Liên minh châu Âu tiến hành họp khẩn cấp về vấn đề người di cư
Đêm 9-11 theo giờ Việt Nam, Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành cuộc họp cấp bộ trưởng khẩn cấp tại Brussels (Bỉ) nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng di cư đang ngày càng trầm trọng ở châu lục này.
Một trong những kế hoạch được đề xuất là thiết lập các trung tâm phân loại bên ngoài biên giới EU nhằm chặn dòng người di cư ồ ạt hiện nay.
Phát biểu sau cuộc họp, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselbornho, chủ tọa cuộc họp tại Brussels, cho biết EU đang tính tới khả năng thiết lập các trung tâm tiếp nhận và phân loại ở các nước trung chuyển bên ngoài biên giới EU, trong đó có các nước Balkan, để xem xét đơn xin tị nạn của những người di cư. Ông Asselbornho nhấn mạnh rằng các trung tâm này sẽ không thay thế mà bổ sung cho các trung tâm có chức năng tương tự hiện đã được thiết lập ở một số quốc gia thành viên EU. Sau khi tiếp nhận và xem xét, các trung tâm này sẽ quyết định chấp nhận đơn xin tị nạn hay buộc người di cư phải hồi hương.
Người di cư tại khu vực biên giới Slovenia-Áo. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Cuộc họp khẩn cấp trên diễn ra trong bối cảnh 28 quốc gia EU cùng các quốc gia đối tác không thể thực hiện cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho người di cư về tài chính và nơi tạm trú, trong khi kế hoạch tái phân bổ người tị nạn tiếp tục vấp phải sự bất đồng giữa các nước thành viên. Các biện pháp được đề xuất trong cuộc họp khẩn cấp này chỉ có ý nghĩa tham khảo mà không có hiệu lực thi hành.
Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo EU sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh tại Malta vào ngày 12-11 tới bên lề hội nghị thượng đỉnh EU-châu Phi về vấn đề người di cư. Cho tới nay, các nước EU mới chỉ đóng góp khoảng 500 triệu euro trong tổng số 2,8 tỷ euro cam kết cho các tổ chức quốc tế và các quỹ hỗ trợ người tị nạn.
Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 9-11 nói rằng, tương lai của châu Âu sẽ phụ thuộc vào mức độ giải quyết của Đức với cuộc khủng hoảng tị nạn. Ông Donald Tusk đánh giá cao vai trò dẫn đầu của Đức tại châu Âu, đồng thời nhấn mạnh sự cấp bách trong việc thắt chặt biên giới châu Âu để đối phó với khủng hoảng nhập cư.
Trước đó, vào ngày 8-11, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble khẳng định nước này cần gửi thông điệp tới toàn thế giới rằng: "Đức đã chạm tới giới hạn trong việc hỗ trợ tiếp nhận dòng người di cư đổ xô về châu Âu”. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ giám sát chặt chẽ việc đoàn tụ gia đình đối với những người tị nạn Syria.
Đức hiện là “thỏi nam châm” có sức hút mạnh mẽ đối với dòng người trốn chạy khỏi nội chiến và bạo lực tại các quốc gia Trung Đông-Bắc Phi. Chỉ riêng trong năm nay, ước tính có khoảng 800.000 đến 1 triệu người tị nạn và di cư đổ về đầu tàu kinh tế châu Âu này - cao gấp 2 lần so với năm ngoái. Vì vậy, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình ARD, Bộ trưởng Schaeuble nhấn mạnh thông điệp: “Đức đã chuẩn bị kỹ lưỡng và nỗ lực hết sức trong việc trợ giúp người tị nạn” song khả năng của nước này “cũng có hạn”. Tốc độ và quy mô của dòng người di cư đang gây áp lực không nhỏ tới các cộng đồng địa phương tại đây và thậm chí châm ngòi cho sự rạn nứt trong liên đảng cầm quyền ở nước này xung quanh việc tìm cách thức tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.
Cuối tuần qua, sự chia rẽ trong liên đảng cầm quyền tại Đức tiếp tục xuất hiện sau khi Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere đề xuất sửa đổi quy chế đối với những người tị nạn Syria trong tương lai, không cho phép họ cùng các thành viên trong gia đình được đồng loạt đăng ký tị nạn. Cho dù đang được Chính phủ Đức đánh giá chi tiết và nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) nhưng đề xuất này đã được chính Bộ trưởng Maiziere rút lại ngay sau đó do vấp phải sự phản đối của đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Đây là động thái mới nhất sau khi ngày 5-11 vừa qua, lãnh đạo liên minh cầm quyền ở Đức gồm liên đảng Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo - CDU/CSU và đảng SPD đã thống nhất thực hiện các biện pháp để đẩy nhanh việc giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay.
Trong khi đó, Anh đã bắt đầu trục xuất những người di cư trái phép khỏi căn cứ quân sự Akrotiri của Anh tại Cyprus. Đại diện chính quyền Anh tại Cyprus cho biết những người di cư sẽ có một tuần để đưa ra lý do họ không thể bị trục xuất về quê hương.
Người di cư tới đảo Lesbos của Hy Lạp sau khi vượt biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2-11. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Gần 140 người di cư, phần lớn là người Palestine ở các trại tị nạn của Liban đã cập bến căn cứ Akrotiri hồi tháng 10 vừa qua, là những người đầu tiên đến được vùng lãnh thổ này của Anh kể từ khi bắt đầu xảy ra cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu.
Căn cứ Akrotiri của Lực lượng Không quân Anh cùng với căn cứ Dhekelia là vùng lãnh thổ hải ngoại có chủ quyền của Anh tại Cyprus. Hai khu vực này là nơi đồn trú của các máy bay chiến đấu mà Anh triển khai trong chiến dịch của liên minh quốc tế không kích các mục tiêu tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq.
Theo số liệu của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), từ đầu năm đến nay đã có 643.700 người di cư vượt Địa Trung Hải với hy vọng tìm kiếm cuộc sống tốt hơn ở châu Âu. 53% trong số đó đến từ Syria, quốc gia chìm trong cuộc nội chiến từ năm 2011, 16% đến từ Afghanistan, 6% từ Eritrea. Phần lớn trong số người di cư trên (hơn 500.000 người) đã cập bến các bờ biển của Hy Lạp, còn gần 140.000 người đã đến các bờ biển của Italy. EU đã thông qua kế hoạch phân bổ hạn ngạch bắt buộc 160.000 người tị nạn đối với các quốc gia thành viên trên cơ sở dân số và GDP của mỗi nước.
Anh liên tục từ chối tham gia hệ thống hạn ngạch phân bổ người di cư và tị nạn bắt buộc của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, Anh đã nhất trí đến năm 2020 sẽ tiếp nhận 20.000 người di cư là công dân Syria từ các trại tị nạn của Liên hiệp quốc ở các nước láng giềng với quốc gia Trung Đông này.
Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kalinak ngày 8-11 cho biết cảnh sát nước này đã bắt giữ khoảng 720 người di cư trái phép tại các đường biên giới của nước này kể từ mùa xuân 2015. Theo ông, đó là những người di cư vì lý do kinh tế và họ sẽ lần lượt bị trục xuất về nước.
H.T (Tổng hợp từ Vietnam+, VOV)
Ý kiến bạn đọc