Multimedia Đọc Báo in

Thổ Nhĩ Kỳ "dằn dỗi" với NATO

08:34, 12/08/2016

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10-8 tuyên bố sẽ rời khỏi NATO nếu không nhận được hỗ trợ nhiều hơn từ tổ chức này. Đây là rạn nứt thấy rõ nhất giữa NATO và Thổ Nhĩ Kỳ từ sau cuộc đảo chính quân sự thất bại hồi tháng trước tại Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đang ấm lên, nhất là sau chuyến thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cho biết, việc Thổ Nhĩ Kỳ tái lập quan hệ ngoại giao với Nga không phải là một thông điệp dành cho phương Tây. Tuy nhiên, ông Cavusoglu nói rằng, phương Tây có khả năng sẽ "mất" Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ cố tình đẩy nước này đến gần Nga, Trung Quốc hay các nước Hồi giáo. “Nếu phương Tây để mất Thổ Nhĩ Kỳ sẽ do lỗi của họ, chứ không phải là do quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, Trung Quốc hay các nước Hồi giáo khác tốt lên. Liên minh châu Âu đã mắc phải sai lầm tại Ukraine. Nhưng thật không may, Liên minh châu Âu hiện nay vẫn mắc phải một số sai lầm nghiêm trọng. Họ đã thất bại trong cuộc thử nghiệm sau âm mưu đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Cavusoglu nói.

Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đang
Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đang "ấm" dần. (Ảnh: Reuters)

Bình luận của ông Cavusoglu phản ánh một sự thất vọng sâu sắc của Thổ Nhĩ Kỳ vì cho rằng châu Âu và Mỹ  đã không hỗ trợ đủ cho Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ đảo chính bất thành ngày 15-7, khi một nhóm binh sĩ và chỉ huy tiến hành lật đổ Chính phủ nhưng nhanh chóng thất bại.

Tuy nhiên, NATO đã phủ nhận thông tin này và tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đối tác thân thiết của Liên minh. Ngày 10-8, NATO đã ra tuyên bố khẳng định tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nhấn mạnh "lập trường rất rõ ràng" của liên minh quân sự này là tiếp tục ủng hộ chính quyền Ankara sau cuộc đảo chính bất thành ở nước này hồi trung tuần tháng 7 vừa qua.

Người phát ngôn của NATO Oana Lungescu nhấn mạnh "không có gì nghi vấn đối với tư cách thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ". NATO hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục đóng góp cho liên minh và Ankara có thể tin tưởng vào sự đoàn kết và ủng hộ của NATO.

Người phát ngôn NATO nhấn mạnh rằng, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã gọi điện ngay cho Tổng thống Erdogan sau đêm binh biến đồng thời lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính này.

Trên thực tế, kể từ khi xuất hiện những dấu hiệu rạn nứt với Thổ Nhĩ Kỳ, NATO đã liên tục đưa ra những khẳng định về mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt khi Tổng thống Erdogan lên tiếng cáo buộc phương Tây, trong đó có Liên minh châu Âu đứng sau vụ đảo chính.

Thổ Nhĩ Kỳ vốn được xem 1 nước thành viên chủ chốt trong NATO vì quốc gia này nằm ở biên giới giữa châu Âu và châu Á và đóng vai trò trung gian chính giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ có tiềm lực quân sự lớn thứ hai trong NATO và là một đồng minh quan trọng trong bối cảnh phương Tây đang phải đối mặt với biến động và xung đột chưa từng thấy ở Trung Đông. Tuy nhiên, trong thời gian qua, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu, trong đó có nhiều nước là thành viên chủ chốt của NATO gặp phải nhiều sóng gió. Tổng thống Erdogan chỉ trích Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã không làm gì nhiều để thể hiện sự ủng hộ đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi tháng trước.

Người phát ngôn của NATO Oana Lungescu. (Ảnh: AFP)
Người phát ngôn của NATO Oana Lungescu. (Ảnh: AFP)

Trước đó, Liên minh châu Âu đã lên án những hành động trấn áp của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ khi sa thải hoặc bắt giữ hàng chục nghìn người làm việc trong các ngành quân đội, cảnh sát, tư pháp, giáo dục... vì tình nghi có liên quan đến cuộc đảo chính.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cho dù mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cải thiện thì đó chỉ là cách để Thổ Nhĩ Kỳ gây áp lực lên Mỹ  và Liên minh châu Âu, cũng như khuấy động căng thẳng trong liên minh quân sự NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên. Qua đó Thổ Nhĩ Kỳ muốn cố gắng để cho các đồng minh của họ ở NATO tôn trọng quốc gia này, còn về cơ bản, chính sách đối ngoại của họ không thay đổi.

Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)


 


Ý kiến bạn đọc