Multimedia Đọc Báo in

EU nhất trí thắt chặt an ninh biên giới sau vụ khủng bố tại Pháp

21:05, 21/11/2015

Trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) ngày 20-11, các Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp Liên minh châu Âu (EU) cam kết đoàn kết với Pháp sau vụ khủng bố ở Paris. Các Bộ trưởng EU đồng thời nhất trí các biện pháp mới thắt chặt an ninh biên giới và kiểm soát súng.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết Liên minh châu Âu  sẽ thúc đẩy các đề xuất thay đổi quan trọng đối với quy định tự do đi lại trong khối Schengen. Theo đó, cho phép kiểm tra một cách có hệ thống và bắt buộc tại tất cả các cửa khẩu biên giới đối với tất cả những người qua lại cửa khẩu, kể cả đối với công dân châu Âu.  Ông Cazeneuve nhấn mạnh "đây là một thay đổi cốt yếu", đồng thời cho biết Ủy ban châu Âu (EC) nhất trí cuối năm nay đưa ra kế hoạch cải cách quy định đi lại tự do trong khối này.

Người di cư đợi xe buýt tại khu vực Sentilj, Đông Bắc Slovenia nhằm tiếp tục hành trình đi qua biên giới Slovenia-Áo. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người di cư đợi xe buýt tại khu vực Sentilj, Đông Bắc Slovenia nhằm tiếp tục hành trình đi qua biên giới Slovenia-Áo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các bộ trưởng nhất trí hiện tại tạm thời siết chặt kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới của khối Schengen. Các quan chức Liên minh châu Âu cho biết giờ đây những người qua lại các cửa khẩu này không chỉ phải trình hộ chiếu mà còn bị kiểm tra các thông tin cá nhân. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết: “Chúng tôi phải tổ chức cuộc họp này, châu Âu phải ra được một quyết định ngày hôm nay vì các nước đã phải mất quá nhiều thời gian vào những vấn đề cấp bách. Chúng tôi cho rằng, cần phải thắt chặt kiểm tra hộ chiếu tại cửa khẩu của khối Schengen”.

Trước thềm cuộc họp trên, Ủy ban châu Âu đã kêu gọi thành lập một cơ quan tình báo EU mở rộng sau vụ tấn công khủng bố ở Paris khiến 129 người thiệt mạng. Phát biểu trước báo giới tại Brussels, Ủy viên phụ trách vấn đề nhập cư của EU Dimitris Avramopoulos nói: "Cuộc họp (của các bộ trưởng nội vụ EU) đóng vai trò vô cùng quan trọng - sau vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo tôi đã đề nghị thành lập trung tâm chống khủng bố ở Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) và cuối cùng đã được thực hiện". Ông bày tỏ tin tưởng rằng "đã đến lúc tiến thêm một bước và đặt cơ sở cho việc thiết lập một cơ quan tình báo châu Âu".

Tuy nhiên, Đức đã lên tiếng phản đối kế hoạch trên, cho rằng điều này sẽ vi phạm chủ quyền của các quốc gia châu Âu, trong đó nhiều nước từ lâu đã thận trọng với việc chia sẻ thông tin tình báo. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho rằng không nên tập trung vào việc thành lập một cơ quan tình báo châu Âu mới mà nên chú trọng cải thiện việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan hiện hành.

Các nước châu Âu cũng đang triển khai các biện pháp siết chặt an ninh ở nước mình. Theo AFP, ngày 20-11, các nghị sỹ Nga đã kêu gọi siết chặt các biện pháp an ninh và tăng cường trừng phạt đối với các vụ tấn công khủng bố sau vụ rơi máy bay chở khách của Nga ở Ai Cập và loạt vụ tấn công khủng bố ở Paris.

Các nghị sỹ của cả hai viện trong Quốc hội Nga đã tổ chức phiên họp bất thường về vấn đề trên sau khi Moskva lần đầu trong tuần này cho biết nguyên nhân máy bay A321 của nước này gặp nạn ở bán đảo Sinai, làm 224 người thiệt mạng hồi tháng trước, là do bị đặt bom. Phiên họp bất thường này, trong đó có cả các lãnh đạo tôn giáo, được các nghị sỹ trung thành với điện Kremlin tổ chức ở Moskva như một động thái nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi ông tăng cường các cuộc không kích chống IS ở Syria bởi có tin xác nhận về vụ đánh bom máy bay A321.

Nữ Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko cho biết các nghị sỹ "đã đề nghị mở rộng quyền lực" cho các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật của Nga. Bà Matvienko cũng kêu gọi Nga cùng các "đối tác" của nước này thành lập một tòa án quốc tế để "trừng phạt nghiêm khắc các đối tượng khủng bố và tòng phạm của chúng", trong khi cho rằng "sự can thiệp thô bạo" của phương Tây đã gây ra tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông. Còn Chủ tịch Hạ viện Nga Sergei Naryshkin đã chỉ trích phương Tây vì duy trì lệnh trừng phạt chống Nga liên quan tới việc Moskva sáp nhập Crimea hồi tháng 3-2014 và việc nước này ủng hộ quân ly khai ở miền Đông Ukraine, đồng thời cho rằng phương Tây gượng gạo trong quan hệ hợp tác với quốc tế chống khủng bố.

Cảnh sát Bỉ tiến hành chiến dịch truy quét khủng bố tại Rue Delaunoy thuộc Brussels ngày 16-11. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cảnh sát Bỉ tiến hành chiến dịch truy quét khủng bố tại Rue Delaunoy thuộc Brussels ngày 16-11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước đó, hôm 19-11, Thủ tướng Bỉ Charles Michel tuyên bố trước Quốc hội sẽ cung cấp thêm 400 triệu euro để tăng cường an ninh và chống khủng bố với 19 biện pháp. Các biện pháp sẽ được thực hiện bao gồm xóa bỏ các thông điệp kêu gọi hận thù, tập trung nỗ lực và phương tiện theo dõi những cá nhân được xác định nguy hiểm, tăng cường các phương tiện an ninh cho cơ quan an ninh và hành động trên phương diện quốc tế.

Trong số các biện pháp được đưa ra, biện pháp quan trọng nhất liên quan đến các chiến binh trở về từ Syria. "Đối với những chiến binh Syria, chỗ của họ sẽ là nhà tù", Thủ tướng Charles Michel tuyên bố. Những biện pháp khác là áp đặt việc đeo vòng điện tử để theo dõi những đối tượng tình nghi tham gia thánh chiến. Ngoài ra, việc lục soát sẽ được áp dụng tại Bỉ 24/24 giờ. Chính phủ dự kiến sửa đổi Hiến pháp nhằm đưa thời gian tạm giam từ 24 giờ lên 72 giờ.

Thủ tướng Bỉ cũng bày tỏ mong muốn áp dụng dự án kiểm soát thông tin hành khách hàng không (PNR) mà không chờ đợi Nghị viện châu Âu (EP) thông qua. Kể từ nay, sim các điện thoại di động trả trước không có tên người đăng ký sử dụng sẽ bị cấm. Chính phủ liên bang hiện đang chuẩn bị một kế hoạch cho quận Molenbeek-Saint-Jean  với sự phối hợp với chính quyền vùng và địa phương nhằm đảm bảo an ninh tại đây.

Thủ tướng Bỉ cũng yêu cầu Quốc hội thiết lập một ủy ban đặc biệt chống khủng bố và nhắc lại đã tuyên bố với Tổng thống Pháp François Hollande Bỉ hỗ trợ tuyệt đối cho phía Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố.

H.T (Tổng hợp từ VOV, Vietnam+)
 


Ý kiến bạn đọc