Biên giới quốc gia tái xuất hiện ở châu Âu
Các nước Bắc Âu như Thụy Điển và Đan Mạch đã thắt chặt kiểm tra giấy tờ tùy thân của hành khách để kiểm soát chặt biên giới trước làn sóng di cư.
Nhằm đối phó với làn sóng người di cư, ngày 4-1 Thụy Điển bắt đầu áp dụng biện pháp kiểm tra giấy tờ tùy thân đối với các hành khách tại cửa khẩu biên giới giữa nước này với Đan Mạch. Đây là lần đầu tiên sau gần 50 năm qua, Thụy Điển áp đặt trở lại biện pháp này. Các công ty vận tải sẽ bị phạt nếu họ chở hành khách vào Thụy Điển mà không có ảnh thẻ căn cước. Trong những ngày đầu năm mới này, ngoài các trạm kiểm soát của Thụy Điển nhằm gọi là “quản lý tốt hơn dòng người nhập cư”, một loạt các hàng rào ngăn người di cư đồng loạt được dựng lên tại các khu vực biên giới ở các nước châu Âu.
Theo hãng tin Reuters, biện pháp kiểm soát giấy tờ tùy thân của các hành khách đã khiến nhiều chuyến tàu và xe buýt băng qua khu vực cầu Oresund bị trì hoãn hơn 50 phút mới có thể tiếp tục các cuộc hành trình.
Cảnh sát biên giới Đan Mạch làm nhiệm vụ tại thị trấn Krusaa trên biên giới với Đức ngày 4-1. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Theo thông báo của Ủy ban Di cư Thụy Điển, trong năm 2015, Thụy Điển đã tiếp nhận hơn 160.000 người di cư, tăng gấp đôi so với con số của năm 2014. Điều này đặt ra một gánh nặng không nhỏ đối với các dịch vụ xã hội của nước này. Thực tế này buộc Chính phủ Thụy Điển phải thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới, đặc biệt đối với những người đi qua khu vực cầu Oresund bằng tàu hỏa và xe buýt.
Sau động thái của Thụy Điển, Đan Mạch cũng quyết định áp đặt kiểm soát giấy tờ tùy thân tạm thời tại khu vực biên giới giữa nước này với Đức. Theo AP, ngoài những điều kiện rõ ràng về nhân thân và chịu sự kiểm soát gắt gao, chính phủ Đan Mạch cũng đã tiến hành một loạt các biện pháp để làm nản lòng người di cư, trong đó có việc tịch thu nữ trang để trang trải chi phí của họ ở Đan Mạch. Theo chân Thụy Điển và Đan Mạch, Nauy cũng công bố 40 đề xuất nhằm thắt chặt các quy định xin tị nạn ở nước này.
Quy định đi lại không cần giấy tờ tùy thân tại khu vực Bắc Âu, cùng với mức sống cao và phúc lợi xã hội tốt từ lâu đã khiến khu vực này trở thành một thỏi nam châm thu hút người di cư tìm đến đây. Ước tính có hơn 1 triệu người di cư khỏi các cuộc xung đột và nghèo đói ở Trung Đông và nhiều khu vực khác trên thế giới đã đổ dồn về châu Âu xin tị nạn trong năm 2015. Đây chưa phải là con số cuối cùng, số người di cư sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2016.
Chính phủ bảo thủ mới ở Ba Lan ngày 3-1 cũng tuyên bố sẽ tôn trọng cam kết của chính phủ tiền nhiệm trong việc tiếp nhận khoảng 7.000 người tị nạn, nhưng sẽ tiến hành kiểm tra an ninh đối với những người tị nạn và sẽ chỉ tiếp nhận khi nhân thân của họ được xác định rõ ràng. Động thái của Thụy Điển và Ba Lan diễn ra theo sau sự siết chặt kiểm tra căn cước người nhập cư tại biên giới của Đức, Áo, Pháp, Bỉ và nhiều nước khác trong khu vực gồm 26 quốc gia này.
Một năm kiểm soát nạn nhập cư và khủng bố đã “giết chết” ý tưởng một châu Âu không biên giới, nơi người châu Âu có thể đi từ phía Nam Tây Ban Nha đến phía Bắc Na Uy mà không cần phải xuất trình hộ chiếu. Mặc dù những động thái siết chặt kiểm tra nhân thân tại khu vực biên giới được chính quyền các nước tuyên bố là tạm thời nhưng theo Mark Rhinard, chuyên gia về EU tại Viện Quan hệ quốc tế của Thụy Điển nhận định, chính sách này có thể được gia hạn nếu cuộc khủng hoảng di cư của châu Âu tiếp tục trong năm 2016.
Chính phủ Đức đã cảnh báo khối Schengen về miễn thị thực đi lại giữa 22 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và 4 quốc gia ngoài EU đang “lâm nguy”. Cảnh báo trên được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Martin Schaefer đưa ra sau khi Thụy Điển và Đan Mạch công bố các biện pháp kiểm soát biên giới mới nhằm ngăn chặn dòng người di cư. Ông Schaefer cho rằng “tự do đi lại là một nguyên tắc quan trọng” và là một trong những “thành tựu” lớn nhất của EU. Trước đó, Bộ Ngoại giao Đức cũng đã lên tiếng cho rằng quyết định này đang khiến nguyên tắc cơ bản của EU về tự do đi lại, mà hiện thân là khu vực miễn thị thực Schengen, đang đối mặt với nguy cơ bị hủy hoại.
Một trạm kiểm soát căn cước người nhập cư ở khu vực biên giới Thụy Điển. |
Cuộc khủng hoảng người di cư trở nên phức tạp một phần là do các nước châu Âu không nhất quán trong chính sách đối với người nhập cư. Các nước châu Âu đã chứng minh một quan điểm khác nhau về cách đối phó với 1 triệu người di cư vượt Địa Trung Hải vào năm 2015. Trong khi Đức sẵn sàng tiếp nhận người di cư nhằm dễ dàng tuyển chọn nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, thì các quốc gia khác như Italia, Hy Lạp và những nước vùng Balkan (như Serbia, Hungary, Croatia) lại không muốn hứng chịu gánh nặng này do lo ngại về an ninh và khó khăn kinh tế trong nước. Tuy nhiên, dòng người di cư muốn đến được các nước có nhu cầu tiếp nhận phải đi qua những nước phản đối chính sách nhập cư, song các nước được coi là “tuyến đầu” này kiên quyết đóng cửa biên giới, tạo ra cảnh hỗn loạn và bất ổn ngày càng gia tăng, thậm chí nhiều nơi đã xảy ra bạo lực. Dù đã nỗ lực hết sức, song EU vẫn chưa tìm ra giải pháp căn bản và tổng thể nào để giải quyết thách thức này.
Liệu sự trở lại tạm thời của các trạm kiểm soát biên giới có mang ý nghĩa xây dựng lại đường biên giới tinh thần giữa các công dân EU hay không thì cuộc khủng hoảng di cư đang trở thành một thách thức lớn để thống nhất châu Âu hơn là những rạn nứt vừa xuất hiện trong những năm gần đây liên quan đến đồng EUR, đồng tiền chung của khối.
Như Hà (Tổng hợp từ VOV, Vietnam+, SGGP)
Ý kiến bạn đọc