Multimedia Đọc Báo in

Bầu cử Mỹ 2016: Các ứng cử viên khởi động cuộc đua vào "ghế nóng"

09:14, 07/09/2016

Ngày 5-9, tại bang Ohio (Mỹ), hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump đã chính thức khởi động cuộc đua chính kéo dài 2 tháng vào "ghế nóng" tại Nhà Trắng.

Phát biểu trước những người ủng hộ tại thành phố Cleveland, bà Clinton, ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ, khẳng định bà đã sẵn sàng cho cuộc đối đầu căng thẳng sắp tới với đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump. Bà nhấn mạnh sẽ không chủ quan và đánh giá thấp tình hình.

Trong khi đó, tuyên bố với các phóng viên đi cùng trong chuyến bay tới bang Ohio, tỷ phú Trump cam kết ông sẽ tham dự cả 3 cuộc tranh luận trực tiếp với bà Clinton trong chiến dịch vận động sắp tới.

Tháng trước, ứng cử viên này từng phát biểu rằng ông không chắc sẽ tham gia cả 3 cuộc tranh luận trực tiếp với đối thủ. Ngoài ra, ông Trump cũng chỉ trích bà Clinton "không có kế hoạch nào" cho vấn đề người di cư. Đáp lại, cựu Ngoại trưởng Mỹ lên án việc ông Trump tranh cãi với Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto về vấn đề xây bức tường tại biên giới hai nước trong chuyến thăm mới đây của ông trùm bất động sản tới quốc gia này. Bà Clinton cho rằng ông Trump "không thể không gây hấn ngay cả với một quốc gia láng giềng thân thiện".

Donald Trump (trái) và Hillary Clinton đã sẵn sàng cho cuộc đua nước rút vào Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
Donald Trump (trái) và Hillary Clinton đã sẵn sàng cho cuộc đua nước rút vào Nhà Trắng. Ảnh: Reuters

Trong cuộc trao đổi kéo dài 22 phút với phóng viên, bà Clinton đã trả lời nhiều vấn đề từ căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ cho tới các cáo buộc về hoạt động do thám mạng của chính phủ.

Trong giai đoạn nước rút này còn có nhiều nhân vật quan trọng trong đảng Dân chủ “trợ lực” cho bà Clinton như Tổng thống Barack Obama, Phó Tổng thống Joe Biden và cựu đối thủ của bà, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Đây là những người có thể vận động những cử tri trẻ và những người có khuynh hướng cấp tiến ủng hộ nhằm tăng cơ hội đắc cử cho bà Clinton. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders khẳng định: “Đến phút cuối cùng, điều chúng ta nói không phải là tính cách cá nhân của ai mà là việc ứng viên nào sẽ là đại diện tốt hơn cho những gì người Mỹ cần. Không nghi ngờ gì về việc trong tâm trí mọi người, bà Clinton có phải là ứng viên nổi trội hơn hay không bởi vì bà ấy thực sự đáng khâm phục”.

Các thăm dò dư luận nhiều tuần qua đều cho thấy bà Clinton thường xuyên dẫn trước ông Trump. Theo AP, bà Clinton chỉ còn thiếu một phiếu là đạt được 270 phiếu đại cử tri để trở thành Tổng thống. Điều này có nghĩa là dù thất bại ở 2 tiểu bang quan trọng nhất là Ohio và Florida thì bà Clinton vẫn trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ. Mặc dù vậy, bà Clinton nhấn mạnh sẽ không chủ quan và không đánh giá thấp tình hình.

Trong khi đó, ông Trump gần như “đơn thương độc mã” dù bên cạnh còn có ứng viên Phó Tổng thống Mike Pence, Thống đốc bang New Jersey Chris Christie và cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani. Ngay cả các ứng cử viên Thượng nghị sĩ cùng đảng Cộng hòa ở những bang sẽ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt như Illinois, Indiana, Wisconsin và Pennsylvania đều giữ khoảng cách với ông Trump. Tuy nhiên, đội ngũ tranh cử của ông Trump tin rằng họ vẫn có cơ hội thuyết phục một số cử tri không ủng hộ bà Clinton. Một diễn biến có lợi cho ông Trump là cuối tuần qua, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vừa công bố bản tóm tắt cuộc phỏng vấn bà Clinton về việc sử dụng hệ thống thư điện tử riêng trong thời gian làm Ngoại trưởng. Đội ngũ tranh cử của ông Trump có thể xoáy vào điểm yếu này của bà Clinton để thuyết phục cử tri rằng, không thể tin tưởng vào những phán quyết của bà. Bà còn bị “soi xét” vì hoạt động nhận tài trợ của quỹ từ thiện gia đình Clinton khi còn làm việc cho chính quyền Tổng thống Obama. Đặc biệt, sau nhiều nỗ lực cải tổ bộ máy tranh cử và lấy lòng cử tri, tỷ lệ ủng hộ ông Trump bất ngờ được cải thiện. Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất của Reuters/Ipsos, 40% cử tri được khảo sát ý kiến nói họ sẽ bỏ phiếu cho Trump, trong khi chỉ 39% nói sẽ chọn bà Clinton. Như vậy, sau nhiều tuần cán cân chênh lệch về phía bà Clinton, cuộc đua Tổng thống Mỹ gần như trở lại thế cân bằng vào giai đoạn nước rút.

Điều này có thể là nhờ việc ông Trump đã thể hiện quan điểm mềm mỏng hơn trong vấn đề người nhập cư. Tuy nhiên, đội ngũ tranh cử của ông Trump thừa nhận rằng tỷ phú này cần nỗ lực hơn nữa mới vượt qua sự nghi ngại của cử tri đối với ông.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong chiến dịch tranh cử tại bang Arizona ngày 31/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong chiến dịch tranh cử tại bang Arizona ngày 31-8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo kế hoạch, cuộc tranh luận đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 26-9 tại Trường Đại học Hofstra ở New York, cuộc tranh luận thứ hai được tổ chức vào ngày 9-10 tại St Louis, tiểu bang Missouri và cuộc tranh luận cuối cùng sẽ diễn ra vào ngày 19-10 ở thành phố Las Vegas của bang Nevada. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 sẽ được tiến hành ngày 8-11.

Còn 2 tháng nữa mới đến ngày bầu cử Mỹ nhưng theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), cử tri một số bang hoàn toàn có thể đi bầu Tổng thống trong tháng 9 này, thậm chí trước khi 2 ứng viên bước vào cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên. Có đến hơn 2/3 trong số 50 bang của Mỹ cho phép cử tri đi bỏ phiếu trước ngày 8-11.

Dương Hà (Theo VOV, Vietnam+)
 


Ý kiến bạn đọc