Multimedia Đọc Báo in

Loạt vụ tấn công ở Pháp, Đức: Hệ lụy từ "văn hóa thù hận"

16:55, 27/07/2016

Ngày 26-7, tại một nhà thờ ở thành phố Rouen, miền Bắc nước Pháp đã xảy ra vụ bắt cóc con tin.

Theo nguồn tin cảnh sát, vào khoảng 10 giờ sáng 26-7 (giờ địa phương) hai kẻ tấn công đã đột nhập từ phía sau một nhà thờ ở phố Saint Etienne-du Rouvray và mang theo dao để bắt cóc con tin vào thời điểm đang diễn ra buổi cầu nguyện. Hãng tin AFP cho biết, các con tin bị bắt cóc bao gồm một linh mục, một số nữ tu và tín đồ. Cảnh sát cho biết vị linh mục đã bị 2 kẻ tấn công sát hại, trong khi một người bị bắt cóc khác bị thương đang trong tình trạng nguy kịch.

Ngay sau khi nhận thông tin về vụ bắt cóc con tin, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đã lên đường tới hiện trường. Thủ tướng Pháp Manuel Valls ngày 26-7 đã bày tỏ sự kinh hoàng trước cái mà ông gọi là “một vụ tấn công man rợ ở nhà thờ”. Trên trang mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Pháp viết: “Toàn thể nước Pháp và cộng đồng Công giáo đã bị tổn thương. Chúng ta sẽ đoàn kết”.

iện trường vụ bắt cóc con tin ngày 26-7 tại Pháp. (Nguồn: BFMTV)
Hiện trường vụ bắt cóc con tin ngày 26-7 tại Pháp. (Nguồn: BFMTV)

Hoảng loạn và lo sợ đang bao trùm châu Âu khi chỉ trong vòng 10 ngày liên tiếp xảy ra loạt vụ tấn công gây thương vong lớn tại Pháp và Đức. Vụ tấn công nói trên xảy ra trong bối cảnh Pháp vẫn đang trong tình trạng cảnh giác cao độ gần 2 tuần sau vụ một công dân Pháp gốc Tunisia Mohamed Lahouaiej Bouhlel lái xe tải đâm vào đám đông đang chào đón kỷ niệm Ngày Quốc khánh Pháp ở thành phố Nice, miền Nam nước Pháp, khiến 84 người thiệt mạng và hơn 300 người khác bị thương. Đặc biệt, nếu vụ khủng bố tại Nice khiến dư luận bàng hoàng trước một hình thức giết người man rợ kiểu mới, thì 4 vụ tấn công ở Đức càng gây hoang mang cực độ bởi quốc gia này vốn bảo đảm an ninh khá tốt.

Châu Âu dường như đang trở nên dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết khi phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào bởi những đối tượng ít ai ngờ tới. Không những thế, việc thủ phạm của tất cả các vụ việc trên đều là người gốc nhập cư hoặc xin tị nạn đang làm cho vấn đề người di cư ở châu Âu thêm nặng nề.

Trên thực tế, châu Âu đã không còn được coi là mảnh đất bình yên từ năm ngoái sau loạt vụ khủng bố tại Pháp, mà đỉnh điểm là vụ tấn công đẫm máu vào “kinh đô ánh sáng” Paris tháng 11-2015 cướp đi sinh mạng của 130 người. Loạt vụ đánh bom liều chết tại các địa điểm đông người ở “trái tim” châu Âu, thủ đô Brussells của Bỉ hồi tháng 3 vừa qua, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cấp thiết về an ninh cùng những nguy cơ từ các phần tử cực đoan được các tổ chức khủng bố kiểu “Nhà nước Hồi giáo tự xưng” (IS) huấn luyện thành các tay súng thánh chiến.

Tuy nhiên, loạt vụ việc mới xảy ra ở Pháp và Đức lại làm dấy lên mối lo ngại về những hình thức tấn công kiểu mới khó đối phó và khó ngăn chặn hơn. Vụ khủng bố ở Pháp và 4 vụ tấn công ở Đức vừa qua rõ ràng là không giống nhau về phương thức hành động, từ lái xe tải hạng nặng điên cuồng lao vào dòng người đi bộ cán chết hàng chục người trong giây lát, xả súng bắn vào bất cứ ai xuất hiện, đánh bom, dùng rìu chém hành khách trên tàu hay đâm bằng dao, hình thức gây tội ác giờ đây có vẻ đa dạng và ngày càng khó lường. Điểm đáng lưu ý là thủ phạm các vụ tấn công đều là người gốc nhập cư hoặc đang xin tị nạn. Điều này một lần nữa thổi bùng những tranh cãi gay gắt về vấn đề vốn đã gây chia rẽ lâu nay trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt ở Đức, nơi Thủ tướng Angiela Merken đi đầu trong chủ trương “mở cửa” tiếp nhận người nhập cư.

Thủ phạm vụ xả súng ở Đức là một thanh niên gốc Iran, nhưng sinh ra và đang học ở Munich, cho thấy quá trình hòa nhập và ổn định cuộc sống của cộng đồng người nhập cư vào xã hội phương Tây không hề đơn giản. Con số 35% người thất nghiệp tại Đức có nguồn gốc nhập cư đã đủ nói lên thực tế này.

Thất nghiệp, nghèo đói, ít có cơ hội tiếp cận những điều kiện giáo dục chất lượng cùng với sự kỳ thị của một bộ phận không nhỏ người bản xứ đối với người nhập cư phải chăng là một trong những nguyên nhân khiến những thanh niên gốc nhập cư dễ trở nên chán nản, mặc cảm, tự thu mình, lâm vào trầm cảm, bế tắc. Trong một loạt vụ tấn công, thủ phạm đều được xác định là có vấn đề về tâm lý, từng phải điều trị tâm thần.

Trong khi đó, tại một số nước châu Âu như Pháp hay Bỉ, những lo ngại về an ninh đang khiến cộng đồng người Hồi giáo và nhập cư bị xa lánh, điều đó khiến những thanh niên trẻ trở nên cực đoan hơn, dễ dàng bị tiêm nhiễm những tư tưởng hận thù và bạo lực, dễ có những hành động quá khích. Ngay tại Đức, riêng trong quý 1-2016 đã ghi nhận 69.000 vụ phạm tội do người nhập cư gây ra, trong đó phải kể tới hàng loạt vụ phụ nữ bị người nhập cư quấy rối và tấn công tình dục ở thành phố Cologne vào đêm Giao thừa gây chấn động cả nước Đức.

Khi những mâu thuẫn giữa người dân bản xứ và người nhập cư không thể xoa dịu, tâm lý bài ngoại và kỳ thị người Hồi giáo ở châu Âu gia tăng, đó là lúc các tổ chức khủng bố như IS dễ dàng lôi kéo những đối tượng bất mãn hay có tư tưởng cực đoan vào hàng ngũ của chúng. Điều tra cho thấy thủ phạm vụ khủng bố ở Pháp hay xả súng ở Đức đã bị tiêm nhiễm tư tưởng hận thù trong một thời gian rất ngắn.

Cảnh sát có vũ trang của Đức xuất hiện tại hiện trường vụ xả súng ở Munich. (Nguồn: Washington Post)
Cảnh sát có vũ trang của Đức xuất hiện tại hiện trường vụ xả súng ở Munich. (Nguồn: Washington Post)

Các vụ tấn công vừa qua được xác định chỉ do một đối tượng đơn lẻ thực hiện mà vẫn có thể gây thương vong rất lớn. Điều đó khiến người ta nghĩ tới hình thức tấn công kiểu “con sói đơn độc”. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ bởi những hành động âm thầm một mình không có đồng phạm thường khó bị phát hiện. Khi an ninh được thắt chặt, hình thức đánh bom liều chết với sự tham gia của nhiều đối tượng có thể không phải là biện pháp được lựa chọn, thay vào đó là những cách thức đơn giản, ít phải đầu tư chuẩn bị nhưng hậu quả vẫn hết sức thảm khốc.

Điều đáng nói là các vụ tấn công gần đây ở Pháp xảy ra khi nước này vẫn đang thực thi các biện pháp tăng cường an ninh ở mức cao nhất và áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc để đối phó với nguy cơ khủng bố. Tuy nhiên, rõ ràng cách thức mà thủ phạm thực hiện chưa hề được tính tới trong các “kịch bản” đề phòng của lực lượng an ninh. Việc các thủ phạm có thể dễ dàng hành động càng chứng tỏ tính chất nguy hiểm của dạng “con sói đơn độc”. Chủ tịch Liên hiệp Cảnh sát Đức, ông Rainer Wendt từng cảnh báo ngay cả lực lượng an ninh hùng hậu cũng khó có thể ngăn chặn những vụ việc kiểu này bởi nó nhỏ lẻ, mơ hồ và hầu như không thể dự đoán trước. Lực lượng an ninh cũng hầu như ở thế bị động trước những “con sói” kiểu này.

Có vẻ các vụ bạo lực ở châu Âu phần nào được tích tụ từ những “trái bom nổ chậm” của tình trạng bất ổn và mâu thuẫn âm ỉ trong xã hội. Châu Âu lại đứng trước thách thức mới về an ninh, trong khi cuộc khủng hoảng người di cư vẫn chưa có lối thoát.

Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)
 


Ý kiến bạn đọc