Multimedia Đọc Báo in

EU nhất trí thông qua Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu

12:46, 02/10/2016
Ngày 30-9, Bộ trưởng Môi trường các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thông qua Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu, bất chấp Quốc hội nhiều nước thành viên cho đến nay vẫn chưa phê chuẩn hiệp ước này. 
 
Thông tin trên đã được Chủ tịch EU Donald Tusk xác nhận trên trang mạng xã hội Twitter. Ông Donald Tusk nêu rõ: "Tất cả các nước thành viên EU đã bật đèn xanh cho việc sớm thông qua Hiệp ước Paris. Điều mà một số người cho rằng không thể xảy ra nay đã trở thành hiện thực".
 
Trong khi đó, phát biểu trước báo giới, Ủy viên phụ trách vấn đề môi trường của EU, Miguel Arias Canete cho rằng sự kiện này đánh dấu "ngày lịch sử, khi các nước EU bỏ lại đằng sau tất cả những hoài nghi về việc khối này sẵn sàng tham gia hiệp ước".
 
Cho đến nay, 7 nước EU, trong đó có Đức và Pháp đã phê chuẩn hiệp ước trên. 
 
Theo tuyên bố của EU, giờ đây Nghị viện châu Âu sẽ phải phê chuẩn Hiệp ước trước khi EU chính thức thông qua. Dự kiến, ngày 4-10, Nghị viện châu Âu sẽ tổ chức phiên họp về việc thông qua Hiệp ước.
 
Tuyên bố nêu rõ các Bộ trưởng Môi trường "đã nhất trí đẩy nhanh tiến trình thông qua Hiệp ước Paris và quyết định thông qua ở cấp tập thể EU". Các nước thành viên sẽ thông qua hiệp ước cùng với EU nếu đã hoàn thành các thủ tục trong nước, hoặc sẽ thông qua sớm nhất có thể sau đó.
 
Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu được ký kết tháng 12-2015 tại thủ đô Paris sau gần hai tuần đàm phán gay go. Để thỏa thuận này có hiệu lực, cần ít nhất 55 quốc gia chiếm tương ứng 55% lượng khí thải toàn cầu phê chuẩn. Mục tiêu của thỏa thuận này là giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái đất dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.  
Cảnh khô hạn do biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa. Nguồn: AFP/TTXVN)
Cảnh khô hạn do biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa. Nguồn: AFP/TTXVN)
Hiệp ước đánh dấu bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của Liên hiệp quốc trong suốt hơn hai thập kỷ qua nhằm thuyết phục Chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế gia tăng nhiệt độ của Trái đất. 
 
Ít nhất 30 nước đã cùng thông qua hiệp ước này tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York (Mỹ) ngày 21-9 vừa qua.
 
Các nước EU chiếm 12% lượng khí thải toàn cầu. Với việc phê chuẩn Hiệp ước và nếu được EU thông qua, đây sẽ là bước đột phá cho nỗ lực của toàn cầu trong việc ngăn chặn sự biến đổi khí hậu ngay trước vòng đàm phán về khí hậu mới của Liên hiệp quốc diễn ra vào tháng 11 tới tại Morocco. Trung Quốc và Mỹ, hai nước có lượng khí thải lớn nhất thế giới cũng đã phê chuẩn thỏa thuận này.
 
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cho rằng, với sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước, Hiệp ước Paris sẽ sớm có hiệu lực trong năm nay: “Mọi thứ đều đang diễn biến suôn sẻ. Tôi cảm ơn việc 31 nước đã thông báo phê chuẩn hiệp ước tại phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Chúng ta đang tiến gần đến cơ hội để Thỏa thuận Paris có hiệu lực”.
 
Việc EU nhất trí phê chuẩn Hiệp ước Paris sau những tranh cãi gay gắt cũng là một thông điệp đoàn kết, động lực mới giúp củng cố sự thống nhất của khối, đặc biệt khi EU đang chật vật đối phó với các tác động do Anh quyết định rời khỏi khối, cùng những chia rẽ sâu sắc liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư.
 
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.