Multimedia Đọc Báo in

Lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Cuba Fidel Castro qua đời ở tuổi 90

12:52, 27/11/2016
Theo AFP, ngày 26-11, Cuba tuyên bố sẽ tổ chức quốc tang 9 ngày cho lãnh tụ cách mạng Fidel Castro - người mới từ trần trước đó một ngày, hưởng thọ 90 tuổi.
 
Theo các phương tiện truyền thông nhà nước Cuba, lãnh tụ Fidel Castro từ trần vào lúc 22 giờ 29 (giờ địa phương) ngày 25-11 (tức 10 giờ 29 ngày 26-11 giờ Việt Nam).
 
Thông cáo của Nhà nước Cuba cho biết tro cốt của lãnh tụ Fidel sẽ được an táng tại một buổi lễ diễn ra ngày 4-12 ở thành phố lịch sử Santiago de Cuba. 
Fidel Castro là một nhà Cách mạng vĩ đại, một trong những người kiệt xuất nhất của thế kỷ XX. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Fidel Castro là một nhà cách mạng vĩ đại, một trong những người kiệt xuất nhất của thế kỷ 20. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Từ 26-11 đến 4-12, "các hoạt động công cộng và chương trình giải trí sẽ tạm ngừng, quốc kỳ sẽ bay rủ trên nóc các tòa nhà công cộng và quân sự", thông cáo nêu rõ.
 
Tin tức về cái chết của nhà lãnh tụ lan nhanh khiến không khí đau buồn tràn ngập trên các đường phố tại thủ đô La Havana. Tại các quán bar, thay vào không khí nhộn nhịp hàng đêm đó là những hình ảnh về vị lãnh tụ kính yêu được phát đi với sự tiếc thương vô hạn của người dân.
 
Sau khi tin lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro từ trần được công bố, lãnh đạo các nước Mỹ Latinh và Ấn Độ đã bày tỏ sự thương tiếc trước mất mát to lớn của nhân dân Cuba.
 
Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto viết: "Tôi đau buồn trước sự ra đi của lãnh tụ Fidel Castro, nhà lãnh đạo cách mạng Cuba và là biểu tượng của thế kỷ 20. Fidel Castro là một người bạn của Mexico, người thúc đẩy quan hệ song phương dựa trên sự tôn trọng, đối thoại và tình đoàn kết".
 
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro kêu gọi "mọi nhà cách mạng trên thế giới tiếp tục kế thừa di sản và ngọn cờ độc lập của chủ nghĩa xã hội". Ông ca ngợi lãnh tụ Fidel Castro đã cùng với người dân trên thế giới làm nên một lịch sử vĩ đại, khẳng định phẩm giá của con người, dựa trên các nguyên tắc của các anh hùng dân tộc Bolivar và Jose Marti. Còn Tổng thống Ecuador Rafael Correa viết: "Ông ấy là một con người vĩ đại.... Cuba muôn năm. Mỹ Latinh muôn năm".
Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng gửi lời chia buồn sâu sắc nhất với Chính phủ và người dân Cuba trước sự ra đi của vị tổng tư lệnh kính yêu Fidel Castro. Ông gọi lãnh tụ Fidel Castro là "một trong những biểu tượng vĩ đại nhất của thế kỷ 20" và là "một người bạn lớn của Ấn Độ".
 
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro sinh ngày 13-8-1926. Ông là một nhà cách mạng vĩ đại, một trong những người kiệt xuất nhất của thế kỷ 20. Ông là người đã ghi danh Cuba vào lịch sử nhân loại với cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài, dẫn dắt quốc gia Caribe này đến con đường độc lập ngày hôm nay.
 
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro luôn là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn, một biểu tượng về một con người kiên cường đấu tranh cho tinh thần độc lập dân tộc và vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người. Trên thế giới, ít người đạt được niềm vinh quang ghi tên mình vào huyền thoại ngay khi đang sống. Fidel Castro là một trong số đó. Ông thuộc lớp các nhà cách mạng kiệt xuất của thế giới thứ ba từng cống hiến đời mình cho lý tưởng tự do và giải phóng dân tộc như Hồ Chí Minh, Nelson Mandela, Che Guevara… Fidel Castro đã trở thành một người anh hùng, vị “Tổng tư lệnh kính yêu”, một nguồn cổ vũ tinh thần của những dân tộc nghèo đói và bị áp bức trên thế giới.
 
Thế giới vẫn lưu giữ những nhận xét về con người lãnh tụ Fidel Castro vĩ đại. Cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez từng nói: "Với tôi, lãnh tụ Fidel Castro là một người thầy vĩ đại. Một con người tài ba không bao giờ chết, một người như Fidel Castro sẽ không bao giờ chết vì ông sẽ luôn là một phần của nhân dân". Trong khi đó, trong một bài phát biểu hồi năm 1991, cố Tổng thống Nam Phi Nelson Madela nói: "Từ những ngày đầu tiên, cuộc Cách mạng Cuba đã trở thành nguồn động viên tinh thần lớn lao cho tất cả những người đấu tranh vì tự do. Chúng tôi ngưỡng mộ sự hy sinh của người dân Cuba để bảo vệ độc lập và chủ quyền trong cuộc đối đầu với chủ nghĩa đế quốc tàn độc.... Cuộc Cách mạng Cuba muôn năm. Đồng chí Fidel Castro muôn năm". 
Ông Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng duyệt đội danh dự Cuba tại Havana vào năm 1979.
Ông Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng duyệt đội danh dự Cuba tại Havana vào năm 1979 (Nguồn: TTXVN).
Dưới sự lãnh đạo của vị “Tổng tư lệnh kính yêu” Fidel Castro, nhân dân Cuba đã vượt qua bức tường phong tỏa hơn 40 năm của Mỹ, đập tan thế “thuyền đơn giữa đại dương tư bản chủ nghĩa”, lập nên những kỳ tích làm kinh ngạc cả thế giới. Lòng quả cảm của ông không chỉ thể hiện qua những hành động mang tính quên mình đó, mà còn cả trong việc dám chọn lựa một con đường chông gai nhưng đúng đắn để theo đuổi và sau này là phát triển đất nước, đi ngược lại lối mòn của tất cả các nước trong khu vực khi đó và thách thức siêu cường lớn nhất thế giới chỉ cách Cuba 150 km đường biển để bảo vệ khát vọng về độc lập và tự chủ của dân tộc mình. Chính những điều này đã tạo nên sức lôi cuốn mạnh mẽ của nhà lãnh tụ Fidel Castro nói riêng và của cách mạng Cuba nói chung trên thế giới, đặc biệt là tại khu vực Mỹ Latinh.
 
Từ hàng chục năm qua, trong trái tim mỗi người Việt Nam, Cuba và vị lãnh tụ Fidel Castro đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quật khởi và khát vọng vươn tới tự do, hạnh phúc. Nhân dân Việt Nam luôn dành cho nhân dân Cuba, cho vị lãnh tụ Fidel Castro niềm tin yêu, sự khâm phục và đồng cảm sâu sắc. 
 
Trong lịch sử, Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 12-1961), là nước đầu tiên thành lập Ủy ban đoàn kết với Việt Nam (tháng 9-1963), là nước đầu tiên và duy nhất lập Sứ quán bên cạnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại vùng giải phóng (tháng 7-1967). 
 
Những năm đó, Cuba khó khăn, đời sống nhân dân gặp nhiều thiếu thốn, có kẻ ác ý tung tin dân Cuba thiếu đường, thiếu sữa là vì có bao nhiêu Fidel gửi cả cho Việt Nam. Nhưng trong một cuộc míttinh quần chúng với hàng chục vạn người tham gia tại thủ đô La Habana, Fidel Castro đã nói: “Đáng tiếc là chúng ta – những người Cuba – không có đủ đường sữa để gửi cho nhân dân Việt Nam, chứ nếu có, không những đường sữa mà cả máu chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng cho nhân dân Việt Nam” .
 
Năm 1967 được Cuba đặt tên là “Năm Việt Nam Anh hùng”. Năm 1972, đê điều ở miền Bắc Việt Nam trở thành mục tiêu phá hoại của đế quốc Mỹ, Cuba đã lấy ngày 28-8-1972 làm “Ngày đê điều” và phát động chiến dịch tuyên truyền mới tố cáo tội ác đế quốc. Fidel một lần nữa khẳng định: “Tình đoàn kết của chúng ta, niềm tin của chúng ta đối với nhân dân Việt Nam và ban lãnh đạo Việt Nam là vô điều kiện và tuyệt đối”.
 
Tháng 9-1973, Fidel là vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng miền Nam khi chiến tranh chưa kết thúc, đem đến cho chiến sĩ và nhân dân Việt Nam lời động viên chiến đấu và lời hứa đóng góp thực hiện mong ước của Bác Hồ xây dựng Việt Nam mười lần to đẹp hơn. Hình ảnh vị Tổng Tư lệnh với bộ quân phục màu xanh ôliu đứng trên nóc một lô cốt cũ của địch, phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, là sự cổ vũ vô cùng to lớn đối với đồng bào, chiến sĩ Việt Nam lúc đó.  
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Cuba Fidel Castro gặp nhau tại Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ 3. Ảnh: Reuters
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Cuba Fidel Castro gặp nhau tại Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ 3.( Ảnh: Reuters)
"Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình" cũng là câu nói chí tình, chí nghĩa của Fidel trong chuyến thăm Việt Nam này. Cũng trong chuyến thăm lần đầu tiên  của Fidel đến Việt Nam, Cuba đã tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế - xã hội vào loại tầm cỡ lúc bấy giờ với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD, gồm: Khách sạn Thắng Lợi (tại Hồ Tây, Hà Nội), Bệnh viện Việt Nam - Cuba (tại Đồng Hới, Quảng Bình), Đường Xuân Mai, Trại bò giống Ba Vì, Xí nghiệp gà Lương Mỹ; tặng bò giống, gà giống và chi hơn 6 triệu USD để mua thiết bị hiện đại, đồng thời cử chuyên gia về cầu đường sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh; giúp đào tạo trên 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ đại học và cao học và vận động ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hiệp quốc…. Sự nhường cơm sẻ áo chí tình này thật nghĩa hiệp và đúng lúc. 
 
Tháng 12-1995 và tháng 2-2003, Fidel Castro có chuyến thăm lần thứ hai và thứ ba đến Việt Nam. Trong những chuyến thăm này, tình hữu nghị và sự hợp tác anh em giữa hai nước Việt Nam - Cuba tiếp tục đạt được nhiều mốc son mới. Qua những chuyến thăm, Chủ tịch Fidel luôn khẳng định, nhân dân Việt Nam mãi mãi là những người bạn, người anh em gần gũi, thân thiết của nhân dân Cuba và tin tưởng chắc chắn rằng tình đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa Cuba và Việt Nam sẽ không ngừng được củng cố và phát triển. 
 
Phát huy những tình cảm quý báu giữa Đảng và nhân dân hai nước, trong hơn nửa thế kỷ qua, bất chấp những biến động của tình hình chính trị thế giới, tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị thắm thiết Việt Nam - Cuba vẫn không ngừng được củng cố, trở thành mẫu mực của tình cảm thủy chung, trong sáng, là tài sản vô giá mà hai Ðảng và nhân dân hai nước luôn giữ gìn, vun đắp.
 
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.