Căng thẳng leo thang trong quan hệ Iran – Saudi Arabia
Ngày 4-1, hãng thông tấn nhà nước WAM đưa tin, các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tuyên bố nước này sẽ hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran, đồng thời hạn chế số lượng nhà ngoại giao Iran tại vương quốc này.
WAM cho biết: "UAE đã quyết định hạ cấp đại diện ngoại giao tại nước Cộng hòa Hồi giáo Iran xuống mức Đại biện lâm thời và giảm số lượng nhà ngoại giao Iran tại vương quốc này".
Cùng ngày, Sudan cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Sudan có đoạn: "Phản ứng trước những vụ tấn công man rợ nhằm vào Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran và Lãnh sự quán nước này ở Mashhad... Chính phủ Sudan tuyên bố cắt đứt ngay lập tức quan hệ với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran". Sudan cũng quyết định trục xuất Đại sứ Iran tại Sudan và rút toàn bộ phái bộ ngoại giao Sudan tại Tehran về nước.
Trước đó, Saudi Arabia và Bahrain đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau khi người biểu tình Iran tấn công phái bộ ngoại giao của Saudi Arabia để phản đối vương quốc này xử tử giáo sỹ Hồi giáo dòng Shi'ite Nimr Al-Nimr. Ngoại trưởng Saudi Arabia, Adel al-Jubeir cho rằng, vụ tấn công vào đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran giống với chính sách của Iran là gây bất ổn khu vực bằng cách tạo nên “những phần tử khủng bố” ở Saudi Arabia.
Còn Thứ trưởng ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian cho rằng việc Saudi Arabia tuyên bố cắt quan hệ với nước này sẽ không giúp che đậy được “sai lầm lớn do tử hình giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr”. Tổng thống Iran Hassan Rouhani kêu gọi xét xử những cá nhân cực đoan đã tấn công Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran và lãnh sự quán nước này ở thành phố Đông Bắc Mashhad song ông cũng lên án việc Saudi Arabia xử tử giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr.
Cảnh sát chống bạo động Iran đụng độ với người biểu tình gần Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran ngày 3-1. Ảnh: EPA. |
Các nước trên thế giới đã lên tiếng kêu gọi Iran – Saudi Arabia hạ nhiệt căng thẳng.
Reuters đưa tin, ngày 4-1, Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng trong quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia, đồng thời kêu gọi 2 nước kiềm chế. Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nêu rõ: "Trung Quốc đang theo dõi sát sao sự tiến triển của tình hình (quan hệ Iran - Saudi Arabia), và lo ngại rằng xung đột khu vực sẽ leo thang do sự bất đồng giữa hai nước".
Trong khi đó, cùng ngày, Đức cũng kêu gọi Iran và Saudi Arabia đối thoại với nhau và sử dụng mọi biện pháp có thể để cải thiện quan hệ song phương sau khi Riyadh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran ngày 3-1. Tuy nhiên, Đức cũng cho biết nước này không có ý định áp đặt lệnh trừng phạt đối với Saudi Arabia sau khi Vương quốc này xử tử 47 phạm nhân hôm 2-1, trong đó có Giáo sỹ Hồi giáo dòng Shii'te Nimr al-Nimr.
Pháp cũng đã hối thúc Saudi Arabia và Iran hạ nhiệt căng thẳng sau khi Riyadh cắt đứt quan hệ với Tehran sau vụ xử tử trên.
Saudi Arabia tuyên bố cắt đứt quan hệ với Iran, còn Iran thì tuyên bố Saudi Arabia sẽ phải trả giá vì vụ xử tử giáo sỹ al-Nimr cùng hơn 40 chức sắc tôn giáo khác hồi cuối tuần qua, đưa mối quan hệ hai nước xuống thấp nhất trong lịch sử thiết lập quan hệ ngoại giao. Theo kênh CNN của Mỹ, giáo sĩ al-Nimr không phải là chức sắc tôn giáo hàng đầu của người Shiite ở Saudi Arabia nhưng ông lại là đại diện cho những nhà hoạt động tôn giáo trẻ dòng Shiite tại vương quốc này, những người muốn phá vỡ sự im lặng lâu nay của chức sắc tôn giáo cũ để đòi quyền bình đẳng với người Hồi giáo dòng Sunni. Saudi Arabia là một nước có đa số dân theo đạo Hồi dòng Sunni, tuân thủ trường phái Wahhabi nghiêm khắc và thủ cựu, trong đó coi dòng Shiite là “dị giáo”.
Đối với nhiều nhà phân tích, vụ xử tử giáo sỹ al-Nimr là một bước đi bất ngờ bởi giới chức Saudi Arabia vốn có thể giữ ông làm tù nhân chính trị cho các cuộc trao đổi với những bên đang vận động hành lang để thả nhà hoạt động này. Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế ở Trung Đông tại trường đại học Oxford, ông Toby Matthiesen còn chỉ ra rằng, vụ việc xảy ra vào lúc phong trào đấu tranh của người Shiite tại Saudi Arabia không ở cao trào. Nhưng vụ xử tử giáo sỹ al-Nimr giống như “giọt nước tràn ly” để Iran và Saudi Arabia mở rộng cuộc khẩu chiến sang những vấn đề gây đối đầu lâu nay giữa 2 nước. Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei ngày 3-1 đã bày tỏ thất vọng vì “những nước ủng hộ tự do và dân chủ” đã không lên tiếng sau vụ xử tử mà ông cho là vi phạm nhân quyền này; đồng thời cảnh báo, Saudi Arabia sẽ phải hứng chịu sự “báo thù thần thánh” vì đã giết hại giáo sỹ al-Nimr, người mà ông cho là “một học giả luôn cổ vũ những điều tốt đẹp và ngăn chặn những điều xấu xa”. Ông cũng chỉ trích Saudi Arabia có những hành vi vi phạm nhân quyền khác khi can thiệp quân sự ở Yemen và cho rằng, cộng đồng quốc tế không thể làm ngơ trước thực trạng trên. “Mặt khác, hãy nhìn vào Yemen, nơi mà cuộc sống của người dân bị Saudi Arabia xáo trộn suốt 10 tháng qua. Họ phá hủy nhà cửa, dội bom. Đây là một vấn đề quan trọng và không thể bị phớt lờ bởi những người vốn tin vào sự nhân văn, vào công lý và nhân quyền”.
Trong khi đó, Hãng thông tấn Reuters dẫn nguồn tin thân cận với chính phủ Saudi Arabia cho rằng, Iran “hết lần này đến lần khác chế nhạo phương Tây” khi tiếp tục tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố và phóng tên lửa đạn đạo mà không bị ai lên tiếng. Nguồn tin này cũng cho biết, chính quyền Saudi Arabia không chỉ thất vọng về Iran mà còn với chính đồng minh Mỹ vì đã không phản ứng trước những diễn biến mà Riyadh cho là “sự can thiệp của Tehran vào khu vực”.
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh Mỹ và 5 cường quốc khác đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran hồi tháng 7 năm ngoái, một động thái khiến giới chức vùng Vịnh Arab lo ngại Washington có thể bỏ mặc những lợi ích của họ để đổi lấy thỏa thuận kia. Theo quan chức giấu tên của Saudi Arabia, Washington đang lùi bước trước Iran trong khi Riyadh “đang nỗ lực làm điều gì đó tại Syria, Iran và Yemen”. Ông nêu rõ, quan điểm của Saudi Arabia và Mỹ không khác nhau và 2 nước rõ ràng còn phải hợp tác trong nhiều vấn đề nhưng Riyadh không còn sự lựa chọn nào khác là phải bảo vệ lợi ích của mình khi cần thiết, cụ thể là khi đối đầu với Iran trong khu vực.
Hải Hà (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc