Nga sẽ lập liên minh chống IS bất chấp căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ
THX và Reuters đưa tin, Đại sứ Nga tại Pháp Alexander Orlov ngày 25-11 cho rằng vẫn có khả năng thành lập một liên minh quốc tế chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bất chấp căng thẳng giữa Moskva và Ankara sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga.
Phát biểu trên Đài phát thanh Europe 1, ông Orlov nói: “Vẫn có khả năng thành lập một liên minh chống Daesh (tên tiếng Arập của IS) nhằm phối hợp các hoạt động tấn công và thành lập một ban tham mưu chung với Pháp, Mỹ và thậm chí kể cả Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ muốn... Chúng tôi sẽ đàm phán lại với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia láng giềng của chúng tôi”.
Máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga ở Syria (Nguồn: RT) |
Hôm 24-11, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga ở biên giới Syria và cho rằng máy bay này đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau đó, Moskva đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về những hậu quả nghiêm trọng do vụ này.
Theo RT, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã trưng ra những bằng chứng kèm theo những tuyên bố của cả 2 bên liên quan đến vụ tiêm kích cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24 của Nga ngày 24-11.
Trong khi Nga khẳng định máy bay của mình không xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và chính chiếc F-16 mới vi phạm không phận Syria thì Thổ Nhĩ Kỳ lại cáo buộc chiếc Su-24 đã xâm phạm không phận của mình trong vòng 17 giây. Theo thông tin chính thức mà phía Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp, chiếc F-16 của nước này đã bắn hạ “một máy bay” sau khi chiếc máy bay này xâm phạm không phận phía Nam nước này. Để củng cố tuyên bố của mình, nước này công bố một bản đồ mô tả về vụ việc này. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ còn lên tiếng tuyên bố họ đã lên tiếng cảnh báo cường kích của Nga về việc xâm phạm không phận tới 10 lần trong vòng 5 phút rồi mới cho phép tiêm kích F-16 phóng tên lửa không đối không để bắn hạ. Tuy nhiên, trong một văn bản đệ trình Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Ankara lại cho biết chiếc máy bay Su-24 đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ 17 giây trước khi bị tấn công.
Trong khi đó, theo thông tin mà Bộ Quốc phòng Nga công bố, chiếc Su-24 của Nga chưa hề bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và bị bắn hạ khi vẫn ở không phận Syria cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 4 km. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cũng đưa ra nhận định, nhiều khả năng, tiêm kích F-16 đã xâm phạm không phận Syria chỉ để bắn hạ máy bay Nga.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga làm đổ vỡ mối quan hệ láng giềng thân thiện lâu năm giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, thiệt hại này sẽ rất khó có thể bù đắp. "Hành động của nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ khi bắn rơi máy bay Nga đã dẫn đến ba hậu quả. Thứ nhất, căng thẳng nguy hiểm trong quan hệ giữa Nga và NATO, vốn không thể biện minh bởi bất cứ lợi ích nào, kể cả việc bảo vệ các biên giới quốc gia. Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ, bằng hành động của mình đã chứng tỏ, trên thực tế, sự bảo vệ các chiến binh của "Nhà nước Hồi giáo". Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên nếu tính đến những thông tin đã có về lợi ích tài chính trực tiếp của một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan đến việc cung cấp các sản phẩm dầu được sản xuất từ các nhà máy so ISIL sở hữu. Và thứ ba, làm suy yếu quan hệ láng giềng thân thiện từ lâu giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả trong lĩnh vực kinh tế và nhân đạo. Thiệt hại này sẽ rất khó bù đắp, hậu quả trực tiếp của nó có thể sẽ là việc từ chối hàng loạt những dự án chung quan trọng cũng như việc các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đánh mất vị thế của mình trên thị trường Nga" - Thủ tướng Medvedev tuyên bố.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết nước Nga không có kế hoạch tiến hành chiến tranh chống lại Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ việc không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu Su-24 của Nga.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố về vụ bắn hạ máy bay Nga. Ảnh AFP |
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Moskva sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Nga không có ý định gây chiến hoặc làm gia tăng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. Thái độ của nước Nga với người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, sau những gì vừa xảy ra Nga sẽ phải nghiêm túc đánh giá lại mối quan hệ với chính quyền Ankara. Ngoại trưởng Lavrov cho rằng hành động bắn rơi máy bay Nga của Thổ Nhĩ Kỳ có thể coi là “một hành động khiêu khích có quy hoạch” và dường như ẩn chứa bên trong là một toan tính chính trị.
Tuy nhiên, trong một động thái có thể xoa dịu căng thẳng, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, sau cuộc điện đàm trước đó cùng ngày, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã nhất trí sẽ gặp nhau ở Belgrade (Serbia) vào tuần tới.
Lo ngại tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu đi, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức… hối thúc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng duy trì đối thoại để tìm hiểu chính xác điều gì đã xảy ra và thực thi những biện pháp ngăn chặn bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào.
H.T (Tổng hợp từ VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc