Multimedia Đọc Báo in

Aleppo - Chiến trường khốc liệt nhất Syria

14:35, 28/09/2016
AFP và Reuters đưa tin Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) và Đài Truyền hình nhà nước Syria cho biết, ngày 27-9, các lực lượng của Chính phủ Syria đã giành quyền kiểm soát quận trung tâm Farafira cũng như giành được lợi thế tại thành cổ Old City thuộc thành phố Aleppo trong một chiến dịch lớn quy mô lớn được phát động tuần trước.
 
Nguồn tin từ lực lượng phiến quân tại Aleppo cho biết đã xảy ra cuộc đụng độ tại khu vực Suweiqa thuộc Old City, song không nói về việc quân chính phủ giành lợi thế. 
 
Trước đó, một thành viên cấp cao của phiến quân Syria cũng cho biết các lực lượng thân chính phủ đã tấn công nhiều khu vực do phiến quân chiếm đóng ở Aleppo trong một chiến dịch tấn công trên bộ lớn nhất kể từ khi quân đội nước này mở màn cuộc tấn công nhằm giành quyền kiểm soát Aleppo. 
 
Cảnh đổ nát ở Syria. (Nguồn: Reuters)
Cảnh đổ nát ở Syria. (Nguồn: Reuters)
 
Cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyến bố chiến dịch ném bom "hoàn toàn không chể chấp nhận được về mặt đạo đức" ở Aleppo đã vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời hối thúc Nga có những bước đi chân thành nhằm khôi phục thỏa thuận ngừng bắn. 
 
Tuy nhiên, ông không chỉ rõ chính quyền Syria hay đồng minh Nga đứng sau các cuộc không kích làm hàng chục dân thường thiệt mạng hay vụ tấn công đẫm máu nhằm vào đoàn xe viện trợ ở Aleppo hồi tuần trước.
 
Ngày 25-9, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã hối thúc các cường quốc thế giới làm việc tích cực hơn để chấm dứt "cơn ác mộng" ở Syria khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc có cuộc họp khẩn cấp nhằm thảo luận về cuộc xung đột đang leo thang tại quốc gia Trung Đông này. Theo ông Ban Ki-moon, dù có bất cứ lý do gì thì cũng không bằng hành động quyết đoán để ngăn chặn tình trạng bất ổn ở Syria.
 
Theo người đứng đầu Liên hiệp quốc, Aleppo đã biến thành chiến trường lớn nhất kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra vào năm 2011. Trên 200 người đã thiệt mạng kể từ khi quân đội Syria mở cuộc tấn công vây hãm mới nhất vào thành phố miền Nam Syria này.
 
Hàng trăm ngàn dân thường vẫn bị giam hãm ở Aleppo vào ngày 25-9, ba ngày sau khi quân đội Syria mở một cuộc tấn công nhằm giành lại các khu vực đang nằm trong sự kiểm soát của phiến quân ở trung tâm kinh tế một thời của Syria.
 
Theo báo cáo của các nhóm quan sát, ít nhất 49 người đã thiệt mạng vào ngày 24-9, gồm 11 trẻ em, do lực lượng cứu trợ không thể tiếp cận đến các khu vực bị oanh tạc. Đài Truyền hình nhà nước Syria cũng đưa tin ít nhất có 5 người đã thiệt mạng trong khu vực do chính phủ Syria kiểm soát.
 
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh ước tính tổng số người thiệt mạng kể từ thứ 5 (22-9) khi quân đội Syria công bố bắt đầu chiến dịch tấn công của mình vào phía Đông thành phố Aleppo là trên 200 người. Các lực lượng có vũ trang Syria đã yêu cầu dân thường sơ tán khỏi các khu vực gần các tổng hành dinh và cứ điểm của "các băng đảng khủng bố có vũ trang".
 
Chính phủ Syria dùng từ "khủng bố” để chỉ các nhóm cầm súng chiến đấu để phế truất Tổng thống Bashar al-Assad, bao gồm các lực lượng phiến quân được Mỹ ủng hộ, và nhóm IS. 
 
Cảnh đổ nát sau cuộc không kích tại khu vực Tariq a-Bab, Aleppo ngày 24-9. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cảnh đổ nát sau cuộc không kích tại khu vực Tariq a-Bab, Aleppo ngày 24-9. (Nguồn: AFP/TTXVN)
 
Trên 250.000 người dân thường đã mắc kẹt ở miền Đông Aleppo trong tình trạng thiếu nước sau khi các cuộc không kích của Nga nhằm vào trạm bơm nước chính của vùng này vào ngày 24-9. Các lực lượng phiến quân đã trả đũa bằng cách khoá các trạm bơm nước do chính phủ nắm giữ tại Aleppo, dẫn tới 1,5 triệu người không có nước sinh hoạt.
 
Liên hiệp quốc đã kêu gọi các bên tham chiến "ngừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng nước” và coi đây là một tội ác chiến tranh theo nghị định thư bổ sung Công ước Geneva.
 
Theo Hội Chữ thập đỏ quốc tế, tại Homs, một đoàn 36 xe tải chở hàng viện trợ đã đến được quân Waer do phiến quân kiểm soát. Chặn đường cung cấp lương thực, nước và thuốc men là chiêu bài tất cả các bên vận dụng trong cuộc chiến kéo dài gần sáu năm tại Syria.
 
Trên 300.000 người thiệt mạng và một nửa dân số Syria buộc phải tha hương kể từ khi xung đột bùng phát tại Syria vào năm 2011.
 
Dương Hà (Theo VOV, Vietnam+)
 

Ý kiến bạn đọc