Nhật Bản lo ngại Trung Quốc quân sự hóa biển Hoa Đông
Một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản ngày 8-8 cho biết Tokyo đang xúc tiến các cuộc thảo luận cấp cao với Bắc Kinh liên quan tới việc tàu Trung Quốc tiếp tục đi vào lãnh hải Nhật Bản quanh quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông.
Theo nguồn tin trên, Tokyo đang xem xét sắp xếp cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Fumio Kishida với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong vài ngày tới để thảo luận vấn đề trên.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng mong muốn tổ chức một cuộc gặp giữa Thủ tướng Shinzo Abe với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi hai nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến diễn ra Hàng Châu trong tháng 9 tới.
Hãng tin Kyodo cho biết Tokyo muốn thảo luận vấn đề này ở cấp cao nhất sau khi những công hàm phản đối mới đây của Bộ Ngoại giao Nhật Bản dường như đã không có tác dụng trong việc giải quyết tình hình.
Một tàu hải cảnh của Trung Quốc. (Nguồn: AFP) |
Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết chỉ trong ngày 8-8, đã có 15 tàu của Trung Quốc đi vào lãnh hải Nhật Bản và vùng tiếp giáp ngay bên ngoài vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó một ngày, cũng có 13 tàu của Trung Quốc đi vào vùng tiếp giáp và một số tàu đi vào lãnh hải Nhật Bản. Trong khi đó, ngày 7-8 có tới 230 tàu cá cùng 7 tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đã xuất hiện tại khu vực tiếp giáp xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Theo JCG, trong số tàu hải cảnh trên có một số tàu được trang bị súng.
Sau khi xảy ra các vụ việc trên, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama đã 3 lần trao công hàm phản đối cho Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa, song Trung Quốc vẫn giữ quan điểm cứng rắn, cho rằng phía Nhật Bản phải chịu trách nhiệm về tình trạng gia tăng căng thẳng.
Hôm 6-8, Thủ tướng Abe đã yêu cầu các cơ quan chức năng nước này hành động kiên quyết và kiềm chế phù hợp với luật pháp quốc tế và trong nước, cũng như hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các nước khác. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada khẳng định "Tokyo sẽ cảnh giác cao độ, giám sát và thu thập thông tin, trong khi duy trì hành động kiềm chế, nhằm kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận của nước này, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư".
Nhật Bản cũng lo ngại Trung Quốc quân sự hóa Biển Hoa Đông. Theo thông tin từ một quan chức Chính phủ Nhật Bản, một trong số 16 trạm cấu trúc có liên quan tới trạm khai thác dầu khí được Trung Quốc xây dựng tại Biển Hoa Đông gần khu vực tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản đã được lắp đặt radar trên mặt nước và hệ thống camera giám sát.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã kháng nghị lên Chính phủ Trung Quốc khi nước này coi đây là hành vi có khả năng quân sự hóa khu vực này trong tương lai. Cũng theo Bộ Ngoại giao Nhật, loại radar là loại thông thường không lắp đặt cho việc khai thác dầu khí, còn camera có tia ngoại tuyến có khả năng chụp được cả vào ban đêm. Hình ảnh này cũng đã được Bộ Quốc phòng Nhật Bản đăng trên trang web. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa để phản đối và yêu cầu ngừng ngay hành động đơn phương này, đồng thời tái mở thương lượng chung Nhật-Trung để khai thác chung khu vực dầu mỏ tại Hoa Đông.
Khu vực quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc. (Ảnh AP) |
Nhật Bản và Trung Quốc từng thống nhất hợp tác khai thác dầu khí ở Hoa Đông năm 2008, nhưng sau đó nỗ lực này không thành khi căng thẳng gia tăng vào 2010 do tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku. Từ tháng 7 năm ngoái, Nhật Bản đã thu thập các hình ảnh về các cấu trúc, cho thấy Trung Quốc đơn phương khai thác các tài nguyên ở khu vực có tranh chấp. Tokyo cho rằng các cấu trúc của Bắc Kinh ở đây có mục đích chính được cho là khai thác dầu khí, đồng thời cũng có các chức năng quân sự.
Khu đặc quyền kinh tế tại khu vực Biển Hoa Đông khá rộng và chưa được hoạch định rõ ràng giữa hai nước Nhật-Trung. Do vậy, chính phủ hai nước đã ký vào một thỏa thuận khai thác chung một phần khu vực dầu mỏ tại đây vào tháng 6-2008, nhưng bị ngừng vào tháng 7-2010. Mặc dù Nhật Bản ra sức phản đối Trung Quốc hoạt động khai thác dầu khí đơn phương tại Hoa Đông, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục khai thác cho đến nay.
Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc