Multimedia Đọc Báo in

Tổng thống Mỹ nêu 4 biện pháp tiêu diệt IS

09:12, 08/12/2015

Trong bài phát biểu rất được trông đợi vào ngày 6-12 (theo giờ địa phương) sau vụ xả súng đẫm máu tại California vừa qua, Tổng thống Obama đã đề cập tới những bước đi tiếp theo trong cuộc chiến chống IS, kêu gọi thắt chặt kiểm soát súng đạn và ngăn ngừa sự chia rẽ giữa các cộng đồng trong xã hội Mỹ.

Tổng thống Obama đã mô tả vụ thảm sát khiến 14 người thiệt mạng tại San Bernadino, Carlifornia vừa qua là một hành động khủng bố nhằm sát hại người vô tội. Ông Obama cho biết hiện chưa có bằng chứng cho thấy các thủ phạm vụ xả súng được chỉ đạo bởi một tổ chức khủng bố nước ngoài, hay là một phần trong âm mưu khủng bố trong nước.

Theo Tổng thống Mỹ, những diễn biến trong những năm gần đây cho thấy mối đe dọa khủng bố đã chuyển sang một giai đoạn mới. Thay vì những kế hoạch tấn công phức tạp và quy mô lớn như vụ 11-9, các phần tử khủng bố bắt đầu thực hiện những hành động bạo lực đơn giản hơn như xả súng mà điển hình là vụ việc tại Fort Hood năm 2009, Chattanooga đầu năm nay và gần đây nhất là San Bernadino.

Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu quan trọng vào tối 6-12. Ảnh RT
Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu quan trọng vào tối 6-12. Ảnh RT

Ông Obama cảnh báo, với sự trỗi dậy của IS tại Iraq và Syria cũng như sự phổ biến của internet, các nhóm khủng bố đang tìm cách đầu độc tư tưởng của những kẻ cực đoan, gián tiếp gây ra những vụ khủng bố tại Mỹ như vụ đánh bom tại Boston năm 2013 và vụ xả súng tại San Bernardino. “Mối đe dọa khủng bố là có thật nhưng chúng ta sẽ vượt qua. Chúng ta sẽ tiêu diệt IS cùng bất cứ tổ chức nào tìm cách làm tổn thương nước Mỹ”, ông Obama cam kết.

Về chiến lược chống IS tiếp theo, Tổng thống Obama khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục săn lùng những kẻ chủ mưu khủng bố tại bất kỳ quốc gia nào nếu cần thiết. Các cuộc không kích tại Iraq và Syria đã tiêu diệt nhiều thủ lĩnh IS, phá hủy vũ khí hạng nặng, xe chở dầu và cơ sở hạ tầng của tổ chức này. Thứ hai, Mỹ sẽ tiếp tục huấn luyện và cung cấp trang thiết bị cho lực lượng Iraq và Syria đang chiến đấu chống IS trên bộ với sự hỗ trợ của lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Thứ ba, Mỹ đang phối hợp với các nước bạn bè và đồng minh nhằm chặn đứng các âm mưu khủng bố, cắt đứt nguồn tài chính và ngăn chặn IS tuyển mộ thêm chiến binh. Mỹ cũng đang hợp tác với các nước Hồi giáo cũng như cộng đồng Hồi giáo tại Mỹ chống lại tư tưởng cực đoan và tàn bạo mà IS đang reo rắc. Thứ tư, Mỹ sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế xây dựng lộ trình ngừng bắn và tìm kiếm giải pháp chính trị đối với cuộc nội chiến tại Syria để có thể tập trung vào nỗ lực tiêu diệt IS.

Đối với an ninh trong nước, Tổng thống Obama cho biết ông đã yêu cầu Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Nội địa xem xét lại chương trình miễn thị thực để ngăn ngừa những phần tử như nữ sát thủ trong vụ xả súng tại San Bernadino có thể thâm nhập vào Mỹ. Để hạn chế vũ khí rơi vào tay các phần tử nguy hiểm, Tổng thống Obama kêu gọi Quốc hội Mỹ cấm tất cả những người nằm trong danh sách cấm bay được phép sở hữu súng, đồng thời siết chặt quy định mua vũ khí có khả năng sát thương cao như loại tiểu liên bán tự động được sử dụng trong vụ thảm sát tại San Bernadino. “Tôi biết hiện có một số người đang phản bác biện pháp kiểm soát súng đạn nhưng phải thừa nhận thực tế là dù cơ quan tình báo và thực thi luật pháp của chúng ta có hiệu quả đến đâu thì họ cũng không thể phát hiện được tất cả những kẻ sát nhân hàng loạt trong tương lai, dù đó là những cá nhân được IS truyền động lực hoặc những người có tư tưởng thù hận. Những gì chúng ta có thể làm và phải làm là khiến những kẻ này khó có điều kiện ra tay hơn nữa”, ông Obama tuyên bố.

Về khả năng đưa bộ binh vào Iraq và Syria, Tổng thống Obama khẳng định Mỹ sẽ không sa lầy vào một cuộc chiến trên bộ lâu dài và tốn kém tại đây mà thay vào đó sẽ tiếp tục sử dụng chiến lược không kích, triển khai các nhóm đặc nhiệm và phối hợp với lực lượng địa phương nhằm đạt được một thắng lợi bền vững mà không hao tổn xương máu của binh sỹ Mỹ.

Trước một số phản ứng tiêu cực đối với người Hồi giáo tại Mỹ, đặc biệt là sau khi có thông tin một trong hai tay súng gây ra vụ thảm sát tại San Bernadino từng bày tỏ sự ủng hộ đối với IS, Tổng thống Obama nêu rõ cần tránh coi cuộc chiến chống khủng bố hiện nay là cuộc chiến giữa Mỹ và Hồi giáo. “IS không phải là đại diện của Hồi giáo. Chúng là những kẻ sát nhân. Chúng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong hơn 1 tỷ người Hồi giáo trên khắp thế giới, trong đó có hàng triệu người Mỹ yêu nước theo đạo Hồi và chống lại tư tưởng thù hận. Hơn nữa, phần lớn các nạn nhân khủng bố trên thế giới là người Hồi giáo. Nếu muốn đánh bại chủ nghĩa khủng bố, chúng ta cần đưa cộng đồng Hồi giáo trở thành một trong những đồng minh mạnh mẽ nhất, thay vì đẩy họ ra ngoài bằng sự nghi ngờ và thù hận”, ông Obama nói. Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng cảnh báo tư tưởng cực đoan đang lan tỏa trong một số cộng đồng Hồi giáo và đây là vấn đề mà người Hồi giáo phải nhanh chóng giải quyết. Ông Obama cũng nhấn mạnh không chỉ người Hồi giáo có trách nhiệm loại bỏ tư tưởng cực đoan mà mỗi người Mỹ cũng phải có trách nhiệm loại bỏ sự phân biệt đối xử đối với người Hồi giáo.

Trước đó, vào ngày 5-12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố nước Mỹ sẽ không khiếp sợ và không nản lòng trước vụ tấn công đẫm máu tại San Bernardino, bang California, khiến hơn 30 người thương vong. Tổng thống Obama nhấn mạnh, trên cương vị tổng thống, ưu tiên hàng đầu của ông là an ninh và sự an toàn cho người dân Mỹ. Nhiệm vụ này sẽ đoàn kết toàn thể người dân Mỹ, đồng thời giới chức nước này sẽ làm mọi thứ trong quyền hạn để bảo vệ đất nước. Theo ông Obama, hoàn toàn có khả năng hai nghi phạm Tashfeen Malik và Syed Farook đã chịu ảnh hưởng tư tưởng cực đoan khi thực hiện hành động khủng bố trên. Ông cam kết sẽ điều tra đến cùng cách thức cũng như nguyên nhân vụ việc này.

Hiện tại, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra vụ việc trên theo hướng "một hành động khủng bố", song cho biết chưa có bằng chứng cho thấy hai nghi phạm thuộc một tổ chức cực đoan lớn hơn. Tổng thống Obama cũng cho rằng thảm kịch tại California một lần nữa buộc giới chức nước này trong quyền hạn của mình phải có hành động để bảo vệ người dân.

Ông nhấn mạnh đã đến lúc các nhà lập pháp phải xem xét lại quyền của công dân Mỹ được mua vũ khí và đạn dược gây chết người. Việc hai kẻ xả súng tại California sở hữu và sử dụng loại vũ khí tấn công có thiết kế quân sự là sự cảnh tỉnh về việc những phần tử xấu rất dễ sở hữu vũ khí. Kiểm soát súng đạn được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Tổng thống Obama kể từ sau vụ thảm sát tại một trường tiểu học ở bang Connecticut hồi năm 2012, khiến 26 người thiệt mạng, trong đó có 20 trẻ em. Tuy nhiên, những nỗ lực của nhà lãnh đạo Mỹ nhằm thúc đẩy dự luật kiểm tra lý lịch của người mua súng bị phe Cộng hòa cản trở và đã thất bại tại Quốc hội Mỹ.

Trước đó, trong thông điệp phát ngày 5-12 trên đài phát thanh trực tuyến al-Bayan của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhóm phiến quân này tuyên bố 2 đối tượng đi theo IS đã tiến hành vụ xả súng tại một buổi tiệc hôm 2-12 tại thành phố San Bernadino, bang California, làm 14 người thiệt mạng và 21 người bị thương. Đài phát thanh al-Bayan nêu rõ: "Cách đây vài ngày, hai người đi theo IS đã tấn công một trung tâm (xã hội) tại thành phố San Bernadino, bang California".

H.T (Tổng hợp theo VOV, Vietnam+)
 


Ý kiến bạn đọc