Multimedia Đọc Báo in

Hungary cảnh báo sự thất bại trong chính sách nhập cư

09:12, 25/09/2016
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm 23-9 đã cảnh báo sự thất bại trong chính sách nhập cư đang đặt ra mối đe dọa đối với châu Âu. Ngoại trưởng Hungary cũng kêu gọi xây dựng một kế hoạch toàn diện nhằm giúp người nhập cư  ở gần hơn với quê hương họ.
 
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc, ông Peter Szijjarto cho biết Hungary luôn đặt an ninh và sự an toàn của người dân lên trên hết. Hungary đang thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ khu vực biên giới của nước này và sẽ không cho phép tình trạng nhập cư ồ ạt xảy ra tại các khu vực biên giới trong thời gian tới. 
 
Hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đang cứu những người nhập cư trái phép ở Địa Trung Hải (ảnh: AP)
Hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đang cứu những người nhập cư trái phép ở Địa Trung Hải (ảnh: AP)
 
Ông Szijjarto cũng cho rằng, việc giữ người nhập cư ở gần quốc gia sở tại của họ là giải pháp tốt nhất bởi họ sẽ nhanh chóng có cơ hội được trở về quê hương ngay khi cuộc khủng hoảng kết thúc. Đây cũng là lý do tại sao cộng đồng quốc tế cần phải hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Lebanon và Iraq bởi những quốc gia này đang phải tiếp nhận hàng triệu người tị nạn.
 
Trước đó, vào ngày 22-9, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã kêu gọi EU trục xuất những người nhập cư trái phép tới các trại tị nạn được lập bên ngoài lãnh thổ của khối. Tuyên bố này được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Hungary và các quốc gia EU khác về vấn đề người di cư.
 
Trả lời phỏng vấn trang tin Origo.hu, Thủ tướng Orban nêu rõ tất cả những người nhập cư trái phép cần được tập trung lại và trục xuất khỏi các nước EU. Những người này có thể nộp đơn xin tị nạn tại các trung tâm do EU thành lập, hỗ trợ kinh phí và giám sát bên ngoài lãnh thổ khối, và lưu trú tại đây đến khi một nước EU đồng ý tiếp nhận họ. Ông đề xuất một số địa điểm khả thi để xây dựng các trại tị nạn như một hòn đảo hoặc các khu vực dọc bờ biển Bắc Phi. 
 
Theo Thủ tướng Orban, trục xuất người nhập cư là giải pháp "cứu cánh" cho mọi vấn đề và là phương án "tốt duy nhất cho tất cả mọi người", đặc biệt là những nước như Đức vốn gặp nhiều bất ổn sau khi tiếp nhận một triệu người di cư hồi năm ngoái. 
 
Thủ tướng Orrban là nhà lãnh đạo cực lực phản đối kế hoạch phân bổ người di cư bắt buộc trong 28 quốc gia thành viên của EU. Hungary sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về việc quốc gia này có nên tham gia vào kế hoạch phân bổ người tị nạn của EU hay không vào ngày 2-10 tới.
 
Năm 2015, hơn 400.000 người di cư đã tới Hungary để tìm đường tới các nước Tây Âu. Trước tình trạng này, Chính phủ Hungary đã xây dựng hệ thống hàng rào thép gai dọc các đường biên giới phía Nam và áp dụng nhiều đạo luật chống nhập cư hà khắc. 
 
Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây, số người di cư lại bắt đầu có dấu hiệu tăng khiến chính quyền Budapest lập tức tăng cường các biện pháp an ninh nhằm kiềm chế sự gia tăng này, trong đó có biện pháp cưỡng chế trở lại khu vực "vành đai trắng" giữa biên giới Hungary và Serbia đối với người di cư xuất hiện trong khu vực cách biên giới Hungary trong vòng 8 km.
 
Chiến dịch phản đối chính sách EU của Hungary vấp phải sự chỉ trích của một số nước thành viên châu Âu. 5 nước Bắc Âu gồm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển đã kêu gọi Liên minh châu Âu áp đặt biện pháp cần thiết với Hungary khi quốc gia thành viên này vi phạm quy định của EU trong vấn đề tiếp nhận người tị nạn.
 
Nhóm các nước Bắc Âu nhất trí cho rằng, đây là "hành vi vi phạm luật định của EU và không thể chấp nhận”. Hai quốc gia châu Âu khác là Áo và Luxembourg cũng chỉ trích gay gắt Hungary về vấn đề di cư, với việc Áo gần đây đe dọa chính thức kiện Hungary lên các tòa án EU vì vấn đề người di cư. Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn thậm chí còn cho rằng, Hungary nên bị loại trừ khỏi Liên minh châu Âu với chính sách chống người di cư, hủy hoại các giá trị của châu Âu.
 
Những vấn đề liên quan đến chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng di cư không chỉ phơi bày sự rạn nứt và chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên trong khối mà còn đẩy EU trước nguy cơ tan rã.  
 
gười di cư Syria chui qua hàng rào khi nhập cảnh vào Hungary tại biên giới với Syria gần Roszke.
Người di cư Syria chui qua hàng rào khi nhập cảnh vào Hungary tại biên giới với Syria gần Roszke. (Ảnh: Reuters)
 
Với việc chưa đầy 2 tuần nữa là diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về việc liệu Hungary có bác bỏ hạn ngạch di cư của EU hay không, một khảo sát gần đây cho thấy có nhiều người dân nước này ủng hộ chính sách thắt chặt người di cư của Chính phủ. Một người dân tại thủ đô Budapest bày tỏ: “Hàng rào thép gai tại biên giới là cần thiết. Thậm chí chúng ta còn phải có các biện pháp cứng rắn hơn nữa để ngăn chặn những người di cư vẫn đang cố gắng vượt qua các hàng rào này”.
 
Theo nhận định của báo chí châu Âu, nếu Thủ tướng Victor Orban nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân trong cuộc trưng cầu ý dân lần này, Chính phủ Hungary có thể tiếp tục thúc đẩy chiến dịch thay đổi những vấn đề nền tảng của Hiệp ước Lisbon của Liên minh châu Âu, nhằm tăng cường chủ quyền của các nước thành viên. Nếu điều này xảy ra, báo hiệu triển vọng tương lai không sáng sủa cho EU, vốn đã lung lay sau quyết định Anh rời khỏi khối, với khả năng cao tiếp theo là Hexit (Hungary ra khỏi EU).
 
Hồng Hải ( Theo VOV, TTXVN)
 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.