Chiến sự lại bùng phát tại Syria sau khi lệnh ngừng bắn chấm dứt
08:20, 21/09/2016
Tối 19-9 (theo giờ Việt Nam), lực lượng quân đội Chính phủ Syria đã tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn kéo dài 1 tuần, có hiệu lực từ ngày 12-9, do Nga và Mỹ hậu thuẫn, đồng thời cáo buộc các nhóm phiến quân tại đây đã khiến thỏa thuận này đổ vỡ.
Hãng thông tấn Nhà nước SANA của Syria dẫn tuyên bố của quân đội chính phủ nước này nêu rõ lệnh ngừng bắn, vốn có hiệu lực từ 19 giờ (giờ địa phương), tức 11 giờ (giờ Việt Nam) ngày 12-9 theo thỏa thuận giữa Nga và Mỹ, đã chấm dứt.
Tuyên bố nhấn mạnh các nhóm phiến quân tại Syria đã không hề thực hiện điều khoản nào trong thỏa thuận này khi số vụ vi phạm của họ vượt quá 300 lần. Quân chính phủ Syria cũng cáo buộc “các nhóm khủng bố vũ trang lợi dụng lệnh ngừng bắn” để huy động lực lượng tiếp viện và tái phân phối lực lượng.
Giao tranh bùng phát tại Syria sau khi lệnh ngừng bắn chấm dứt. (Ảnh: Reuters) |
Thỏa thuận ngừng bắn tại Syria do Ngoại trưởng John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov làm trung gian đạt được vào rạng sáng 10-9 sau cuộc đàm phán kéo dài gần 13 giờ tại Geneva, Thụy Sĩ. Thỏa thuận mang tính đột phá này kêu gọi ngừng giao tranh trên khắp Syria và tăng cường viện trợ nhân đạo cho thành phố Aleppo, miền Bắc Syria.
Kể từ sau khi thỏa thuận này có hiệu lực vào tối 12-9, bạo lực đã giảm đáng kể tại các mặt trận chính. Tuy nhiên, đụng độ vẫn nổ ra vào cuối tuần qua tại các tỉnh miền Trung Syria như Hama và Homs, cũng như phía Đông thủ đô Damascus. Căng thẳng leo thang khi Không quân Mỹ ngày 17-9 không kích vào các vị trí của lực lượng quân đội Chính phủ Syria tại khu vực cách sân bay Deir al-Zor 6km về phía Nam và sau đó tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Cuộc không kích đã làm 62 người thiệt mạng và 98 người bị thương.
Chưa đầy 2 giờ đồng hồ sau khi quân đội Syria tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần, các hoạt động không kích và bắn phá dữ dội đã diễn ra tại những khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở Aleppo và các khu làng mạc lân cận. Đoàn xe cứu trợ của Liên hiệp quốc ở Syria cũng bị trúng bom.
Theo Cao ủy Liên hiệp quốc về Người tị nạn (UNHCR), ít nhất 18 xe tải trong đoàn xe 31 ô tô chở hàng cứu trợ của Liên hiệp quốc và Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Syria (SARC) đang trên đường tới thị trấn Orum al-Kubra thuộc tỉnh Aleppo để phân phát hàng cứu trợ cho 78.000 người dân khu vực bị đánh bom.
UNHCR cho biết, một nhà kho của SARC cũng đã bị tấn công. Một nhân viên giấu tên của UNHCR nói: “Đây là kho hàng của Tổ chức Chữ thập đỏ và kia là những chiếc xe tải chở đầy thức ăn, thuốc men, chăn màn. Vào lúc 19 giờ 30 tối 19-9, đoàn xe tải của chúng tôi đã bị đánh bom. Chúng tôi đã phải huy động nhân viên cứu chữa những người bị thương. Tuy nhiên, sau đó, một lần nữa chúng tôi lại bị đánh bom”.
Liên hợp quốc ngày 20-9 tuyên bố tạm ngừng mọi hoạt động viện trợ nhân đạo ở Syria sau khi xảy ra vụ không kích nhằm vào các xe tải chở hàng cứu trợ gần Aleppo khiến 1 nhân viên của Tổ chức Chữ thập Đỏ quốc tế và nhiều dân thường thiệt mạng. Phát biểu với báo giới ở Geneva, Thụy Sĩ, người phát ngôn Cơ quan Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), ông Jens Laerke nêu rõ "mọi hoạt động cứu trợ khác ở Syria sẽ bị tạm ngừng như một biện pháp an ninh trước mắt".
Cảnh đổ nát sau các vụ không kích ở Aleppo. (Ảnh: EPA/TTXVN) |
Đặc phái viên Liên hiệp quốc về Syria Staffan de Mistura tỏ ra tức giận trước vụ tấn công nói trên khi cho rằng đoàn xe cứu trợ đã trải qua quá trình xin phép rất lâu và đang chuẩn bị tới giúp đỡ những người dân bị cô lập.
Quan chức phụ trách chương trình cứu trợ của Liên hiệp quốc Stephen O'Brien kêu gọi các bên xung đột tại Syria thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ nhân viên cứu trợ, người dân và các cơ sở hạ tầng dân sự theo đúng luật nhân đạo quốc tế.
Trong khi đó, trên chiến trường, chưa đầy hai giờ đồng hồ sau khi quân đội Syria tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần, các hoạt động không kích và bắn phá dữ dội đã diễn ra tại những khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở Aleppo và các khu làng mạc lân cận.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), giao tranh tái diễn đã gây ra một số thương vong. Tuy nhiên, không rõ máy bay của Syria hay Nga thực hiện các cuộc không kích nêu trên.
Theo AFP, ngày 20-9, Nga cho rằng lệnh ngừng bắn ở Syria chỉ có thể được nối lại nếu "các phần tử khủng bố" ngừng tấn công lực lượng chính phủ. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Điều kiện rất đơn giản. Tình trạng nổ súng cần phải được chấm dứt và các phần tử khủng bố cần phải ngừng tấn công binh lính Syria. Tất nhiên sẽ không gặp khó khăn nếu các đồng nghiệp người Mỹ của chúng ta đã không tình cờ đánh bom người dân Syria".
Hồng Hải (Theo
VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc