Multimedia Đọc Báo in

Làn sóng biểu tình từ Baltimore lan rộng khắp nước Mỹ

09:13, 02/05/2015
Biểu tình diễn ra rầm rộ ở các thành phố khác của New York, ở Washington, ở Nhà Trắng. Riêng ở Baltimore, 3.000 cảnh sát và vệ binh được huy động.
 
Ngay trước giờ giới nghiêm hôm 29-4 theo giờ địa phương, đám đông người dân tại Baltimore nước Mỹ tiếp tục đổ xuống đường biểu tình đòi công lý cho cái chết của một thanh niên da màu 25 tuổi và yêu cầu cải tổ quy trình làm việc của cảnh sát. Không chỉ vậy, làn sóng biểu tình có xu hướng lan rộng ra nhiều thành phố lớn trên toàn nước Mỹ thu hút hàng nghìn người tham gia. 
 
Những người biểu tình bạo động phá hủy xe cảnh sát ở Baltimore. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Những người biểu tình bạo động phá hủy xe cảnh sát ở Baltimore. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các cuộc biểu tình phản đối của người dân sau cái chết của một nam thanh niên da màu 25 tuổi trong lúc bị cảnh sát giam giữ tại thành phố Baltimore bước sang ngày thứ 3 liên tiếp. Ngay trước khi lệnh giới nghiêm bắt đầu vào lúc 10 giờ đêm, hàng nghìn người dân Baltimore tiếp tục đổ xuống đường đòi công lý và cải tổ cách hành xử của bộ máy cảnh sát tại thành phố này. Trong khi đó, hàng nghìn người dân tại các thành phố lớn khác như NewYork, thủ đô Washington cũng xuống đường biểu tình trước tòa thị chính và Nhà Trắng. Theo các thông tin ban đầu, mặt dù hầu hết đều là biểu tình hòa bình nhưng đã có hơn 60 người tại New York và hàng chục người tại các thành phố khác bị cảnh sát bắt giữ. Khoảng 3.000 cảnh sát và vệ binh quốc gia đã được triển khai tại Baltimore nhằm duy trì trật tự và thực thi lệnh giới nghiêm.

Nhiều người tham gia biểu tình cho rằng phản đối hòa bình là một cách để thể hiện một Baltimore hoàn toàn khác. Kathleen Byrd, một người dân Baltimore trong đoàn biểu tình cho biết: “Tôi thực sự tin rằng, có một Baltimore hoàn toàn khác so với Baltimore bạo lực đang được mô tả trên báo chí và các phương tiện truyền thông. Tôi muốn thể hiện rằng, những người biểu tình phần lớn là hòa bình và còn có rất nhiều người tốt ở Baltimore và họ thực sự chỉ muốn cảnh sát phải chịu trách nhiệm”.
 
Đây được xem là đợt biểu tình biến thành bạo động mới nhất liên quan đến người da màu sau các vụ biểu tình tại thành phố Ferguson hồi cuối năm ngoái. Tính đến nay đã có ít nhất 15 tòa nhà, 144 phương tiện bị đốt cháy, 20 cảnh sát bị thương và khoảng 250 người bị bắt giữ. Mặc dù mức độ thiệt hại và nghiêm trọng chưa quá lớn, nhưng xu hướng lan rộng của làn sóng biểu tình xuất phát từ Baltimore khiến nguy cơ bùng phát bạo lực có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Đích thân Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch cũng khẳng định đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng bang Maryland phải thực hiện mọi giải pháp để giảm bớt căng thẳng tại Baltimore. Bà Lynch nói: “Tôi đã điện thoại trực tiếp với các quan chức tại bang Maryland, trong đó có cả thống đốc. Tôi cũng đã chỉ thị trực tiếp cho Bộ Tư pháp cung cấp mọi sự hỗ trợ có thế giúp ích cho việc khôi phục trật tự và giải quyết bất ổn đang bùng phát tại thành phố này”.
 
Vụ bạo động Baltimore hiện nay và gần đây nhất là Ferguson cho thấy nước Mỹ một lần nữa phải đối mặt với việc tìm kiếm một giải pháp tháo gỡ phân biệt đối xử, không chỉ gây ra bạo lực, phá hoại, bất ổn mà còn cả sự mất tin tưởng trong các cộng đồng người da màu. Theo các chuyên gia xã hội học Mỹ, vấn đề hiện nay không phải là thảo luận về các nguy cơ mà người da màu tại Mỹ gây ra cho cảnh sát và xã hội mà phải là thay đổi cơ chế, luật pháp cũng như cách hành xử để không còn các cộng đồng thành phố nghèo nàn, thiếu động lực kinh tế, giáo dục mà Baltimore là ví dụ rõ nét nhất. 
 
Cảnh sát chống bạo động của Mỹ (ảnh: USAtoday)
Cảnh sát chống bạo động của Mỹ (ảnh: USAtoday)

Ngày 28-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng chỉ trích cả những người biểu tình gây bạo loạn và cách hành xử của cảnh sát thành phố Baltimore, thuộc bang Maryland mà ông cho là có tính chất phân biệt đối xử với người da đen.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã bày tỏ thất vọng với các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn hôm 27-4 tại Baltimore, nhưng cho rằng trong nhiều thập kỷ qua, nhiều vụ cho thấy các sĩ quan cảnh sát thường có những hành xử không thỏa đáng đối với các cá nhân, chủ yếu với người Mỹ gốc Phi. Vụ thanh niên da đen Freddie Gray (25 tuổi) bị thương nhưng không được điều trị kịp thời dẫn tới tử vong hôm 19-4 vừa qua khi đang trong nhà giam của cảnh sát Baltimore, là một bằng chứng mới về cách hành xử có tính phân biệt chủng tộc này.
 
Tuy nhiên, ông Obama cũng cho rằng việc tụ tập biểu tình, đốt phá, gây bạo loạn và hôi của sau cái chết của Freddie Gray là những hành động không thể chấp nhận và không mang lại hiệu quả. Hơn 1.500 lính Vệ binh Quốc gia và hàng trăm cảnh sát giao thông đã được huy động, triển khai tại các khu vực trọng yếu của thành phố nhằm ngăn chặn tái diễn các vụ bạo loạn.
 
H.T (tổng hợp từ TTXVN, VOV)
 

Ý kiến bạn đọc