Cuộc hòa đàm về Syria chính thức được nối lại tại Geneva
Ngày 14-3, các cuộc hòa đàm Syria do Liên hiệp quốc bảo trợ đã chính thức được nối lại tại Geneva (Thụy Sĩ) trong bối cảnh cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này đã bước sang năm thứ 5. Dự kiến, các cuộc đàm phán sẽ kéo dài trong vòng 2 tuần.
Phát biểu với các phóng viên, Đặc phái viên Liên hiệp quốc về Syria Staffan de Mistura nhấn mạnh việc nối lại các cuộc đàm phán này là một sự kiện quan trọng và rằng nếu đàm phán thất bại “kế hoạch B sẽ chỉ có thể là chiến tranh”.
Toàn cảnh cuộc đàm phán. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Theo Reuters, trong ngày 14-3, Chính phủ Syria đã trao một văn bản có tựa đề "Các yếu cố cơ bản cho một giải pháp chính trị" cho ông Staffan de Mistura. Phát biểu với báo giới, trưởng đoàn đàm phán của Syria Bashar Ja'afari khẳng định ông đã có một cuộc đàm phán tích cực và xây dựng với Đặc phái viên Mistura. Về phần mình, phát biểu sau cuộc gặp với phái đoàn Chính phủ Syria, ông Mistura cho biết đã có một số sáng kiến được đưa ra tại cuộc hòa đàm về Syria. Ông cho biết cuộc gặp ngày 14-3 là cuộc gặp đầu tiên và sẽ có thêm một cuộc gặp nữa với phái đoàn của Chính phủ Syria vào ngày 16-3 tới, với trọng tâm xoay quanh các vấn đề then chốt.
Hồi đầu tháng 2 vừa qua, phe đối lập Syria đã rút khỏi vòng đàm phán đầu tiên với lý do tình trạng bạo lực tiếp tục leo thang và không triển khai được hoạt động viện trợ nhân đạo. Theo quan chức Liên hiệp quốc, lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ hôm 27-2 vừa qua đã được thực thi tương đối nghiêm túc và nhờ đó, các hoạt động cứu trợ nhân đạo đã được triển khai.
Cuộc đàm phán lần này được nối lại nhờ những nỗ lực to lớn của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, bầu không khí trước thềm cuộc đàm phán không khỏi khiến dư luận lo ngại vì những khác biệt cơ bản nhất giữa các bên vẫn còn đó.
Chướng ngại vật lớn nhất đối với đàm phán hòa bình Syria có lẽ vẫn là bất đồng về tương lai của Tổng thống al-Assad. Phát biểu trước báo giới hôm 13-3, ngay khi đặt chân đến Geneva, Người phát ngôn Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC - phe đối lập) Salim al-Muslat bày tỏ mong muốn rằng Tổng thống Assad sẽ không đóng vai trò gì trong chính phủ chuyến tiếp. Ông hy vọng các bên sẽ sớm đạt được một giải pháp chấm dứt đổ máu ở Syria. “Chúng tôi đến đây là để tìm một giải pháp chính trị thông qua đàm phán, không phải chiến đấu. Chúng tôi muốn chấm dứt những gì mà người dân Syria đã phải chịu đựng suốt 5 năm qua.”
Giới phân tích cho rằng, chuỗi thất bại trên chiến trường hiện nay đặt phe đối lập vào tâm thế muốn khẩn trương đạt được lợi ích trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, Trưởng đoàn đàm phán hòa bình chính phủ Syria, Đại sứ Syria tại Liên hiệp quốc Bashar Jaafari hôm 13-3 đã bác bỏ yêu cầu của phe đối lập về việc thúc đẩy đàm phán nhanh cho một lộ trình chuyển giao chính trị. Ông cho rằng, tiến trình này nên diễn ra một cách từ từ và không có điều kiện tiên quyết nào. Theo ông, vòng hòa đàm chỉ nên xoay quanh các vấn đề chuẩn bị. Đại sứ Syria Giaphari nhấn mạnh: “Không có cái gì gọi là giai đoạn chuyển giao cả. Có những từ ngữ mà chúng ta cần phải cẩn trọng. Cuộc thảo luận về vấn đề đó sẽ đến vào lúc thích hợp.”
Chính phủ Syria cũng không đồng ý với chương trình nghị sự do Đặc phái viên Liên hiệp quốc về Syria Staffan de Mistura đưa ra, trong đó dự kiến thảo luận việc tiến hành bầu cử tổng thống và quốc hội ở nước này trong vòng 18 tháng tới. Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Syria Walid Al-Moallem tái khẳng định rằng, mọi nỗ lực đàm phán về tương lai của Tổng thống là không thể chấp nhận được. “Đây là lời khuyên tôi dành cho họ. Nếu họ vẫn muốn giữ ý tưởng rằng ông Bashar Al-Assad phải từ chứng thì họ nên quên ngay cuộc hòa đàm này đi. Chúng tôi sẽ không đàm phán về tương lai của Tổng thống với bất cứ ai. Đây là giới hạn đỏ của chúng tôi và quyết định đó phải thuộc quyền của người dân Syria”, Ngoại trưởng Syria nói.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, việc chính phủ Syria không chấp nhận đề xuất của Liên hiệp quốc cho thấy họ muốn hủy hoại tiến trình hòa đàm ngay từ giai đoạn đầu. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho rằng, những tuyên bố của Ngoại trưởng Syria là một tín hiệu xấu, đi ngược lại tinh thần của lệnh ngừng bắn hồi cuối tháng 2 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hòa đàm lần này. Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh: “Chúng ta cần sự đoàn kết của tất cả các bên, bao gồm Mỹ, nga, Liên minh châu Âu (EU) và các nước có liên quan ở khu vực để tăng cường áp lực nhằm tạo ra tiến bộ rõ rệt và viêc thực thi một cách chân thành cuộc hòa đàm này”.
Vòng đàm phán bàn về tương lai Tổng thống Syria Assad. (ảnh: AFP) |
Các nhà phân tích chỉ ra rằng, ngoài bất đồng lớn nhất là tương lai của Tổng thống Assad, các bên còn nhiều vấn đề có thể làm chậm tiến trình tìm kiếm một giải pháp chấm dứt cuộc xung đột này.
Trước hết đó là tranh cãi về thành phần của phe đối lập Syria. Trong khi Chính phủ Syria cho rằng, phe đối lập không nên chỉ là một nhóm duy nhất thì Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) tự tuyên bố họ là đại diện duy nhất cho phe đối lập Syria. Nga lại cho rằng hòa đàm Syria cần có sự tham gia của đại diện người Kurd, một trong những lực lượng chủ chốt trên bộ chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở cả Syria và Iraq.
Thứ hai, những nỗ lực tìm một giải pháp chính trị cho Syria luôn bị “gây nhiễu” bởi sự can thiệp bằng vũ lực từ bên ngoài, cụ thể là Nga, Mỹ và gần đây là lời đe dọa sẽ đưa quân đến Syria của Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay trước thềm hòa đàm lần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov còn tuyên bố có bằng chứng rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã hiện diện ở Syria. Nhà phân tích chính trị Syria Muhammad Al-Omori cho rằng: “Chúng ta có thể chúng kiến hạt giống đầu tiên của lộ trình chính trị nhưng điều này không có nghĩa là đạt được giải pháp cho cuộc khủng hoảng này vì con đường phía trước còn rất dài. Bất cứ bên nào đưa ra một chương trình nghị sự đi tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng mà không có sự chấp thuận của chính phủ Syria thì đó mới là bên không muốn một giải pháp”.
Hà Dương (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc