Hồ sơ Panama tiếp tục gây rúng động nhiều nước
“Hồ sơ Panama” vẫn là tâm điểm chú ý trên thế giới khi hé lộ những vụ trốn thuế quy mô toàn cầu, tiếp tục tấn công nhiều lãnh đạo cấp cao thế giới và gây rúng động chính trường nhiều nước. Nhiều quốc gia đã đưa ra những sáng kiến nhằm tăng cường biện pháp chống nạn trốn thuế và rửa tiền.
Bộ Tài chính Đức hôm 10-4 cho biết sẽ trình lên Quốc hội kế hoạch hành động 10 điểm nhằm ngăn chặn các hành vi trốn thuế, rửa tiền sau vụ “Hồ sơ Panama". Kế hoạch của Bộ trưởng tài chính Wolfgang Schauble sẽ giúp ngăn chặn việc che giấu tài sản và tiền của tại các thiên đường thuế.
Với sáng kiến mới này, chính phủ Đức mong muốn tất cả các nước sẽ tiêu chuẩn hoá việc nhập dữ kiện; cùng nối mạng, chia sẻ danh sách của mình để giới chức ngành thuế có thể truy cập khi cần. Ông Schauble đề xuất thực hiện một cơ chế trao đổi thông tin tự động để có thể tìm ra những người trốn thuế. Ông cũng ủng hộ việc minh bạch hoàn toàn thay vì cách cấm các “công ty ma” hoạt động và tăng chế tài trừng phạt nặng những đối tượng có hành vi trốn thuế.
Thủ tướng Vương quốc Anh David Cameron vừa thông báo thành lập một đội đặc trách mới để xử lý vụ Hồ sơ Panama khi sức ép trong nước đang tăng lên về vấn đề liên quan đến việc sở hữu tài sản của ông ở nước ngoài.
Đội đặc trách sẽ do cơ quan thuế HMRC và Cơ quan Phòng chống Tội phạm quốc gia Anh chỉ đạo, sẽ tiến hành điều tra các thông tin rò rỉ để xác minh danh tính các khách hàng của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama, những người đang bị tình nghi liên quan tới hoạt động rửa tiền và trốn thuế. Đội đặc trách sẽ có ngân sách hoạt động 10 triệu bảng Anh (14 triệu USD).
Trước sức ép của dư luận, Thủ tướng Cameron ngày 10-4 đã chính thức công khai về việc đóng thuế của cá nhân ông. Đây là lần đầu tiên một vị Thủ tướng nước Anh công khai các thông tin như vậy cho công chúng.
Thông tin từ Thủ tướng Cameron cho thấy ông và vợ là bà Samantha có được lợi nhuận 19.000 bảng Anh khi bán cổ phần của họ trong quỹ Blairmore Holdings năm 2010. Ông Cameron cũng thừa nhận đã thừa kế 300.000 bảng khi cha ông qua đời năm 2010. Sau đó, ông được mẹ trả hai lần 100.000 bảng vào tháng 5 và tháng 7 năm 2011 để cân bằng tài sản thừa kế giữa ông Cameron và các anh em ruột.
Thủ tướng Cameron nói ông công bố thông tin để "hoàn toàn cởi mở và minh bạch" vấn đề tài chính của bản thân. Ông Cameron công bố thông tin này sau khi thừa nhận lẽ ra ông có thể xử lý tốt hơn các tranh cãi về vấn đề tài chính của mình.
Việc công bố thông tin trên diễn ra chỉ một tuần sau khi dư luận Anh nghi ngờ Thủ tướng Cameron có sở hữu và bán các cổ phần trong một quỹ đầu tư sinh lợi từ nước ngoài do cha quá cố của ông là Ian Cameron sở hữu hay không.
Tuy nhiên, phe đối lập và người dân Anh cho rằng điều đó là chưa đủ mà Thủ tướng Cameron cần phải trả lời trước Quốc hội về các tài khoản "mờ ám" của gia đình ông ở nước ngoài.
Chủ tịch đảng đối lập Jeremy Corbyn kêu gọi Quốc hội Anh cần phải nghiêm túc xem xét vụ việc này: “Chúng tôi muốn có được những tài liệu liên quan đến Hồ sơ Panama để biết những gì thực sự đang diễn ra. Chúng tôi cần phải biết lý do tại sao Thủ tướng Cameron phải đưa tiền ra nước ngoài. Đây là những câu hỏi mà Thủ tướng Cameron phải trả lời trước Quốc hội. Đó là một vấn đề lớn cần được làm sáng tỏ”.
Kể từ khi phát nổ, quả bom truyền thông “Hồ sơ Panama” tiếp tục khiến nhiều tên tuổi lớn bị ảnh hưởng nặng nề.
Hôm 10-4, tại Malta, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại quảng trường lớn ở thủ đô Valletta yêu cầu Thủ tướng nước này Joseph Muscat từ chức sau khi có thông tin hai quan chức trong chính phủ của ông có các tài khoản giấu tên ở nước ngoài và rằng ông cũng có liên quan. Hiện ông Muscat chưa đưa ra phản ứng chính thức nào, song cho biết sẽ khẩn trương điều tra vụ việc.
Còn tại Pakistan, mặc dù Thủ tướng Nawaz Sharif đã bác bỏ tất cả các cáo buộc tham nhũng liên quan đến “Hồ sơ Panama” song phe đối lập chính của nước này tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc biểu tình yêu cầu Thủ tướng Sharif phải từ chức vì các con trai của ông có dính líu đến vụ bê bối đang gây rúng động chính trường nhiều nước.
Trong số 12 nguyên thủ có tên trong Hồ sơ Panama, Tổng thống Ukraine Poroshenko, Tổng thống Argentina Mauricio Macrri cũng đang phải chịu những sức ép khủng khiếp từ truyền thông và người dân. Thậm chí, các đảng đối lập Argentina tuyên bố sẽ sử dụng bê bối này làm “vũ khí” cho các cuộc bầu cử quốc hội tại quốc gia Nam Mỹ này.
Hiện chưa rõ danh sách trong Hồ sơ Pamama bị rò rỉ còn nối dài đến đâu và tác động như thế nào với hệ thống tài chính thế giới trong thời gian tới, khi mà giới báo chí khẳng định họ mới chỉ khai thác được 8% trong nguồn dữ liệu tiếp cận được của tập đoàn Mossack Fonseca.
Hà Dương (Theo VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc