Multimedia Đọc Báo in

EU nhất trí đưa ra "lộ trình" tái thiết lòng tin của người dân

16:21, 17/09/2016
Rạng sáng 17-9 (theo giờ Hà Nội), Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp một ngày tại Bratislava (Slovakia) đã bế mạc, với việc 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên thống nhất về một "lộ trình" các chiến lược để tái thiết lòng tin công chúng ở EU sau khi Anh quyết định rời khối. 
 
Dự kiến kế hoạch về những cam kết hợp tác mới này sẽ được công bố vào tháng 3-2017, nhân dịp kỷ niệm 60 năm hiệp ước thành lập EU được ký kết tại Rome.   
 
Toàn cảnh hội nghị. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Toàn cảnh hội nghị. (Nguồn: EPA/TTXVN)
 
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Tổng thống Pháp Hollande đánh giá cao sự hợp tác của các nước thành viên với việc đạt được thống nhất chung về một tầm nhìn hậu Brexit tại hội nghị lần này. Ông Hollande cũng bày tỏ lạc quan về sự phát triển của Liên minh châu Âu sau khi Anh rời khỏi khối.
 
“Đây là cuộc họp đầu tiên mà chúng ta có với 27 nước thành viên. Chúng ta phải đưa ra một chương trình nghị sự cho các tháng tới. Châu Âu cần tiến lên phía trước và có thể thực hiện được điều này, miễn là nó có ưu tiên rõ ràng và những ưu tiên đó đáp ứng nguyện vọng của người dân châu Âu”, Tổng thống Pháp cho biết. 
 
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định việc Anh rời EU đã khiến khối này rơi vào một tình huống "nghiêm trọng", chính vì thế các nhà lãnh đạo châu Âu trong 6 tháng tới cần phải có một kế hoạch hành động để giải quyết từng vấn đề như người nhập cư và an ninh biên giới vùng ngoài. 
 
Theo bà Merkel, EU cần phải có sự đoàn kết và hợp tác hơn nữa - những giá trị đã được các nước sáng lập EU nhất trí vào năm 1957. 
 
Liên quan đến các cuộc đàm phán của Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng khẳng định lập trường chung rằng các cuộc đối thoại chỉ có thể được diễn ra sau khi Anh khởi động điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon và cần được thực hiện vì lợi ích của 27 nước thành viên còn lại. EU cũng tuyên bố sẽ bảo vệ nguyên tắc là Anh sẽ không được phép tham gia thị trường chung châu Âu nếu nước này chủ trương hạn chế sự di chuyển tự do của người lao động. 
 
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker nhấn mạnh: “Chúng tôi tuân theo lập trường rằng, đây không phải là cuộc chiến lợi ích giữa các Thủ tướng sắp rời đi và các Thủ tướng ở lại, mà vì lợi ích của người dân tại châu Âu. Đó là quyền của những công nhân và người dân bình thường đang sống tại châu Âu, Do đó, tôi không thấy có bất cứ khả năng nào thỏa hiệp từ phía EU về vấn đề này”.
 
Mặc dù đạt được đồng thuận chung về tầm nhìn của khối hậu Brexit, nhưng hội nghị cũng không thể vượt qua được những bất đồng sâu sắc liên quan đến cuộc khủng hoảng tị nạn và chính sách phát triển kinh tế.
 
Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố hội nghị thượng đỉnh lần này đã thất bại trong việc thay đổi các chính sách về người nhập cư của EU mà ông gọi là "tự hủy diệt và ngây thơ". Dự kiến Thủ tướng Orban sẽ thúc đẩy một kế hoạch liên quan đến vấn đề này tại hội nghị các nước khu vực Balkan vào ngày 24-9 tới. Trong khi đó, Thủ tướng Italy Matteo Renzi cũng bày tỏ không hài lòng với những quyết định của khối về vấn đề tăng trưởng kinh tế và di cư. 
 
27 nước thành viên Liên minh châu Âu đã thống nhất về một
27 nước thành viên Liên minh châu Âu đã thống nhất về một "lộ trình" các chiến lược để tái thiết lòng tin của người dân đối với EU. (ảnh: Getty).
 
Nhiều năm khủng hoảng kinh tế đã khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở khu vực phía Nam châu Âu, trong khi hàng loạt vụ tấn công do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện cũng như dòng người nhập cư kỷ lục từ những nước bị chiến tranh tàn phá như Syria, Afghanistan và Iraq đã khiến nhiều cử tri các nước châu Âu quay sang ủng hộ các đảng phái có tư tưởng phản đối EU.
 
Các đảng chống châu Âu đang dẫn đẫu các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử tại Pháp, Hà Lan và Áo. Tại Đức, đảng chống chính sách di cư cũng là “đối thủ nặng kí” của liên đảng bảo thủ của Thủ tướng Merkel trước thềm cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới.  
 
Trong bối cảnh đó, Hội nghị thượng đỉnh EU lần này, được gọi là không chính thức do Anh không tham dự, được tổ chức nhằm mục tiêu vãn hồi lòng tin của người dân về EU, vốn nhiều thập kỷ qua được xem là tổ chức bảo hộ cho hòa bình và thịnh vượng của châu Âu, song giờ đây được giới chức khu vực thừa nhận hiện trong một cuộc "khủng hoảng hiện tồn". Trong tuyên bố chung tại hội nghị lần này, lãnh đạo 27 nước một lần nữa kêu gọi người dân châu Âu hãy ủng hộ và tin tưởng vào tầm nhìn của khối, có thể bảo đảm sự đoàn kết và phát triển hơn nữa của châu lục.
 
Hồng Hà ( Theo VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.