Liên hiệp quốc nối lại nỗ lực giải quyết khủng hoảng Syria
Ngày 20-11, Đặc phái viên Liên hiệp quốc về Syria Staffan de Mistura đã có cuộc gặp Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem tại Damascus để thảo luận tình hình ở Aleppo. Chuyến trở lại Syria lần này của ông Mistura sau hơn nửa năm khá yên ắng cho thấy những nỗ lực nối lại vòng đàm phán hòa bình cho Syria.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, Đặc phái viên Mistura đã kêu gọi viện trợ khẩn cấp đến miền Đông Aleppo. Thành phố từng là trung tâm thương mại của Syria trước khi nội chiến bùng nổ này đã bị chia cắt với nửa phía Đông do phe đối lập kiểm soát và nửa phía Tây do quân đội chính phủ kiểm soát. Kể từ tháng 7 đến nay, đây là mặt trận chính cho các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ, các nhóm đối lập Syria và cả phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Ông Mistura cho biết, tình hình nhân đạo tại khu vực do phe đối lập kiểm soát ở Aleppo đang xuống cấp trầm trọng vì những trận dội bom và giao tranh liên tiếp. Trường học và bệnh viện ở đây đều bị phá hủy hoặc buộc phải đóng cửa vì giao tranh khốc liệt. Đặc phái viên Liên hiệp quốc Mistura đề xuất cử một phái bộ đến xác minh tình hình ở Aleppo. “Vì chúng tôi có những khác biệt về quan điểm với Ngoại trưởng Muallem. Ông ấy hoàn toàn bác bỏ cáo buộc về các vụ ném bom vào bệnh viện ở miền Đông Aleppo. Chúng tôi thì cho rằng các bệnh viện ở đây và nhiều nơi khác nữa đã phải hứng chịu các vụ không kích. Chính vì thế, có lẽ chúng ta nên cho phép một phái bộ xác minh của Liên hiệp quốc và các đối tác đến để làm rõ những thiệt hại đối với bệnh viện ở cả 2 miền Đông và Tây Aleppo”, ông Mistura nói.
Đặc phái viên Liên hiệp quốc về Syria Staffan de Mistura và Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem trong một cuộc gặp tại Damascus. (Ảnh: Reuters) |
Đặc phái viên Liên hiệp quốc kêu gọi nỗ lực sơ tán khoảng 200 người bị thương và bị bệnh khỏi miền Đông Aleppo cũng như vận chuyển nhu yếu phẩm, dược phẩm vào khu vực này để chữa trị cho những người không thể sơ tán khỏi đây. Hiện có khoảng 250.000 người ở Aleppo đang rất cần lương thực. Đây là những người chưa nhận được viện trợ nhân đạo trong nhiều tháng qua.
Ông Mistura cũng kêu gọi Chính phủ Syria công nhận quyền quản lý địa phương của phe đối lập tại miền Đông Aleppo, nói cách khác là thiết lập một “vùng tự trị” ở miền Đông Aleppo do một hội đồng được bầu điều hành. Đặc phái viên Mistura công nhận chính phủ Syria vẫn phải gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ song cho rằng, Aleppo nên được đối xử đặc biệt.
Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc họp báo riêng biệt sau cuộc thảo luận với Đặc phái viên Mistura, Ngoại trưởng Syria Muallem bác bỏ đề xuất để thiết lập một “vùng tự trị” ở miền Đông Aleppo, đồng thời khẳng định Chính phủ Syria sẽ chiến đấu giành lại toàn bộ phần lãnh thổ này. Ngoại trưởng Syria tái khẳng định, chính phủ nước này duy trì cam kết giải quyết khủng hoảng bằng con đường chính trị song cho biết cuộc gặp với Đặc phái viên Mistura cũng vẫn chưa chọn được ngày để nối lại vòng đàm phán tiếp theo. Theo ông Muallem, có thể Đặc phái viên Mistura đang chờ tân Tổng thống Mỹ và tân Tổng thư ký Liên hiệp quốc tuyên thệ nhậm chức vào đầu năm sau.
Trong khi đó, chiến sự vẫn tiếp diễn ác liệt ở Aleppo. Vào ngày 20-11, phiến quân Syria nã rocket trúng vào một trường học tại khu vực do chính phủ kiểm soát ở phía Tây thành phố Aleppo khiến ít nhất 8 người (trong đó có 7 trẻ em) thiệt mạng và 32 người bị thương. Các tay súng đã bắn rocket trúng vào trường học ở khu vực lân cận Furqan. Nhóm phiến quân cũng bắn phá vào nhiều khu vực khác ở phía Tây Aleppo - mục tiêu tấn công thường xuyên của các lực lượng đối lập vốn đang kiểm soát phía Đông thành phố.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, có trụ sở tại Anh, cho biết thảm kịch trên đã nâng tổng số người thiệt mạng trong những ngày qua tại Aleppo lên 13 người, trong đó có 9 trẻ em.
Sau khi nối lại chiến dịch giải phóng khu vực phía Đông Aleppo ngày 15-11 vừa qua, lực lượng chính phủ mở nhiều đợt tấn công ác liệt bằng các cuộc không kích và bắn phá bằng bom đạn. Nhiều cuộc giao tranh đã nổ ra và làm ít nhất 103 dân thường thiệt mạng ở phía Đông thành phố này.
Cảnh đổ nát ở Aleppo sau một vụ nã rocket. (Ảnh: Reuters) |
Trong một diễn biến liên quan, theo Sputniknews.com, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Viktor Ozerov cho rằng việc triển khai một phái bộ gìn giữ hòa bình của Nga tại Syria sẽ phải đợi cho đến khi các phần tử khủng bố bị đánh bại tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin RIA Novosti, ông Ozerov nhấn mạnh việc triển khai bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình nào đều phải được Liên hiệp quốc, các tổ chức khu vực hay các thỏa thuận song phương ủng hộ. Theo ông, chiến dịch chống khủng bố hiện nay của Nga tại Syria đang được thực thi trên cơ sở luật pháp quốc tế theo đề nghị của chính quyền sở tại.
Trong khi đó, phát biểu tại Thượng viện Nga cùng ngày, Vụ trưởng Vụ Thách thức và đe dọa mới thuộc Bộ Ngoại giao Nga cho biết hơn 3.200 người mang quốc tịch Nga đã rời khỏi đất nước để gia nhập hàng ngũ của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq kể từ khi bùng phát xung đột.
Ông Viktor Ozerov cũng cho biết nước này có khả năng nâng cấp cơ sở bảo dưỡng hải quân ở thành phố cảng Tartus của Syria thành một căn cứ hải quân chính thức trong 1 năm rưỡi đến 2 năm, sau khi Moskva và Damascus ký một thỏa thuận.
Hồi tháng 10, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố kế hoạch thành lập một căn cứ hải quân thường trực ở thành phố cảng Tartus của Syria, nơi Moskva đang có một cơ sở nhỏ nhằm bảo dưỡng và hỗ trợ hải quân kể từ năm 1977. Ông Ozerov nói: “Tôi cho rằng cơ sở hạ tầng ở Tartus có thể được nâng cấp thành căn cứ chuyên dụng của chúng ta trong cùng lắm là 2 năm (sau khi ký thỏa thuận nêu trên)”. Ông cũng cho rằng trong giai đoạn này, cơ sở ở Tartus có thể được chuyển thành một căn cứ hải quân chính thức có khả năng cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa đầy đủ cho các tàu chiến và tàu bổ trợ.
Theo ông, thỏa thuận với Damascus có thể được ký trong 49 năm.
Hồng Hà (Theo VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc