Multimedia Đọc Báo in

Nghi phạm xả súng tại nhà thờ Charleston ở Mỹ nhận tội

10:14, 21/06/2015
Theo AFP, ngày 19-6, truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết Dylann Roof - nghi phạm 21 tuổi trong vụ xả súng sát hại 9 người tại nhà thờ của người da màu ở thành phố Charleston thuộc bang Nam Carolina - đã nhận tội.
 
Một quan chức thực thi pháp luật nói với kênh truyền hình CNN rằng Roof đã khai với các điều tra viên là y "muốn phát động một cuộc chiến tranh chủng tộc” khi xông vào nhà thờ trên trong đêm 17-6 và xả súng vào các tín đồ. Thống đốc bang Nam Carolina, bà Nikki Haley cho rằng Roof sẽ phải lĩnh án tử hình nếu bị buộc tội. 
 
Tên này bị bắt giữ ở Bắc Carolina hôm 18-6 và sẽ phải ra hầu tòa vào cuối ngày 19-6. 
Đối tượng Dylann Roof bị bắt giữ. (Nguồn: CNN)
Đối tượng Dylann Roof bị bắt giữ. (Nguồn: CNN)
Vụ xả súng xảy ra khoảng 8 giờ sáng 18-6 (theo giờ Việt Nam) tại nhà thờ cổ nổi tiếng của người da màu ở khu trung tâm hạt Charleston, bang Nam Carolina làm 9 người thiệt mạng và 1 người khác bị thương. 
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18-6 đã bày tỏ “đau buồn và giận dữ” trước vụ xả súng này. Theo Yahoo News, ông Obama cũng bày tỏ thất vọng với bầu không khí chính trị tại Mỹ khiến việc thắt chặt khả năng sở hữu súng của bất kỳ một người dân Mỹ nào trở thành một việc gần như không thể thực hiện được. “Tôi chưa có số liệu cụ thể, nhưng chúng ta đều biết rằng, một lần nữa, những người vô tội lại bị sát hại bởi những kẻ muốn hãm hại người khác và chúng không khó khăn gì để mua được súng”, ông Obama tuyên bố.
 
“Chúng tôi có đủ thẩm quyền để làm một việc gì đó. Tuy nhiên, bầu không khí chính trị tại Mỹ đã “đóng sầm cửa” cho những dự định đó. Mặc dù vậy, sẽ là sai lầm nếu chúng ta không nhận thức đầy đủ về vấn đề này cũng như thay đổi cách thức của chúng ta về vấn đề bạo lực do sử dụng súng”. “Bất kỳ ai đó tử vong trong một vụ thảm sát cũng đều là một thảm kịch. Bất kỳ một vụ xả súng nào khiến nhiều người thiệt mạng cũng là một thảm kịch. Điều khủng khiếp nhất trong vụ này chính là vụ thảm sát này xảy ra tại một nơi mà người ta đến để tìm sự khuây khỏa, bình yên và cầu nguyện”, ông Obama nói.
 
Đây đã là tuyên bố lần thứ 14 của Tổng thống Mỹ Obama liên quan đến các vụ xả súng diễn ra tại Mỹ. Trước đó, ông Obama từng tuyên bố ngày diễn ra vụ thảm sát tại một trường họ ở Newtown, Connecticut là “ngày tồi tệ nhất trong thời gian làm Tổng thống của tôi”  và điều đó cho thấy thất bại của các nhà lập pháp Mỹ trong việc thông qua một dự luật hạn chế người dân Mỹ sử dụng súng.
 
Trong một diễn biến khác, sau hàng loạt vụ bắn chết người vô tội, kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy niềm tin của người dân Mỹ vào lực lượng cảnh sát hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn hai thập kỷ qua. 
 
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng đẫm máu (ảnh: AP)
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng đẫm máu (ảnh: AP)

Theo kết quả thăm dò của tổ chức Gallup công bố ngày 19-6, trong số hơn 1.500 người Mỹ được phỏng vấn ngẫu nhiên qua điện thoại, ở thời điểm hiện tại chỉ có 52% bày tỏ niềm tin vào lực lượng cảnh sát. Đây là chỉ số lòng tin thấp nhất của người dân Mỹ vào lực lượng cảnh sát kể từ năm 1993, là năm diễn ra vụ xét xử các cảnh sát da trắng thành phố Los Angeles, bang California đánh đập dã man người lái xe taxi da đen Rodney King. Có một sự khác biệt lớn là trong khi có 57% người da trắng vẫn tin tưởng thì chỉ có 30% người da đen tin tưởng vào lực lượng cảnh sát.

Thăm dò cho biết niềm tin của người dân Mỹ vào lực lượng cảnh sát sụt giảm mạnh là do một loạt vụ hành xử mang tính phân biệt đối xử hoặc bắn giết người vô tội của lực lượng cảnh sát trong thời gian gần đây, trong đó có vụ cảnh sát da trắng cố tình bắn chết một thanh niên da đen không có vũ trang ở thành phố Ferguson, bang Missouri, dẫn tới làn sóng biểu tình phản đối tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ.
 
Tờ Washington Post mới đây cho biết tính đến thời điểm này của năm 2015, cảnh sát Mỹ trung bình mỗi ngày bắn chết hơn hai người. Trong năm tháng đầu năm 2015, trên toàn nước Mỹ đã có 385 người bị thiệt mạng do cảnh sát. Với tốc độ này, đến cuối năm 2015 sẽ có khoảng gần 1.000 người dân Mỹ có thể bị chết do cảnh sát.
 
H.T (Tổng hợp từ TTXVN, VOV)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.