho biết, nếu cứ tiếp tục đóng cửa, cuộc sống sẽ chỉ trở nên khó khăn hơn mà thôi. Ông Sunil Shreshtha cho biết: “Tôi mở lại cửa hàng bắt đầu từ hôm nay. Cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Tất cả mọi người đều rất sợ hãi, nhiều cơn dư chấn vẫn xảy ra. Nhưng cuộc sống vẫn cần phải tiếp tục, không có gì phải sợ hãi cả”.
Đối với người dân Nepal, các cửa hàng bắt đầu mở cửa trở lại cũng đồng nghĩa với việc cuộc sống của họ trở nên nhẹ nhõm hơn. Ông Kumar Dubey, một người dân ở thủ đô Kathmandu nói: “Các cửa hàng đã đóng cửa nhiều ngày và hôm nay một số đã mở cửa trở lại. Tôi tới đây để mua sắm những nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình”.
Rất nhiều người dân Nepal đã ngủ ngoài đường kể từ sau trận động đất do lo ngại các cơn dư chấn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Lều tạm đã được dựng lên ở sân vận động chính và sân gôn ở thủ đô Kathmandu. Theo Liên hiệp quốc, 600.000 ngôi nhà đã bị phá hủy hoặc hư hại sau trận động đất. Liên hiệp quốc cũng cho biết, 8 triệu trên tổng số 28 triệu người dân Nepal chịu ảnh hưởng của trận động đất, trong đó ít nhất 2 triệu người đang cần lều bạt, nước uống, thực phẩm và thuốc men để vượt qua 3 tháng tới.
H.T (Tổng hợp từ TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc