Multimedia Đọc Báo in

15 năm khủng bố 11-9: Nước Mỹ tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm

08:00, 13/09/2016

Tròn 15 năm sau ngày xảy ra các vụ tấn công khủng bố tại nước Mỹ, cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người, ngày 11-9, hàng nghìn người dân Mỹ đã tập trung tại nhiều địa điểm trên khắp đất nước để làm lễ tưởng niệm những nạn nhân vô tội trong vụ khủng bố đẫm máu.

Hàng loạt các hoạt động tưởng niệm đã diễn ra tại nhiều nơi trên nước Mỹ, đặc biệt là thành phố New York và thủ đô Washington.

Tại thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama và gia đình cùng các quan chức đã dành một phút tưởng niệm tại phòng Bầu dục vào lúc 8 giờ 46 sáng (theo giờ địa phương, tức 19 giờ 46 giờ Việt Nam) - cũng là thời điểm không tặc điều khiển chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tháp phía Bắc của tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới. Sau đó, ông Obama tới dự lễ tưởng niệm tại Lầu Năm Góc, một trong những mục tiêu bị tấn công cách đây đúng 15 năm.

Một phụ nữ Mỹ đến tưởng nhớ người thân ở khu tưởng niệm khắc tên các nạn nhân hôm 10-9. (Ảnh: Reuters).

Một phụ nữ Mỹ đến tưởng nhớ người thân ở khu tưởng niệm khắc tên các nạn nhân

. (Ảnh: Reuters).

Còn tại New York, người thân những nạn nhân đã thiệt mạng trong các vụ khủng bố này đã tập trung tại Khu vực số 0 (Ground Zero), nay là Bảo tàng Tưởng niệm các nạn nhân vụ 11-9 và khu Trung tâm Thương mại Thế giới mới, để tưởng nhớ những người đã khuất.

Tên của gần 3.000 nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ cách đây 15 năm đã một lần nữa được đọc lên tại đây.

Buổi lễ đã có 6 phút im lặng để tưởng niệm 6 khoảnh khắc kinh hoàng, bao gồm khi 2 chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới (8 giờ 46 và 9 giờ 03), khi 2 tòa tháp này sụp đổ (9 giờ 59 là tòa tháp Nam và 10 giờ 28 là tòa phía Bắc), khi Lầu Năm Góc bị tấn công (9 giờ 37) và 10 giờ 03, khi chuyến bay 73 của hãng United lao xuống một cánh đồng ở Pennsylvania.

Trong phút im lặng đầu tiên lúc 8 giờ 46, toàn bộ chuông các nhà thờ ở New York đã rung lên để tưởng niệm thời khắc chuyến bay số 11 của Hãng hàng không American Airlines đâm vào tòa tháp phía Bắc 15 năm trước.

Cả hai ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ là bà Hilary Clinton ông Donald Trump cũng đã có mặt tại buổi lễ ở New York để tưởng nhớ các nạn nhân.

Trước đó, trong thông điệp được phát vào đêm trước lễ tưởng niệm 15 năm sau vụ khủng bố 11-9, Tổng thống Obama đã kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết khi đối mặt với các cuộc tấn công khủng bố, đồng thời khẳng định "người Mỹ sẽ không bao giờ đầu hàng trước nỗi sợ hãi". Ông Obama đồng thời tái khẳng định cam kết của nước Mỹ trong nỗ lực tiêu diệt các tổ chức khủng bố, trong đó có mạng lưới Al-Qaeda và tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Trong vụ tấn công ngày 11-9-2001, từ lúc 8 giờ 46 đến 10 giờ 03, không tặc đã khống chế và cướp 4 máy bay dân dụng Mỹ lần lượt đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở New York, Lầu Năm Góc và một khu vực gần Shanksville, bang Pennsylvania.

Trùm khủng bố Osama bin Laden và mạng lưới al Qaeda đã nhận gây ra vụ tấn công. Sau vụ khủng bố, Mỹ đã phát động cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu và mở cuộc chiến tại Afghanistan. Tới tháng 5-2011, đặc nhiệm Mỹ đã tiêu diệt Osama bin Laden trong cuộc đột kích tại Abbottabad, Pakistan.

Sự kiện 11-9-2001 đến nay được coi là một bước ngoặt trong nền chính trị thế giới, đặc biệt là nước Mỹ, để lại nhiều tác động lâu dài. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng sự kiện 11-9 đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử nhân loại - thời kỳ Hậu hiện đại.

Đến tháng 3-2015, các nhà chuyên môn mới chỉ xác định thêm được một phần thi thể thuộc về danh tính thứ 1.640 – tức là vẫn còn 1.113 người có tên mà không có phần thân xác thuộc về mình.

Thực ra hơn 7.000 phần thi thể hiện đang được cho là vô danh vẫn đang được lưu trữ cách không xa khu tưởng niệm để phục vụ công tác điều tra và cũng được dùng làm nơi để các gia đình chưa nhận được phần thi thể người thân đến đây tưởng nhớ chung.

Hồi năm 2005, công tác phân tích xác định thi thể nạn nhân từng phải dừng lại một năm vì nhiều lý do mà chủ yếu là quá khó khăn. Công việc chỉ được phục hồi lại sau đó khi người ta tìm kiếm được thêm các phần thi thể mới và có những tiến bộ trong khoa học cho phép tạo tiến bộ trong công tác xác định danh tính. Nhưng tính trong 5 năm qua thì các nhà chuyên môn cũng chỉ xác định thêm được phần thi thể của 11 nạn nhân.

Phương pháp giám định truyền thống là xét nghiệm răng, ảnh, dấu tay nhưng nhiều trường hợp thi thể đã bị cháy thành tro hoặc với những thi thể nát bấy trong đống đổ nát, các nhà khoa học phải làm việc tỉ mẩn như những thám tử.

Không ít lần họ phải dùng đến robot để làm sạch xác chết rồi lấy mẫu cho họ xét nghiệm ADN. Hoặc có trường hợp phải giám định một mẩu xương nhỏ chỉ bằng đồng xu bị văng xa rơi trên nóc tòa nhà của Ngân hàng Đức và sau đó mới xác định được đó là nạn nhân của tòa nhà tháp đôi.

Nước Mỹ còn phải chịu thêm nỗi đau khác là khoảng 75.000 người đến nay vẫn còn bị rối loạn tinh thần hoặc thể xác liên quan đến các vụ tấn công khủng bố ngày 11-9.

Nhân viên cứu hộ nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân mắc kẹt dưới những đống đổ nát tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Mỹ. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Nhân viên cứu hộ nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân mắc kẹt dưới những đống đổ nát tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Mỹ sau vụ 11-9-2001. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Đa phần trong số này là những người tham gia lực lượng cứu hộ không quản thân mình để tìm cứu những mạng sống khác. Trong quá trình đổ về tòa nhà Tháp đôi và thậm chí đào bới sau thời điểm đó, họ đã hít phải khói bụi độc hại trong thời gian dài và nay phát tác thành bệnh ung thư.

Bác sĩ Michael Crane hiện là người phụ trách chương trình chăm sóc y tế WTC (Word Trade Center) dành cho những người ảnh hưởng bởi sự kiện 11-9. Theo ông Crane, số lượng tình nguyện viên, nhân viên cứu hộ… có mặt tại Ground Zero sau vụ tấn công là khoảng 90.000 người. Và hiện có 65.000 người đang được theo dõi sức khoẻ bởi chương trình chăm sóc y tế WTC.

Hơn 5.000 người trong số đó đang mắc ung thư với tỉ lệ khoảng 40% là ung thư đường hô hấp và tiêu hoá bởi trong bầu không khí tại Ground Zero có chứa bụi Amiăng. Loại bụi này có thể gây nên các vấn đề về phổi, nặng hơn là ung thư.

Những người tham gia chương trình chăm sóc y tế này ngoài việc được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ về sức khoẻ, còn được nhận một khoản bồi thường từ quỹ James Zadroga (tên quỹ được đặt theo tên một thám tử đã bị mắc bệnh chết người sau khi làm việc tại Ground Zero).

Tháng 12-2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một đạo luật thông qua việc tiếp tục tài trợ cho quỹ James Zadroga đến năm 2090.

Dương Hà (Theo VOV, Vietnam+)
 


Ý kiến bạn đọc