Multimedia Đọc Báo in

Thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân Iran đã được ký kết

07:50, 16/07/2015
Cuối cùng thì Iran và 6 cường quốc lớn đã đạt được một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân sau hơn một thập kỷ đàm phán.
 
Các nhà ngoại giao Iran cho biết, các lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ được giảm bớt nhằm đổi lại các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của nước này. Cụ thể, thỏa thuận trên sẽ giới hạn hoạt động liên quan đến hạt nhân của Iran trong hơn một thập kỷ để đổi lại việc dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt nhằm vào xuất khẩu dầu của Iran – những lệnh trừng phạt này đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Iran. Một nhà ngoại giao giấu tên nói với Reuters: “Tất cả mọi công việc [đàm phán] vất vả đã được đền đáp. Đấng Allah ban phước cho tất cả mọi người”. Một quan chức Iran khác đã xác nhận thông tin về thỏa thuận vừa đạt được.
 
Một nguồn tin ngoại giao nói rằng, theo dự thảo thỏa thuận hạt nhân, được phác thảo dưới dạng sơ bộ vào ngày 2-4, các thanh sát viên Liên hiệp quốc sẽ được tiếp cận tất cả các địa điểm mà họ nghi ngờ có hoạt động ở Iran, kể cả các cơ sở quân sự. 
Toàn cảnh cuộc đàm phán. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh cuộc đàm phán. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Bản thỏa thuận đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa Tehran và các nước phương Tây. Phương Tây luôn nghi ngờ Iran sử dụng chương trình hạt nhân dân sự của mình để làm vỏ bọc phát triển vũ khí hạt nhân. Iran đã phủ nhận cáo buộc này.
 
Trong tuần qua, một trong các vấn đề gai góc nhất là việc Iran nhất quyết rằng nếu ký thỏa thuận thì phải dỡ bỏ ngay lập tức lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đối với Iran cũng như lệnh cấm đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran có từ năm 2006. Nga, nước có quan hệ mua bán vũ khí với Iran, đã công khai ủng hộ Tehran về vấn đề này. Các quốc gia phương Tây không muốn để Iran tự do mua bán vũ khí do lo sợ điều này sẽ giúp Iran tăng cường hỗ trợ quân sự cho các dân quân dòng Shiite ở Iraq, các chiến binh Houthi ở Yemen và Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria.
 
Các nhà ngoại giao phương Tây cho hay, theo thỏa thuận cuối cùng, Iran đã chấp nhận cơ chế “đổi hướng” mà theo đó, nếu Iran vi phạm thỏa thuận đã ký thì một số lệnh trừng phạt sẽ được khôi phục trong vòng 65 ngày. Ngoài ra, một lệnh cấm vận vũ khí của Liên hiệp quốc đối với Iran sẽ vẫn có hiệu lực trong 5 năm, còn lệnh  cấm mua công nghệ tên lửa sẽ được duy trì trong 8 năm.
 
Đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran là một thắng lợi lớn về chính sách cho cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Iran Hassan Rowhani. Cả hai vị tổng thống đều đối điện với sự hoài nghi từ những người theo đường lối cứng rắn ở nước mình sau nhiều thế kỷ thù địch giữa hai nước (Iran gọi Mỹ là con Quỷ lớn Satan, còn Mỹ gọi Iran là thành viên của trục ma quỷ).
 
Các cuộc đàm phán nước rút diễn ra ở Vienna trong gần 3 tuần qua, với các cuộc đàm phán kéo dài liên tục giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Mỹ muốn cải thiện quan hệ với Iran trong bối cảnh hai nước cùng đối mặt với kẻ thù chung là Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Đối với Iran, việc chấm dứt các lệnh trừng phạt hứa hẹn sẽ kéo theo sự bùng nổ kinh tế Iran nhờ dỡ bỏ các hạn chế như là cắt giảm đáng kể các xuất khẩu dầu của Iran.
 
Tuy nhiên thỏa thuận mới ký ngay lập tức đối mặt với thái độ thù địch từ đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông là Israel. Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely nhắn trên mạng Twitter thông điệp sau: “Thỏa thuận này là sự đầu hàng có tính lịch sử của phương Tây trước trục ma quỷ do Iran đứng đầu. Israel sẽ phản ứng bằng tất cả các phương tiện nhằm ngăn chặn việc phê chuẩn thỏa thuận đó”. 
Iran và nhóm P5+1 đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử (ảnh: AP)
Iran và nhóm P5+1 đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử (ảnh: AP)
Thỏa thuận nói trên vẫn phải đối diện với việc xem xét tại Quốc hội Mỹ, hiện đang do phe Cộng hòa kiểm soát. Phe này nghi ngờ về “khúc dạo đầu” của chính quyền Obama với một đất nước được coi là kẻ thù của Mỹ kể từ khi nổ ra Cách mạng Hồi giáo Iran vào năm 1979. Các đồng minh của Mỹ trong khu vực như là Saudi Arabia cũng lo ngại về một thỏa thuận có lợi cho Iran.
 
Theo Reuters, ngày 14-7, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) như một cơ hội đáng để nắm lấy, đồng thời cảnh báo với Quốc hội Mỹ rằng ông sẽ phủ quyết mọi đạo luật ngăn cản việc thực thi thành công thỏa thuận này. Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng cùng với Phó Tổng thống Joe Biden, Tổng thống Obama tuyên bố: "Mọi con đường dẫn tới vũ khí hạt nhân đều đã bị cắt đứt. Thỏa thuận này cho thấy thuật ngoại giao của Mỹ có thể mang lại sự thay đổi thực sự và ý nghĩa. Những bất đồng của chúng ta là có thực. Lịch sử khó khăn giữa những quốc gia này không thể bị phớt lờ. Nó có thể thay đổi. Thỏa thuận này tạo ra cơ hội để tiến tới một sự phát triển mới. Chúng ta nên nắm lấy cơ hội này". Cũng trong bài phát biểu này, ông Obama còn nhấn mạnh thỏa thuận này đạt được là dựa trên kết quả thẩm tra chứ không phải lòng tin, đồng thời cho biết thỏa thuận này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân ở Trung Đông.
 
Theo Reuters/AFP, ngày 14-7, các quan chức Mỹ cho biết Iran sẽ tiếp cận số tài sản bị đóng băng trị giá hơn 100 tỷ USD khi thỏa thuận hạt nhân giữa nước này và Nhóm P5+1 được thực thi. Điều này phụ thuộc vào thời điểm Tehran kiềm chế chương trình hạt nhân và được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận.
 
Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói rằng Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc dự kiến sẽ thông qua nghị quyết phê chuẩn thỏa thuận hạt nhân Iran trong vòng "vài ngày tới", đồng thời cho rằng thỏa thuận này có thể giúp bình thường hóa quan hệ của Tehran và quốc tế, thậm chí có thể giúp giải quyết một số cuộc khủng hoảng mà Tehran liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp.
 
Trong động thái liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: "Thế giới giờ đây có thể thở phào. Bất chấp những nỗ lực áp đặt các kịch bản bằng vũ lực, các nhà thương lượng đã kiên quyết lựa chọn sự bình ổn và hợp tác".  Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini đánh giá thỏa thuận "lịch sử" về hồ sơ hạt nhân của Iran vừa đạt được ngày 14-7 tại thủ đô Vienna (Áo) sẽ mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ quốc tế. Phát biểu trước báo giới sau khi kết thúc cuộc họp "cuối cùng" của các Ngoại trưởng Iran và Nhóm P5+1 tại Vienna, bà Mogherini chính thức tuyên bố Nhóm P5+1 và Iran đã đạt được thỏa thuận lịch sử nhằm đảm bảo Iran không chế tạo bom hạt nhân. Bà cho biết thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể mở ra một chương mới trong quan hệ quốc tế và khẳng định vai trò của ngoại giao, phối hợp và hợp tác có thể giúp vượt qua những căng thẳng và đối đầu kéo dài nhiều thập kỷ.
 
Từ Iran, Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố thỏa thuận vừa đạt được với Nhóm P5+1 sẽ mở ra “một chân trời mới” trong quan hệ giữa nước này với cộng đồng quốc tế, trong khi Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tin tưởng thỏa thuận sẽ mở ra "một chương mới của hy vọng" cho đất nước Hồi giáo này.  
Toàn cảnh phiên họp của các Ngoại trưởng P5+1 tại Vienna ngày 13-7. (Nguồn: THX/TTXVN)
Toàn cảnh phiên họp của các Ngoại trưởng P5+1 tại Vienna ngày 13-7. (Nguồn: THX/TTXVN)
Những ý kiến đánh giá cao đầu tiên của quốc tế về thỏa thuận chủ yếu tập trung vào khía cạnh kinh tế. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tin tưởng rằng thỏa thuận sẽ có "hiệu quả vững chắc" trong ít nhất 10 năm tới. Ông hy vọng các doanh nghiệp Pháp sẽ được dành chỗ đứng "xứng đáng" trên thị trường Iran. 
 
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga sẽ tham gia vào tất cả các giai đoạn triển khai thỏa thuận, cũng như sẵn sàng chuyển số urani làm giầu thấp của Iran sang lãnh thổ Nga, để đối lấy urani tự nhiên. Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildiz thì cho rằng thỏa thuận dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy hạn chế chương trình hạt nhân của Iran sẽ khai thông cho dòng đầu tư vào nhà nước Hồi giáo này. Cố vấn An ninh quốc gia đất nước láng giềng với Iran là Pakistan cũng hoan nghênh thỏa thuận trên và hy vọng nó sẽ “bật đèn xanh” cho dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Iran đến Pakistan vốn bị Washington áp lệnh cấm.
 
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa Iran và các cường quốc P5+1 sẽ bảo vệ hệ thống không phổ biến hạt nhân toàn cầu và là minh chứng cho thấy thế giới có thể giải quyết các vấn đề cấp bách thông qua đối thoại. Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã hoan nghênh thỏa thuận "lịch sử" nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran, cho rằng thỏa thuận này có thể mang lại hòa bình cho Trung Đông. Ông Ban Ki-moon ca ngợi "sự quyết tâm và cam kết" của các nhà đàm phán, cũng như "sự dũng cảm của các lãnh đạo" đã phê chuẩn thỏa thuận này. Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng chúc mừng Iran, đồng minh then chốt của Damascus, đạt được thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc. Ông đánh giá đây là "bước ngoặt lớn đối với lịch sử của Iran, khu vực và thế giới".
 
H.T (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
 
 

Ý kiến bạn đọc